08/05/2012 07:02 GMT+7

Diễn trong sợ hãi

HỒNG HẠNH
HỒNG HẠNH

TT - Kinh phí 180 triệu đồng/tập phim chưa bao giờ đến tay chủ nhiệm mà không hao hụt. Chuyện hậu trường sản xuất phim truyền hình có nhiều điều khổ sở vì tiền mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.

Kỳ 1: Phim truyền hình thời mì ăn liền

67Rzu9FK.jpgPhóng to
Nhiều khi phim phụ thuộc vào... nhà dân. Cảnh một đoàn phim thuê địa điểm nhà cổ Hà Nội, phải tranh thủ thời gian sợ chủ nhà đóng cửa - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bối cảnh “giết chết” biên kịch

Hầu hết các hãng sản xuất/gia công phim truyền hình hiện nay đều yêu cầu biên kịch viết kịch bản có khoảng 80% bối cảnh nội và 20% ngoại, cảnh đêm không được quá 10%. Lý do của việc này là vì quay ngoại cảnh tốn kém và mệt mỏi hơn so với cảnh nội rất nhiều. Thế nhưng 80% cảnh nội sẽ dẫn đến việc các chủ nhiệm phải chạy xất bất xang bang do không lẽ chỉ có hai ba cái nhà/quán cà phê/công sở quay đi quay lại cho từng ấy nhân vật, câu chuyện suốt 30 tập. Từ đó nỗi khổ bối cảnh bắt đầu hành hạ họ.

Nhà sản xuất Đỗ Quang Minh kể: “Khi quay một phim truyền hình 42 tập, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của chủ đầu tư một khu chung cư cao cấp. Đổi lại, chúng tôi đưa tên và hình ảnh chung cư đó vào phim như một cách quảng cáo cho họ, tập nào cũng zoom cận cảnh thương hiệu và có vài lời ca ngợi cuộc sống ở đây. Khi còn khoảng 1/3 số tập thì họ không hỗ trợ nữa vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Thế là chúng tôi chạy bối cảnh đến điên đầu và còn phải nhờ biên kịch sửa chữa kịch bản cho hợp với bối cảnh mới”.

Đạo diễn Hùng Phương: “Số tiền 180 triệu đồng/tập khi xuống đến hiện trường đoàn phim chỉ còn khoảng 100 triệu. Nếu gặp nhà điều hành sản xuất/chủ nhiệm phim có tâm, biết tính toán thì còn đỡ khổ. Nếu gặp người tham lam thì xem như đạo diễn chỉ còn biết khóc cho phim mình mà thôi. Tôi không nghĩ rằng có nhiều tiền mới làm được phim hay, nhưng xoay xở với một số tiền quá ít, không đủ để làm những bối cảnh đàng hoàng tử tế, không có chi phí bảo hiểm cho diễn viên, không có chi phí cho thiết kế trang phục đúng như kịch bản thì phim sẽ khó lòng tránh khỏi những lỗi lộ liễu bị khán giả bắt giò, còn đạo diễn thì phải che mặt xấu hổ”.

Vậy mà có nhiều khi bối cảnh còn “giết chết” biên kịch. Một biên kịch kể lại sự việc “chết đứng” của mình: “Kịch bản của tôi có bối cảnh là một nhà hàng thức ăn nhanh thuần Việt, tôi yêu cầu phải có dây chuyền thực hiện chế biến thực phẩm và phục vụ, sắp xếp bàn ghế như kiểu của KFC hay Lotteria nhưng thương hiệu là VN. Đó là bối cảnh xuyên suốt phim vì phim nói về quá trình một kỹ sư thực phẩm học từ nước ngoài về muốn áp dụng phong cách và quy trình chế biến thực phẩm ăn nhanh của nước ngoài vào các món ăn Việt. Chẳng hiểu làm sao khi lên phim, tôi chết đứng như Từ Hải khi thấy bối cảnh của mình biến thành một quán ăn bình thường! Thế thì nhà làm phim có giết tôi không cơ chứ!”.

Những họa sĩ thiết kế cho phim chỉ biết kêu trời trước số tiền nhỏ giọt mà các nhà sản xuất chi cho việc thiết kế bối cảnh. Yêu cầu làm sao để tái sử dụng được các bối cảnh trong phim cũ cho phim mới cũng làm không ít họa sĩ phải đau đầu sáng tạo. Nhiều người đã phải vò đầu bứt tóc để làm sao ít tốn tiền nhất mà vẫn coi cho được, còn khán giả cứ thắc mắc chẳng hiểu sao cái cảnh này trông quen quen!

Khổ sở vì thiếu tiền

Số tiền chi phí sản xuất xuống đến tận tay chủ nhiệm thể nào cũng bị hao hụt vì nhiều lý do. Từ nhà đài đến nhà sản xuất, từ nhà sản xuất đến nhà gia công rồi từ nhà gia công đến tay chủ nhiệm phim là một quá trình “phức tạp” và “nhạy cảm”. Chẳng ai trong giới sản xuất phim dám khẳng định số tiền thực tế đến tay mình đúng bằng với số tiền từ nhà đài đưa ra cả. Dĩ nhiên, không thể nói là vì tiền ít mà không làm phim hay được, nhưng giá như có nhiều tiền thì chắc chắn sẽ bớt đi những lỗi khó chấp nhận.

Không chỉ có họa sĩ thiết kế kêu trời, những người lo đạo cụ của đoàn phim cũng không ít lần thẫn thờ. Khổ sở nhất là chuẩn bị cảnh tiệc tùng. Nghệ sĩ Quyền Linh có lần kể là anh ói luôn khi đóng cảnh ăn một cái đùi gà ngon lành mà cái đùi gà đó để từ hôm trước đến hôm sau do quay trong rừng, cái đùi gà đạo cụ ấy bị hư và hôi từ hồi nào. Thức ăn đạo cụ hôi rình như thế thì đòi diễn viên làm sao mà diễn cho ra cái cảnh ăn ngon lành...? Những họa sĩ chuyên về phục trang thì càng sống trong sợ hãi hơn vì rất hiếm hoi đoàn phim thuê hoặc nhờ được thiết kế và có trang phục riêng cho phim, mà hầu như toàn là dùng “của nhà trồng được” - diễn viên tự lo. Không phải diễn viên nào cũng nghe lời họa sĩ thiết kế phục trang hoặc có ý thức về vai diễn của mình, thế là quần áo cứ thế mà “cãi nhau” với xuất thân và nghề nghiệp nhân vật.

Những cảnh hành động cũng là sự khốn khổ cho các đạo diễn lẫn diễn viên. Những thiết bị bảo hộ sơ sài làm không ít người đóng thế sợ hãi vô cùng. Tuấn - một người chuyên đóng thế trong những cảnh nhảy sông, nhảy cầu - kể: “Không phải đoàn nào cũng chịu chi tiền để thuê thiết bị bảo hộ an toàn tốt đâu. Nhiều lúc nhảy mà sợ lắm”.

Các đạo diễn thì sợ hãi nhất là những cảnh cần đông diễn viên quần chúng mà chủ nhiệm không chịu chi tiền: “Lớp học loe hoe chục em, chào cờ thì nhiều nhất là vài chục em còn những cảnh trên bãi biển đông người thì chịu thua...”.

“Than nghèo kể khổ” vì kinh phí thì có 1.001 chuyện để nói. Dĩ nhiên, không thể đổ lỗi cho không có tiền thì không có phim hay. Nhưng rõ ràng hiện nay có thực mới vực được phim truyền hình là vấn đề cần được đặt ra nghiêm túc với nhà đài và các nhà sản xuất.

Khi bộ phim đề tài lịch sử Anh hùng Nguyễn Trung Trực lên sóng trên kênh HTV9, đạo diễn kiêm giám đốc Hãng phim Mê Kông Phan Hoàng như ngồi trên lửa, đến giờ phim phát sóng thì nhấp nhổm... đếm có bao nhiêu quảng cáo “nhảy” vào. Cuối cùng ông cũng thở phào bởi số quảng cáo đã đạt đúng theo cam kết với nhà đài nên số tiền nhà đài trả cho từng tập phim cũng đúng như quy định ban đầu cho phim lịch sử. Tuy nhiên, với số tiền 380 triệu đồng/tập cho đề tài lịch sử như Anh hùng Nguyễn Trung Trực là không thể đủ. “Xét về mặt kinh tế, chúng tôi bị lỗ vì tiền bỏ ra thêm không thu hồi về được”. Đối phó với khủng hoảng thu hồi vốn đang là vấn đề đau đầu với các nhà sản xuất hiện nay.

Quy chế sản xuất phim truyền hình hiện nay cũng làm nhiều người thắc thỏm dù được xem là khá chặt chẽ. “Nghe có vẻ chặt chẽ nhưng xét cho cùng, nhà sản xuất chúng tôi trăm đường đều chịu thiệt” - một nhà sản xuất phim lâu năm không muốn nêu tên cho biết. Ông phân tích: “Từ kịch bản đến phim sản phẩm là một quá trình xa... thăm thẳm. Một kịch bản hay chưa chắc phim hay nếu nhà sản xuất và đạo diễn không có tâm và tầm nhìn. Một điều nghịch lý là chúng tôi bị kiểm soát chặt chẽ từ khâu kịch bản, sản xuất cho đến ra thành phẩm. Phim đã nghiệm thu thì hẳn đã đạt chất lượng, nhưng chúng tôi không thể biết mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền bởi còn phụ thuộc bộ phim ấy có nhiều quảng cáo vào không nữa. Hơn nữa, liệu một bộ phim hay, mang tính chính luận xã hội có hợp với thị hiếu đông đảo người xem để hút quảng cáo? Và liệu sự giảm sút số lượng quảng cáo có phải do phim chúng tôi dở hay do chất lượng chung của kênh đó đi xuống?“. Một câu hỏi cần có câu trả lời.

Mặt khác dù quảng cáo ồ ạt nhảy vào trong từng tập phim thì theo cơ chế hiện nay, nhà sản xuất cũng không hưởng thêm quyền lợi gì nhiều ngoài việc chỉ tăng thêm ít tiền thưởng (nhưng rất khó). Từng có một bộ phim làm mưa làm gió trên truyền hình trong một thời gian dài, thời lượng quảng cáo gần tương đương giờ phát sóng phim, thế nhưng hãng phim sản xuất chỉ được thưởng... 600.000 đồng!

______________

Kỳ tới: Bộ mặt phim ảnh giống như giao thông

HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên