10/07/2013 08:04 GMT+7

Điện kế điện tử chạy nhanh vì... quá nhạy

QUANG KHẢI - L.VI thực hiện
QUANG KHẢI - L.VI thực hiện

TT - Ông Nguyễn Phước Đức, trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Nam (SPC), cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc nhiều khách hàng cho rằng điện kế điện tử (ĐKĐT) không chính xác, khiến họ phải chi trả nhiều tiền hơn so với khi sử dụng điện kế cơ.

Thay điện kế, tiền điện nhà phó bí thư tỉnh ủy tăng 1,7 lầnTiền điện tăng bất thường

lPxpUiXw.jpgPhóng to
Kiểm tra thiết bị điện kế điện tử Vinasino trước khi xuất xưởng - Ảnh: Sơn Lâm

Theo ông Đức, chương trình thay điện kế cơ bằng ĐKĐT là chương trình thí điểm của SPC được triển khai từ tháng 7-2011. Đến nay gắn được gần 200.000 ĐKĐT tại khu vực thành thị thuộc 21 công ty điện lực. Trước khi triển khai thí điểm, chương trình này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sở công thương, UBND các tỉnh thành thông qua. Hiện SPC đang đánh giá hiệu quả chương trình thí điểm trước khi triển khai đại trà. Dự kiến đến năm 2015 sẽ gắn khoảng 500.000 ĐKĐT trong tổng số khoảng 6 triệu khách hàng do SPC đang quản lý.

* Từ khi thay điện kế cơ qua ĐKĐT, rất nhiều khách hàng phản ảnh tiền điện tăng cao, có trường hợp tăng gấp đôi so với trước đó. Vì sao, thưa ông?

- Đúng là thời gian đầu khi triển khai gắn ĐKĐT ở Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu có khách hàng phản ảnh điện kế chạy nhanh. Sau đó người dân ở Bình Dương, Sóc Trăng, Bến Tre... và mới đây là Trà Vinh, Cà Mau cũng phản ảnh tương tự. Việc khách hàng phản ảnh có nhiều lý do: thứ nhất do cấp độ chính xác của ĐKĐT là cấp 1 (cho phép sai số +/-1), khác với điện kế cơ sai số cấp 2 (+/-2). ĐKĐT rất nhạy, chỉ cần tắt tivi nhưng không rút dây cắm điện thì lượng điện cung cấp cho một bóng đèn Led nhỏ của tivi cũng được đo đếm. Ngoài ra, có nhiều trường hợp được thay thế ĐKĐT trùng vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng nên khách hàng cảm giác điện kế chạy nhanh hơn.

* 200.000 ĐKĐT đã lắp đặt cho khách hàng có được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng?

- ĐKĐT do Công ty cổ phần thiết bị điện Vinasino sản suất đều đảm bảo các quy trình kỹ thuật theo quy định. Cụ thể, ba mẫu ĐKĐT do công ty này sản xuất là VSE11-5, VSE11-10 và VSE11-20 được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phê duyệt mẫu. Tại nhà máy sản xuất, từng ĐKĐT được kiểm định chất lượng, trước khi lắp đặt tại nhà khách hàng thì tất cả ĐKĐT phải được các công ty điện lực địa phương kiểm định lại, đạt chất lượng mới lắp đặt.

Đối với các trường hợp phản ảnh ĐKĐT chạy nhanh, chúng tôi yêu cầu các công ty điện lực trực thuộc thực hiện theo đúng quy trình giải quyết là kiểm định lại. Nếu khách hàng không đồng ý với kết quả kiểm định, phải đưa ĐKĐT đến đơn vị thứ ba để kiểm định độc lập. Nếu ĐKĐT chạy sai, các công ty điện lực phải chịu toàn bộ phí kiểm định và bồi hoàn số tiền chênh lệch cho khách hàng. Trong khoảng 600 trường hợp khách hàng phản ảnh ĐKĐT chạy nhanh, chỉ có một vài trường hợp ở Bến Tre do ĐKĐT chạy sai, đa số trường hợp còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép.

dEMxkBq8.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Phước Đức - Ảnh: Q.Khải

* SPC vừa là cổ đông lớn nhất sáng lập Công ty cổ phần thiết bị điện Vinasino, trong khi việc kiểm định chất lượng ĐKĐT được giao cho các công ty điện lực trực thuộc SPC, như vậy chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

- Dù SPC có cổ phần lớn trong Vinasino nhưng SPC và Vinasino vẫn là hai đơn vị độc lập, quá trình mua bán, sản xuất ĐKĐT đều tuân thủ các quy định hiện hành. Việc mua ĐKĐT phải thông qua đấu thầu. Việc kiểm định ĐKĐT của các công ty điện lực địa phương thực hiện theo ủy quyền của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Thật ra, SPC không muốn “ôm” việc kiểm định chất lượng ĐKĐT, như vậy không tránh khỏi bị mang tiếng không khách quan, nhưng hiện nay chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của các địa phương không có thiết bị kiểm định ĐKĐT. Nếu các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở các địa phương đảm đương được công tác kiểm định thì chúng tôi sẵn sàng bàn giao, hiện chỉ có Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Dương làm được việc này.

* Cổ đông sáng lập Công ty cổ phần thiết bị điện Vinasino còn có Công ty TNHH Đầu tư điện lực Chiết Giang (Trung Quốc). Đây có phải là đơn vị cung cấp linh kiện, vật tư cho Vinasino lắp ráp ĐKĐT?

- Theo tôi biết, một công ty khác ở Trung Quốc đã chuyển giao công nghệ sản xuất linh kiện, vật tư lắp ráp ĐKĐT cho Công ty TNHH Đầu tư điện lực Chiết Giang. Tuy nhiên, không phải tất cả linh kiện, vật tư lắp ráp ĐKĐT hiện nay đều nhập từ Trung Quốc. Vinasino chỉ nhập con chip (bộ phận quan trọng của ĐKĐT) và một số linh kiện khác trong nước không sản xuất được.

Không rõ năm sản xuất của điện kế điện tử

Nhiều hộ dân ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) phản ảnh từ khi lắp ĐKĐT, số điện tiêu thụ tăng bất thường 15-40%.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Minh (ngụ 22/32 Bùi Văn Bình, KP8, P.Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một) được thay điện kế mới từ tháng 3-2012. Trước đó, số điện của gia đình ông Minh sử dụng chưa tới 400 kWh/tháng, khi thay điện kế mới thì số điện tăng lên trên 500 kWh/tháng. Ông Minh rất băn khoăn về việc trong giấy chứng nhận kiểm định do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Dương cấp cho điện kế lắp tại nhà ông có chứng nhận thiết bị này “đạt yêu cầu” nhưng lại ghi “không rõ” năm sản xuất. Theo giấy chứng nhận kiểm định này, điện kế được lắp cho nhà ông Minh do Công ty CP thiết bị điện Vinasino sản xuất.

Ông Võ Minh Đức, giám đốc Điện lực Thủ Dầu Một thuộc Công ty Điện lực Bình Dương, lý giải ĐKĐT đo “nhạy” hơn thiết bị cũ. Về giấy chứng nhận kiểm định điện kế của nhà ông Nguyễn Văn Minh ghi không rõ năm sản xuất, Điện lực Thủ Dầu Một cho biết đơn vị này đã chuyển điện kế sang kiểm định tại trung tâm kiểm định thuộc Sở Khoa học - công nghệ. Điện lực Thủ Dầu Một sẽ cho kiểm tra lại năm sản xuất cũng như kiểm định điện kế của khách hàng Nguyễn Văn Minh theo phản ảnh.

Tăng một cách phi lý

* Ông Huỳnh Noãn Kỳ (ngụ 314/7 Trần Văn Bảy, P.3, TP Sóc Trăng, Sóc Trăng):

Do công việc, nhà tôi chỉ sử dụng điện vào buổi tối. Lúc còn gắn điện kế cơ, tháng nào tôi sử dụng điện nhiều nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng. Nhưng từ khi Điện lực Sóc Trăng thay bằng ĐKĐT, tiền điện tôi phải trả hằng tháng tăng chóng mặt. Trong ba tháng từ tháng 3-5, tiền điện tăng thêm trên 200.000 đồng.

Tôi khiếu nại, đề nghị Điện lực Sóc Trăng gắn điện kế song song. Hôm Công ty Điện lực Sóc Trăng mời đơn vị độc lập đến kiểm định ĐKĐT, tôi cũng có mặt, nhưng thú thật có mặt để cho vui. Tôi và những khách hàng khiếu nại có hiểu biết, chuyên môn gì đâu mà bắt chúng tôi kiểm tra dòng điện. Tôi không đồng tình với kết quả kiểm định và sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi tỉnh.

* Bà Dương Thị Loan (ngụ 7/72 Hùng Vương, P.6, TP Sóc Trăng, Sóc Trăng):

Nhà tôi có bốn nhân khẩu. Mỗi ngày con cháu tôi đều đi làm, chỉ mình tôi ở nhà. Nhiều năm nay, điện kế cơ sử dụng rất ổn định, không hề có sự cố hay trục trặc nào. Mỗi tháng gia đình tôi sử dụng khoảng 160 kWh điện, thành tiền khoảng 250.000 đồng. Tháng 2-2013, bên điện lực thay đổi điện kế cơ bằng ĐKĐT. Hôm nhân viên ngành điện đến nhà thay, họ nói sử dụng điện kế mới có nhiều tiện ích, tiết kiệm điện, tôi rất mừng. Nhưng thực tế không như vậy. Khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 3, tôi không tin vào mắt mình, tiền điện đã nhảy lên 463.000 đồng, tương đương 253 kWh. Tôi chưa kịp khiếu nại thì hóa đơn tiền điện tháng 4 tiếp tục lên 715.000 đồng, tính ra gần 360 kWh.

QUANG KHẢI - L.VI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên