Phần đầu của xe cẩu cứu hộ bị lật bẹp dúm - Ảnh: Ngọc Hiển |
Tại hiện trường, gần 500 nhân viên cứu hộ thuộc ngành đường sắt và các lực lượng cứu hộ tại địa phương vẫn đang khẩn trương thông tuyến.
Ông Nguyễn Đức Chính, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường đề nghị phải khẩn trương ứng cứu, thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Hai chiếc cần cẩu 100 tấn từ Huế ra ứng cứu cũng đã đưa vào cứu hộ từ 9g sáng nay.
Cần cẩu lật nằm ngổn ngang bên quốc lộ 1A - Ảnh: Ngọc Hiển |
Theo một lãnh đạo ngành đường sắt VN có mặt tại hiện trường thì chưa thể thông tuyến được do các cần cẩu cứu hộ phải cẩu các toa tàu lại vừa phải di chuyển một xe cứu hộ bị lật trước đó. Giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn trên không bị ảnh hưởng.
Ông Trần Nhật Trung, giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố và cứu nạn đường sắt VN cho biết ngành đường sắt tập trung 400 nhân lực và 100 nhân lực tại địa phương tham gia cứu hộ ngay khi tai nạn vừa xảy ra.
Các lực lượng đang khẩn trương cứu hộ - Ảnh: Ngọc Hiển |
Theo ông Trung, do địa hình khó và các toa tàu bị tai nạn chồng lên nhau và thời gian xảy ra tại nạn vào ban đêm nên việc cứu hộ gặp khó khăn. Ngoài ra, đường sắt nằm cạnh Quốc lộ 1A đang thi công, xe cộ qua lại rất nhiều nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ cứu hộ.
Một toa tàu đã được cẩu lên khỏi đường ray - Ảnh: Ngọc Hiển |
Xe tải bị lật nghiêng dọc theo đường sắt - Ảnh: Quốc Nam |
Ảnh hưởng đến hành khách nhiều tỉnh, thành khác
9g40 sáng 11-3, gần nửa hành khách đi tàu TN5 lộ trình từ Hà Nội đến Huế và Đà Nẵng được chuyển sang tàu khác và đã khởi hành.
Số hành khách còn lại có lộ trình từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM vẫn tiếp tục ngồi chờ trên tàu. Nhân viên tàu TN5 vẫn thông báo cho các hành khách còn lại là chưa biết giờ khởi hành.
Tại ga Đà Nẵng, khá đông hành khách đã mua vé tàu từ trước đó phải ngồi đợi tàu tại ga do ảnh hưởng vụ tai nạn tàu.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại ga Đà Nẵng, khá nhiều hành khách đặt mua vé từ trước đó phải ngồi chờ tại nhà ga. Trong khi đó, một số hành khách đã chọn phương án về nhà nghỉ ngơi chờ thông báo tiếp từ ga.
“Tôi mua vé tàu TN5 từ Đà Nẵng đi Sài Gòn, dự kiến khởi hành lúc 10g30. Tuy nhiên khi lên đây mới biết do ảnh hưởng tai nạn tàu ở phía Bắc nên phải ngồi chờ”, hành khách Nguyễn Hữu Thanh (quê Thanh Hóa) cho hay.
Để thông tin đến hành khách, phía trước cổng ra vào ga Đà Nẵng cũng được các nhân viên viết thông báo và cho loa phát thanh về một số chuyến tàu theo hướng Bắc - Nam sẽ đến ga trễ.
Cụ thể, các chuyến đến ga Đà Nẵng trễ gồm TN1, TN3, TN5 và SE1.
Đến khoảng 13g chiều cùng ngày mới có kế hoạch giờ cụ thể. Ngoài ra, ga cũng cung cấp số điện thoại (0511. 3823810) để thông báo, cập nhật thông tin mới nhất về giờ tàu cho khách.
Tại ga Quảng Trị, phóng viên Tuổi Trẻ nhìn thấy có rất đông hành khách nằm ngồi vật vạ trong trạng thái rất mệt mỏi.
Nhà ga cho biết đang dùng xe để đưa số hành khách này vào ga Mỹ Chánh; tại đó, tàu SE8 đi ra Hà Nội đang bị kẹt sẽ quay đầu để đưa khách của SE5 đi tiếp vào phía nam. Đồng thời, đoàn tàu SE5 bị nạn đang nằm tại ga Quảng Trị đã có đầu máy hỗ trợ sẽ đưa khách của SE8 đi ra phía bắc.
Đến sáng 11-3, hàng trăm hành khách đi trên tàu TN5 (xuất phát cùng ga Hà Nội đi TP.HCM sau vài giờ với tàu SE5) phải nằm chờ vật vã tại ga Tiên An, xã Vĩnh Sơn - Vĩnh Linh (cách hiện trường 40km).
Tàu TN5 dừng chờ tại ga Tiên An từ lúc 4g20 sáng 11-3. Đến gần 2 giờ đồng hồ sau khi dừng, nhân viên tàu TN5 mới phát thông báo sự cố.
Nhiều hành khách rất mệt mỏi khi nằm chờ trên tàu nên yêu cầu nhân viên tàu mở cửa cho họ ra ngoài nghỉ.
Đến 7g, các nhân viên tàu TN5 thông báo cho hành khách vẫn chưa xác định lại giờ khởi hành.
Trong khi đó, tại ga Huế đang có nhiều hành khách kẹt lại. Nhà ga đang tiến hành cho trả vé hoặc đổi vé cho khách.
Hành khách chờ tàu tại ga Quảng Trị - Ảnh: Ngọc Hiển |
Đoàn du khách nước ngoài chờ tàu tại ga Đà Nẵng sáng 11-3 - Ảnh: Phan Thành |
Cần cẩu bị nghiêng khi cứu hộ
Trong đêm 10-3, hai xe cẩu đã được điều đến hiện trường đưa các toa tàu bị nạn ra khỏi đường ray. Tuy nhiên, khi đang làm việc thì cần cẩu gặp sự cố do toa tàu quá nặng khiến cần cẩu bị nghiêng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo Ban quản lý dự án 6 của Bộ GTVT và các đơn vị thi công trên địa bàn Quảng Trị điều 2 cần cẩu loại 100 tấn đến cứu hộ.
Hiện chưa xác định được thời điểm thông tuyến đường sắt này.
Lực lượng công an bảo vệ hiện trường - Ảnh: Quốc Nam |
Diễn biến vụ tai nạn
Báo cáo sơ bộ tại hiện trường gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngoài lái tàu đã tử vong ngay trên ca bin đầu máy, 2 hành khách, phụ lái tàu và tài xế ôtô bị thương trong vụ tai nạn. Hiện tại 2 hành khách sau khi được sơ cứu đã xuất viện và quay về ga chờ tàu đi tiếp.
Theo Đường sắt Việt Nam, lúc 21g40 ngày 10-3, tại km 639+750 (đường ngang có cảnh báo tự động) thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, một ôtô chở đất cố tình vượt đường ngang đã va vào tàu hỏa mang số hiệu SE5 chạy hướng Hà Nội -TP.HCM.
Vụ va chạm đã làm đầu máy số D19E- 968 bị bung, gãy đầu đấm, đầu máy trôi về phía Nam cách vụ tai nạn 2 km; 3 toa xe giáp đầu máy bị trật bánh; trong đó có 1 toa hàng cơm, 1 toa xe chở khách bị xoay ngang, vuông góc với đường sắt, toa xe chở khách số 3 bị đổ nghiêng 60 độ.
Hành khách trên chuyến tàu SE5 bị nạn đang nằm lại ở ga Quảng Trị. Ba hành khách bị thương nhẹ sau khi đưa đến bệnh viện sơ cứu đã về lại ga Quảng Trị.
Toàn bộ toa tàu bị đứt rời nằm chắn ngang đường Quốc lộ 1 - Ảnh: Quốc Nam |
Toàn bộ toa tàu bị đứt rời nằm chắn ngang đường Quốc lộ 1 - Ảnh: Quốc Nam |
Các đơn vị cứu hộ tìm cách xử lý toa tàu bị đứt rời - Ảnh: Quốc Nam |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận