Phim Monster hunt (Truy lùng quái yêu) đang nắm giữ các vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng phim ăn khách nhất Ảnh: variety.com |
Kỳ 1: Thời hoàng kim của phòng vé
Cũng giống như Hollywood tăng trưởng rất mạnh mẽ trong những năm kinh tế Mỹ khủng hoảng, nền điện ảnh Trung Quốc đang chứng kiến thời hoàng kim của phòng vé với những kỷ lục được thiết lập dễ như trở bàn tay.
Một tuần lập hai kỷ lục... mọi thời đại
Trong dịp cuối tuần vừa qua (từ ngày 24 đến 26-7), phòng vé của điện ảnh Trung Quốc lập hai kỷ lục mới: bộ phim phiêu lưu hài giả tưởng kết hợp giữa hoạt hình và diễn viên đóng Monster hunt (đang chiếu ở Việt Nam với tên gọi Truy lùng quái yêu) trở thành bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại tại nước này với tổng doanh thu 221 triệu USD chỉ sau 11 ngày (theo boxofficemojo.com), phá vỡ kỷ lục của bộ phim Lost in Thailand lập được năm 2013 với doanh thu khoảng 203 triệu USD sau hơn một tháng.
Kỷ lục thứ hai thuộc về bộ phim hoạt hình 3D Monkey king: hero is back (Tây Du Ký: Đại Thánh trở về) với doanh thu 108 triệu USD sau 17 ngày chiếu, vượt qua bộ phim Kungfu Panda 2 của Hollywood để trở thành bộ phim hoạt hình ăn khách nhất mọi thời tại Trung Quốc.
Chưa hết, một bộ phim siêu anh hùng hài nhái châm biếm giới showbiz Trung Quốc Pancake man (Siêu nhân bánh rán) với vai diễn khách mời của ngôi sao hành động Hollywood Jean-Claude van Damme cũng thu về 140 triệu USD sau 10 ngày chiếu, tạm xếp thứ chín những bộ phim ăn khách nhất mọi thời tại Trung Quốc.
Ngoài ba vị trí cao nhất phòng vé này, hai bộ phim khác xếp thứ tư và thứ năm (Forever young và Tiny times 4) cũng đều của điện ảnh Trung Quốc. Đây có lẽ là lần đầu tiên có đến năm bộ phim Trung Quốc nắm giữ năm vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng phim ăn khách nhất, đẩy lùi các bộ phim Hollywood ra phía sau.
Phim Pancake man (Siêu nhân bánh rán) đang nắm giữ các vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng phim ăn khách nhất - Ảnh: variety.com |
Trong tuần, từ ngày 13 đến 19-7 phòng vé thiết lập một kỷ lục khác với số tiền bán vé đạt 282 triệu USD. Đây không chỉ là doanh thu trong tuần cao nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc, mà còn vượt qua cả doanh thu ở khu vực Bắc Mỹ từ đầu năm tới thời điểm này, dù Hollywood có nhiều phim bom tấn lần lượt ra mắt như Fast and Furious 7, Avengers 2 hay Jurassic World.
Mức doanh thu khổng lồ thu được từ phòng vé Trung Quốc có lẽ là liệu pháp tinh thần tích cực nhất đối với người dân nước này hiện nay, khi họ phải đối mặt với những cú sốc của thị trường chứng khoán và khủng hoảng kinh tế.
Ba bộ phim Truy lùng quái yêu, Đại Thánh trở về và Siêu nhân bánh rán không chỉ mang về những khoản doanh thu khổng lồ mà còn nhận được những phản hồi tích cực từ giới làm phim và đặc biệt là khán giả.
Hàng chục triệu bình luận của ba bộ phim tràn ngập khắp mạng xã hội lớn nhất nước này là Weibo, trong đó nhiều ý kiến cho rằng chất lượng nội dung và kỹ xảo của các bộ phim này không thua kém Hollywood là bao và thoát được mặc cảm chất lượng thấp kém của các bộ phim giải trí từ đầu năm tới giờ.
Phim Monkey king: hero is back (Tây Du Ký: Đại Thánh trở về) đang nắm giữ các vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng phim ăn khách nhất Ảnh: variety.com |
Bùng nổ rạp chiếu phim
Sự tăng trưởng doanh thu phòng vé vượt bậc của thị trường Trung Quốc khiến Hollywood vừa mừng rỡ vừa không khỏi dè chừng. Mừng vì đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của Hollywood, nhưng dè chừng là chỉ trong vòng vài năm nữa, thị trường Trung Quốc sẽ vượt khu vực Bắc Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới.
Theo Los Angeles Times, doanh thu sáu tháng đầu năm của thị trường này đạt 3,3 tỉ USD tiền bán vé, tăng gần 50% so với nửa đầu năm 2014. Chưa một thị trường nào trên thế giới đạt được mức tăng trưởng này, ngay cả Hollywood trong thời hoàng kim.
Tại sao doanh thu phòng vé Trung Quốc lại tăng trưởng mạnh mẽ đến vậy, đặc biệt là các bộ phim nội địa? Câu trả lời là do chính sách bảo vệ và nuôi dưỡng các nhà làm phim của chính phủ. Cho dù phim Hollywood vẫn rất được khán giả yêu thích (nhiều bộ phim của Hollywood như Transformer 4 hay Furious 7 có mức doanh thu tại thị trường Trung Quốc còn cao hơn cả thị trường Bắc Mỹ) nhưng số lượng phim Hollywood chiếu rạp vẫn bị kiểm soát gắt gao.
Từ đầu năm tới giờ, mới chỉ có 33 phim nước ngoài được trình chiếu tại Trung Quốc và rất nhiều bộ phim bom tấn vẫn phải xếp hàng đợi, để dành thị trường béo bở cho phim nội địa.
Một lý do khác là sự tăng trưởng đến chóng mặt số lượng rạp chiếu phim tại nước này. Trong vòng 10 năm, số rạp chiếu phim tăng từ khoảng 5.000 rạp (năm 2006) lên đến gần 15.000 rạp chiếu trong năm 2015. Hãng Artisan ước tính có thời điểm mỗi ngày ở Trung Quốc xuất hiện... tám rạp chiếu phim mới.
Và trong thời điểm khủng hoảng hiện nay, không có thú vui giải trí và vực dậy tinh thần của người dân Trung Quốc nào bằng các rạp chiếu bóng. Những kỷ lục được thiết lập nhanh chóng và vội vã.
Trong cơn sốt kiếm tiền và tranh nhau lập kỷ lục dễ dàng ở các rạp phim, nhiều tên tuổi lớn của điện ảnh Trung Quốc như Trần Khải Ca, Khương Văn, Trương Nghệ Mưu... đã đánh mất những giá trị nghệ thuật mà họ từng gầy dựng suốt thời gian khó bấy lâu nay để thỏa hiệp với những bộ phim giải trí tầm phào. Không ít nhà phê bình phương Tây gọi họ là những “đạo diễn bán linh hồn cho quỷ”.
Truy lùng quái yêu - niềm tự hào của điện ảnh Trung Quốc Truy lùng quái yêu là bộ phim đầu tiên của đạo diễn Raman Hui (Hứa Thành Nghị) làm cho điện ảnh Trung Quốc. Hứa Thành Nghị (52 tuổi) là tên tuổi khá thành danh ở Hollywood khi đồng đạo diễn bộ phim hoạt hình ăn khách Shrek the third (thu về gần 800 triệu USD khắp toàn cầu) và là họa sĩ thiết kế đồ họa, giám sát, thực hiện hiệu ứng đặc biệt cho nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng khác. Lý do khiến bộ phim này được khán giả yêu thích dù giới phê bình không đánh giá cao là nhờ kỹ xảo đồ họa cực kỳ đáng yêu (nhất là nhân vật yêu quái củ cải tí hon) và mạch truyện giản dị nhưng xúc động, đánh vào được cảm xúc tích cực của người xem. |
Kỳ 2: Sự ngã ngựa của các tên tuổi lớn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận