02/12/2021 10:37 GMT+7

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Tôi dùng túi vải thay túi nhựa

NHAN PHÚC NGUYỄN  (quận 3, TP.HCM)
NHAN PHÚC NGUYỄN (quận 3, TP.HCM)

TTO - Nhà tôi sống trong một khu chợ nhỏ tại quận 3, TP.HCM. Mỗi khi hết phiên chợ sáng hoặc chiều, bản thân tôi đều cảm thấy rất mỏi mệt vì lượng rác thải sinh hoạt, vô số túi nilông, hộp nhựa thực phẩm... bị vất vương vãi khắp các lối đi.

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Tôi dùng túi vải thay túi nhựa - Ảnh 1.

Bọc nhựa được tiểu thương sử dụng tại một chợ ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi cho rằng thói quen bán hàng cho kèm túi nilông, hộp nhựa... của đa số tiểu thương tại Việt Nam khiến môi trường ở nước ta bị ảnh hưởng trầm trọng. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ cặn kẽ hơn và tìm ra giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng trên.

Các loại rác thải nhựa vốn có thời gian phân hủy rất lâu, thậm chí kéo dài cả trăm năm. Khi phân hủy, chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ. Nếu xử lý không theo đúng tiêu chuẩn an toàn của thế giới, các mảnh nhựa này sẽ dễ dàng đi vào nguồn nước, đất, không khí... gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hệ miễn dịch của con người. 

Ngoài ra, theo các nghiên cứu khoa học, nếu xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt cháy cũng gây ra vô số tác hại cho sức khỏe của cộng đồng, dễ dẫn đến triệu chứng khó thở, rối loạn tiêu hóa, làm tăng khả năng gây ung thư.

Dù gây tác hại cho môi trường nhưng túi nilông, hộp nhựa và các sản phẩm từ nhựa vẫn được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở các khu chợ bình dân. Nguyên nhân chủ yếu do giá thành rẻ, tiện lợi và dễ sử dụng. Nhiều cô chú tiểu thương bán hàng trong chợ thường lấy mối các loại túi đựng nilông với đủ kích cỡ để dành cho việc mua bán. 

Bạn chỉ cần đi tay không ra chợ hoặc cửa hàng bách hóa, người bán hàng tại đây sẽ tự động cho kèm các loại túi nilông để bảo quản các sản phẩm vừa được mua.

Những năm qua, TP.HCM đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chỉ thị 19 của Thành ủy, đặc biệt chú trọng vấn đề rác thải nhựa. Hiệu quả thấy rõ là nhiều quán cà phê đã sử dụng ống hút gạo, ống hút giấy để thay cho nhựa. Một số siêu thị, cửa hàng đã nói không với bọc nhựa, thay bằng lá chuối gói rau hoặc sử dụng các vật dụng thân thiện môi trường như túi tự hủy sinh học... 

Tuy nhiên, theo tôi, cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cần liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí phải có hình thức chế tài nặng để người dân có ý thức hơn, tuyệt đối tránh sử dụng và xả rác bừa bãi các vật dụng từ nhựa.

Bản thân tôi đã từng có thời gian sống ở Đài Loan và nhận thấy nhiều chính sách rất hiệu quả của vùng lãnh thổ này trong việc hạn chế sử dụng túi nilông và rác thải từ nhựa ra môi trường xung quanh. 

Không chỉ nhận thấy tác hại với môi trường, chính quyền Đài Loan còn nhận ra sự lãng phí về kinh tế của loại túi nilông chủ yếu chỉ được sử dụng một lần, ít có khả năng tái chế, nên đã ban hành lệnh cấm sản xuất hoặc đánh thuế nặng với mặt hàng này. Chính điều này tác động đến thói quen sử dụng và mua sắm của người dân.

Rất nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm và cả những khu chợ dân sinh đều yêu cầu người mua hàng phải trả thêm tiền để mua túi đựng hàng hóa. Họ cũng rất khuyến khích, thậm chí có những chương trình giảm giá, khi chúng ta sử dụng túi đựng thân thiện với môi trường. 

Cá nhân tôi khi còn du học tại xứ Đài, mỗi khi đến siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, đều thủ sẵn một chiếc túi vải để đựng đồ nhằm tiết kiệm tiền mua túi đựng hàng hóa, đồng thời thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

Quay trở về Việt Nam, thói quen này của tôi vẫn được duy trì. Mỗi khi có việc phải đi mua sắm hoặc ra ngoài ăn uống với gia đình, bạn bè, tôi đều mang theo một vài chiếc túi vải nhỏ, hộp đựng muỗng, đũa và ống hút inox... nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng hộp nhựa, túi nilông.

Tôi cho rằng việc này không hề khó, chủ yếu xuất phát từ mong muốn cải thiện môi trường sống của bản thân. Xin thông qua bài viết này để lan tỏa tinh thần cùng nhau hạn chế các loại rác thải từ nilông và hộp nhựa, nhằm bảo vệ sức khỏe và cảnh quan đô thị với tất cả mọi người. Ngừng sử dụng túi nilông và các loại đồ nhựa chính là cách để chúng ta thể hiện tình yêu với môi trường sống.

Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: baoky@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Chính quyền cơ sở Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Chính quyền cơ sở 'mạnh', xả rác sẽ 'yếu'

TTO - Thực trạng xả rác bừa bãi không chỉ ở các thành phố lớn như TP.HCM, mà ngay cả các vùng nông thôn, đổ rác không đúng nơi quy định là một cái "tật" của một bộ phận người dân thiếu ý thức sống văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng.

NHAN PHÚC NGUYỄN (quận 3, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên