25/12/2020 09:28 GMT+7

Diện mạo nào cho 'siêu' phố đi bộ ở TP.HCM?

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
ĐỨC PHÚ - THU DUNG

TTO - Sáng 24-12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội với đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM. Đề án dự kiến được triển khai ngay từ năm 2021.

Diện mạo nào cho siêu phố đi bộ ở TP.HCM? - Ảnh 1.

Đường Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM là phương án mở phố đi bộ thêm ở trung tâm thành phố - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Diện mạo những con đường đi bộ trong tương lai sẽ ra sao? Tổ chức hoạt động các tuyến phố đi bộ như thế nào cho có hiệu quả? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc, chuyên gia về vấn đề này.

TS HÀ Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):

Cần gắn với đô thị ngầm

Tôi ủng hộ đề án phát triển phố đi bộ để xây dựng đô thị văn minh hiện đại. Trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng vừa được thông qua cũng có nội dung phát triển phố đi bộ, kết hợp hạn chế xe cá nhân ở khu vực trung tâm TP. Nhưng để làm cơ sở thực hiện các tuyến đi bộ mới, tôi đề nghị đơn vị nghiên cứu đánh giá mặt được, chưa được của hai tuyến phố đi bộ mà TP đang triển khai ở đường Nguyễn Huệ và Bùi Viện.

Hiện nay, tuyến metro số 1 sắp đưa vào khai thác. TP đang tổ chức ý tưởng thiết kế không gian ngầm ở dưới các nhà ga tại khu vực trung tâm. Nhìn chung, các tuyến đường đi bộ đang được đề xuất có quan hệ mật thiết với các không gian ngầm này. Tức là dưới các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi... tương lai cũng sẽ có các đường đi liên thông với các trung tâm thương mại ngầm. Do đó, cần làm rõ tính liên kết giữa không gian ngầm và trên mặt đất cho đồng bộ. Liệu người dân đi bộ dưới trung tâm thương mại ngầm rồi ở phía trên có nhiều người đi không?

Kiến trúc sư Khương Văn Mười: 

Cần thêm phố đi bộ dọc bờ sông

Trong đề án tư vấn cần phải cập nhật các cửa lên xuống của các tuyến metro gắn kết phố đi bộ kết nối không gian ngầm trong tương lai. Đồng thời cần mở rộng nghiên cứu phố đi bộ dọc bờ sông, tận dụng cảnh quan hiện hữu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu:

Cần có cách làm tốt hơn hiện tại

Thực trạng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện đang có những bất cập, cần chấn chỉnh và có cách làm tốt hơn. Các tuyến mới cần phải trồng cây xanh che mát, xây trạm trú mưa, tăng nhà vệ sinh công cộng. Đặc biệt, chúng ta phải giải quyết được tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách gây mất mỹ quan đô thị ở phố đi bộ.

Bãi giữ xe: dời hay dẹp?

Ông Hồ Xuân Lâm - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP - đề xuất TP cần sớm xây dựng các bãi xe lớn ở các vành đai ngoài quận 1. Người dân vào quận 1 sẽ phải gửi xe từ bên ngoài khu trung tâm để lên các phương tiện công cộng như xe buýt, metro, xe đạp vào trung tâm TP.

"Nếu chúng ta làm sớm vấn đề này, đến năm 2025 bộ mặt đô thị TP sẽ thay đổi, thu hút khách du lịch", ông Lâm nói. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu tăng cường phương tiện công cộng hơn là việc lập các bãi giữ xe vì thực tế vừa qua nhiều bãi xe trung tâm không thực hiện được. Hơn nữa, đây cũng không phải là cách khuyến khích người dân tăng cường đi phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân từ đầu.

Các tuyến phố đi bộ mới ra sao?

Theo ý kiến của PGS.TS Vũ Anh Tuấn - chủ nhiệm đề án phố đi bộ thuộc Công ty TNHH Tư vấn GTVT và đô thị - TUC, với thực tế dân số, tình trạng giao thông TP hiện nay rất cần có thêm phố đi bộ ở khu trung tâm. "Nhu cầu đi bộ sẽ tăng cao trong tương lai, TP quy hoạch tám tuyến metro, trong đó có bốn tuyến đi vào trung tâm. Ước tính có hơn 1 triệu hành khách chủ yếu đi bộ để tiếp cận nhà ga", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đề án đưa ra ba phương án tổ chức phố đi bộ, trong đó phương án 2 - phố đi bộ bố trí ở năm tuyến đường là Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Có thể tổ chức đi bộ toàn thời gian hoặc vào ngày cuối tuần tùy thực tế từng tuyến. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 74 tỉ đồng với ba giai đoạn thực hiện.

Giai đoạn 1 (đến năm 2022) mở rộng đi về vòng xoay hồ Con Rùa, đường Phạm Ngọc Thạch.

Giai đoạn 2 (2023 - 2024) mở rộng về tuyến Hàm Nghi và Đồng Khởi, Lê Lợi.

Giai đoạn 3 sẽ thực hiện đến năm 2025 mở rộng ra đường Thi Sách, Mạc Thị Bưởi. Việc tổ chức theo giai đoạn sẽ hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến giao thông.

Phố đi bộ mới khi kết nối với hai phố đi bộ hiện hữu sẽ hình thành một mạng lưới đi bộ ngay trong trung tâm TP.HCM với bảy tiểu khu phù hợp đặc trưng từng tuyến đường như mua sắm, lịch sử văn hóa, ẩm thực... Các khu chức năng gồm: khu văn hóa thanh niên (Công Trường Quốc Tế và Phạm Ngọc Thạch từ hồ Con Rùa tới đường Lê Duẩn); khu lịch sử - văn hóa (cụm công trình Công Xã Paris gồm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Đường sách, tòa nhà Metropolitan); khu thương mại - mua sắm (trục đường Đồng Khởi từ Công Xã Paris đến Tôn Đức Thắng, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp)...

Lo ngại thiếu bãi đậu xe cho Lo ngại thiếu bãi đậu xe cho 'siêu' phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM

TTO - Sáng 24-12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án 'Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP', nhiều chuyên gia, lãnh đạo quận huyện góp ý cho kế hoạch bố trí 'siêu' phố đi bộ này.

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên