24/05/2025 11:10 GMT+7

Diễn viên Mai Châu, bà Nghị Quế của điện ảnh Việt Nam, qua đời

Diễn viên Mai Châu - người gây ấn tượng với vai bà Nghị Quế trong phim Chị Dậu - qua đời ở tuổi 98 lúc 3h10 sáng 24-5.

Diễn viên Mai Châu - Ảnh 1.

NSƯT Mai Châu ghi dấu trong lòng khán giả với vai bà Nghị Quế - Ảnh chụp màn hình

Thông tin do gia đình diễn viên Mai Châu chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng cùng ngày. Hiện gia đình đang ở nhà tang lễ để lo đám tang cho bà.

Trên Facebook cá nhân, chị Vũ Khánh Linh, cháu nội bà Mai Châu, viết: "Tạm biệt bà nội, diễn viên - NSƯT Mai Châu. Luôn xinh đẹp, vui tươi, lạc quan và tràn đầy năng lượng ở thế giới bên kia, như bà đã từng nhé. Bà đã sống một cuộc đời rực rỡ và trọn vẹn. Yêu thương và kính trọng bà".

Vai bà Nghị Quế khiến khán giả không quên được

Trong sự nghiệp, diễn viên Mai Châu từng tham gia nhiều phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Đi bước nữa, Cô gái công trường, Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn... nhưng vai bà Nghị Quế trong phim Chị Dậu khiến khán giả nhớ hơn cả.

Với lối diễn xuất sắc sảo, tự nhiên, bà Mai Châu đã lột tả thành công một nhân vật bà Nghị Quế keo kiệt, nham hiểm và tàn nhẫn, là một mảnh ghép không thể thiếu làm nên thành công của phim Chị Dậu.

Mai Châu diễn đạt đến mức sau bà Nghị Quế, bà tiếp tục được giao các vai phản diện khác như Phó Đoan (phim Sao Tháng Tám), vợ Bá Kiến (phim Làng Vũ Đại ngày ấy), Hoàng Thái Hậu (phim Đêm hội Long Trì)

Theo lời kể của gia đình, nghệ sĩ nghỉ đóng phim 20 năm nay. Bi, đừng sợ là phim cuối cùng mà bà tham gia. Lúc còn sống, bà có gia đình hạnh phúc với ông Vũ Kỳ Lân, có hai con trai, hai con gái.

Diễn viên Mai Châu - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Mai Châu (phải) trong phim Chị Tư Hậu - Ảnh chụp màn hình

"Chị Mai Châu là diễn viên có bản lĩnh"

NSƯT Đức Lưu từng đóng chung với diễn viên Mai Châu trong phim Cô gái công trường (năm 1960), phim thứ ba của điện ảnh cách mạng Việt Nam những ngày gian khó.

Nghe tin nghệ sĩ Mai Châu qua đời, bà Đức Lưu nói với Tuổi Trẻ Online, "dẫu biết đó là quy luật nhưng vẫn bất ngờ, vô cùng thương xót chị. Thế hệ vàng đó giờ chỉ còn rất ít người, đếm trên đầu ngón tay, rồi cũng đến lúc, tôi đi theo các anh chị Trần Phương, Mai Châu".

Diễn viên Đức Lưu kể trong phim Cô gái công trường, bà và bà Mai Châu vào vai hai mẹ con nhưng ngoài đời, hai người thân thiết như chị em. Trong ký ức bà Đức Lưu, nghệ sĩ Mai Châu là một người chị lịch lãm, nhiều kinh nghiệm sống.

Giai đoạn đầu của điện ảnh cách mạng đó, nghệ sĩ đi đóng phim đều là những người yêu nghề một cách trong sáng, rất thương yêu nhau.

So với anh chị em nghệ sĩ, bà Mai Châu có điều kiện vật chất hơn cả. Nhờ có bà mà thỉnh thoảng anh chị em có thêm bữa ăn tươi, hoặc lương khô. Bà giống như một người chị trong gia đình.

Về nghề, bà Đức Lưu nói "Mai Châu là một diễn viên có bản lĩnh. Dù không được đào tạo chuyên nghiệp, chuyển sang từ vai trò lồng tiếng nhưng bà vẫn ghi điểm với khán giả nhờ lối diễn sâu sắc, chuyên nghiệp".

Bà Đức Lưu nói thêm, đến giờ bà chỉ tiếc một điều, đó là giai đoạn thế hệ của bà, Mai Châu còn trẻ, sung sức, mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho điện ảnh thì xưởng phim quá nghèo, quá khó khăn, không có nhiều tiền làm phim nên diễn viên chưa phát huy hết được khả năng của mình. Nếu không, chúng ta sẽ còn nhiều bộ phim hay hơn nữa.

Diễn viên Mai Châu, bà Nghị Quế của điện ảnh Việt Nam, qua đời - Ảnh 3.

NSƯT Mai Châu - Ảnh: FB gia đình

NSƯT Mai Châu sinh năm 1927 trong một gia đình giàu có, làm kinh doanh tại thành phố Vinh, Nghệ An.

Cách mạngTháng Tám nổ ra làm thay đổi cuộc đời bà. Bà gặp ông Vũ Kỳ Lân, một trí thức tư sản người Hà Nội, sau đó tham gia Lực lượng Phụ nữ cứu quốc, tự vệ của thành phố Vinh, xung phong vào đội "cứu thương" ở tuyến đầu chiến trường.

Ông bà kết hôn năm bà Mai Châu 19 tuổi.

Tháng 12-1945, bà theo chồng hòa vào đoàn quân Nam tiến. Năm 1946, Mai Châu làm thư ký của tướng Nguyễn Sơn (chú ruột ông Vũ Kỳ Lân), khi đó ông là chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam, tư lệnh kiêm chính ủy Liên khu 4.

Sau đó bà tiếp tục ở lại miền Nam và tham gia công tác văn nghệ trong Đoàn Tuyên truyền Giải phóng quân. Năm 1947, bà trở thành diễn viên Đoàn kịch Tiền Tuyến.

Năm 1956, bà làm ở Xưởng phim Việt Nam (sau là Hãng phim truyện Việt Nam), bắt đầu từ công việc lồng tiếng, rồi sau đó tham gia diễn xuất.

Diễn viên Mai Châu, bà Nghị Quế của điện ảnh Việt Nam, qua đời - Ảnh 3.Phó giáo sư Nguyễn Lân Cường qua đời

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, nhà khảo cổ học lập kỷ lục 'người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ', vừa qua đời trưa nay (6-5) tại Hà Nội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên