Thêm một vài góc nhìn dưới đây, diễn đàn xin tạm khép lại và trân trọng cảm ơn chia sẻ của bạn đọc.
Việc học quý vô ngần!
Hơn một tuần, hầu hết ý kiến chia sẻ đều khẳng định giá trị của sự học. Một sự thật có lẽ ai cũng dễ nhận ra rằng thành công của một người đều phải nhờ học hành tử tế. Cả khi đã thành công cũng phải tiếp tục học tập trong tinh thần luôn cập nhật, luôn rút kinh nghiệm. "Học, học nữa, học mãi" là châm ngôn của những người thành công, luôn muốn bản thân tốt hơn ngày hôm qua.
Người Việt trọng sự học nên không dễ bị tác động chỉ bởi một câu nói như đang cổ xúy cho việc không cần học của ai đó.
Đã có nhiều câu chuyện về các tấm gương hiếu học mà Tuổi Trẻ đã kể trong các bài viết của chương trình Tiếp sức đến trường. Những người trẻ dù vất vả đến thế nào vẫn không từ bỏ nỗ lực, không chọn dừng lại khiến chúng ta cảm phục và nhiều người đã "tiếp sức" cho các bạn.
Có thể một vài cá nhân nào đó có con đường thành công không gắn với trường lớp, học hành nhưng nếu chỉ nhìn thấy bấy nhiêu đó là phiến diện.
Người xưa dạy "dục tốc bất đạt". Nếu không nhẫn nại trên hành trình đi tới thành công, có khi chúng ta sẽ gặp nhiều "cơ hội" thất bại hơn. Sự học quý vô ngần. Chỉ cần nhìn vào truyền thống hiếu học của dân tộc, những tấm gương sáng quanh ta để nhen nhóm niềm đam mê học tập cho mình.
Cần thấy cơ sở hiện thực đam mê
Có lẽ việc bạn trẻ sẵn sàng bỏ học để chạy theo đam mê không quá xa lạ. Em gái tôi khá xinh, ba mẹ muốn em học hành, có sự nghiệp vững chắc nên yêu cầu theo nghề sư phạm. Ban đầu em cũng nghe lời gia đình song chỉ thời gian ngắn đã bỏ dở việc học đi diễn các vai nhỏ, làm người mẫu tự do.
Suốt mấy năm kể từ ngày bỏ sư phạm, loay hoay mãi em vẫn không chút cơ hội tỏa sáng, lận đận thiếu trước hụt sau, tiền kiếm được không đủ chi xài hằng tháng. Cuộc sống bấp bênh, nhiều lần em muốn tìm một công việc bình thường nhưng không có bằng cấp gì để tự tin ứng tuyển.
Có bao giờ bạn tự hỏi sẽ sống bằng thu nhập nào để lo cho bản thân chứ đừng nói lo cho người khác khi chưa thành công với đam mê? Liệu có đang đặt cược cuộc sống kinh tế của mình, thậm chí gia đình mình chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
Có đam mê, hoài bão là tốt nhưng cuộc sống cần nhiều hơn thế. Hãy cho thấy cơ sở thực hiện đam mê bằng năng lực thật sự chứ không viển vông, theo phong trào. Cần xác định mục tiêu nghề nghiệp, trang bị kỹ năng cần thiết để chinh phục con đường đã chọn.
Học không bao giờ thừa
Tôi trúng tuyển đại học ngành du lịch ưa thích và sư phạm. Ba tôi nói người ta làm cái nghề kiếm cơm hơn là nghề ưa thích. Đứng trước sự chọn lựa tương lai, hình ảnh người thân luôn phải ăn bữa trước chạy bữa sau, tôi quyết định học sư phạm để đỡ tốn chi phí và sớm có việc ổn định, cũng để ba mẹ yên tâm lo cho các em của mình.
Những ngày đầu đứng lớp, tôi có chút thất vọng vì không như mình nghĩ. Nhiều điều được học từ trường sư phạm có vẻ không phù hợp. Tôi nhận ra cái gì theo khuôn khổ, lối mòn phải được linh hoạt thay đổi, hướng tới những gì mới mẻ và cần thích nghi với xã hội hiện đại. Dạy không chỉ truyền thụ kiến thức mà cần thổi hồn vào bài giảng.
Tôi chọn học và cập nhật những khóa học mới, phương pháp mới để mình năng động, sáng tạo hơn, tạo động lực cho học sinh. Để vươn tới thành công, con người phải tích lũy kiến thức trong nhiều lĩnh vực cùng kỹ năng mềm. Nên học không bao giờ thừa. Làm bất cứ ngành nghề gì nếu bản thân không trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng sẽ tụt hậu, mãi giậm chân một chỗ.
LÊ TẤN THỜI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận