Điểm thi đầu tiên ở một huyện nghèo

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Hôm nay, lần đầu tiên học sinh lớp 12 của huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang được thi tốt nghiệp THPT ngay tại địa phương mình sau năm năm thành lập huyện.

DptJXKFC.jpgPhóng to
Các thí sinh Trường THPT Phú Thạnh, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Phú Thạnh - Ảnh: Thúy Hằng

Đây là huyện nghèo nhất vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long với hơn 40% hộ nghèo theo “xếp hạng” của Bộ Lao động - thương binh và xã hội mới đây. Chính vì thế 158 thí sinh của huyện bước vào phòng thi tốt nghiệp còn mang theo kỳ vọng của hơn 60.000 dân trên cù lao về một sự đổi đời từ cánh cửa tri thức.

Không còn cảnh thuê phòng trọ

"Ở xứ cù lao nghèo khó này, năm nào có thêm học sinh đậu đại học là nhà trường mừng như mở hội. Vì chính những em này sau khi ra trường huyện sẽ có thêm một cơ hội để giảm nghèo"

Thầy Nguyễn Văn Đương (hiệu trưởng Trường THPT Phú Thạnh)

"Tụi em chỉ nghĩ nhiều đến việc làm bài thi. Thi đậu tốt nghiệp tụi em sẽ tập trung thi đại học nữa. Nhịn đói xíu cũng không sao. Ở đây tụi em nhịn đói đi học hoài chứ gì lạ đâu"

Nguyễn Thị Diễm Trinh (HS Trường THPT Phú Thạnh)

6g sáng 1-6, chúng tôi lên phà qua đất liền cùng lúc với Võ Thị Ngọc Cẩm. Vừa bước lên phà, bạn lấy tập ra tranh thủ ôn bài. Phà cập bến, Cẩm dắt xe đạp lên bờ thì có vài người quen đến hỏi thăm, động viên như con cháu trong nhà. “Nó là niềm hi vọng của xã đảo Tân Thạnh tui đó. Có được mấy đứa học tới lớp 12 đâu” - một người đàn ông trạc 50 tuổi quay sang nói với chúng tôi.

Những ngày qua trời mưa liên tục khiến các con đường đất dẫn đến trường thi lầy lội khó đi. Gặp Nguyễn Thị Diễm Trinh ở cổng trường, hỏi chuyện ôn tập chuẩn bị thi đến đâu rồi, Trinh cười hớn hở: “Nghe thầy cô kể năm trước mấy anh chị phải qua bên huyện Gò Công Tây thuê phòng trọ để thi cực khổ lắm. Tụi em may mắn được thi tại trường nên không bị khớp so với thi chỗ khác. Em đã ôn bài cơ bản rồi. Hi vọng có thể làm bài tốt”.

Thầy Đặng Chế Pho (hiệu phó Trường THPT Phú Thạnh) cho biết những năm trước cứ chuẩn bị đến ngày thi là thầy cô, phụ huynh phải khăn gói đi tìm nhà trọ ở gần các hội đồng thi bên kia đất liền thuộc huyện Gò Công Tây trước vài ngày. Còn năm nay được thi ngay tại huyện nên thầy trò và cha mẹ các em ai cũng mừng. Nhà trường rất tin tưởng kết quả thi sẽ cao hơn năm trước.

Bên ngoài cổng trường, nhiều phụ huynh đứng, ngồi không yên. Bà Nguyễn Thị Hà (mẹ thí sinh Ngọc Cẩm) mặc bộ quần áo cũ dính đầy bùn đất cứ ngóng vào trong tìm con. Bà nói vừa mang quần áo, tập sách của con đến nhà ngoại gửi rồi tạt qua xem con thế nào. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà không giấu sự kỳ vọng vào đứa con đầu tiên trong gia đình học tới lớp 12 và đang đứng trước ngưỡng cửa đại học. Bà tâm sự: “Tui có bốn đứa con, nhà nghèo, điều kiện đi lại khó khăn nhưng cũng cố gắng hết sức để lo cho con ăn học. Vậy mà hai đứa lớn vẫn không học tới nơi tới chốn, phải đi làm thuê, làm mướn ở TP.HCM kiếm sống. Cẩm là đứa con thứ ba học khá nên mấy hôm nay tui không ngủ được. Cả nhà cứ cầu mong cho con thi đậu tốt nghiệp rồi sau đó thi đậu đại học luôn. Cả nhà sẽ cùng lo cho con học”.

Thầy Nguyễn Văn Đương - hiệu trưởng Trường THPT Phú Thạnh - cho biết phần lớn học sinh ở đây đều chịu khó học nên mấy năm trước tỉ lệ đậu tốt nghiệp vẫn đạt 100%. Riêng số học sinh đậu vào đại học tuy không nhiều nhưng cứ mỗi năm tỉ lệ này tăng dần. Năm học 2011-2012, số học sinh đậu ĐH của huyện tăng 400 bậc theo xếp hạng của Bộ GD-ĐT.

Mơ ước thoát nghèo

WcbuuTOx.jpgPhóng to
Em Võ Thị Ngọc Cẩm, học sinh lớp 12A1, trên đường qua phà để đến điểm thi Trường THPT Phú Thạnh - Ảnh: Thúy Hằng

Mưa suốt cả tuần trút xuống cù lao Tân Phú Đông vậy mà vùng đất này vẫn khô cằn. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn là nỗi ám ảnh của người dân. Các con kênh nước đỏ quạch vì nhiễm phèn. Các cánh đồng thu hoạch mấy tháng rồi vẫn chưa thể gieo sạ vì nứt nẻ.

Phải mất một tuần chúng tôi mới đi hết dải đất cù lao này. Đi đâu cũng nhìn thấy cảnh xác xơ, cảnh nghèo hơn cả những nhà nghèo mà chúng tôi thấy ở đất liền. Vùng đất gì mà lúa chỉ trồng được một vụ mùa mưa, mấy tháng còn lại phơi nắng. Ngày xưa dừa phủ kín cù lao, giờ chỉ còn vài nơi có dừa, đa số đã chết trụi. Phần lớn người trẻ phải bỏ xứ đi làm ăn xa, trên cù lao chỉ còn lại người già và trẻ con sống lay lắt. Đi đâu, hỏi nhà nào cũng nghe kể chuyện vay tiền rồi không trả nổi, con cái đi làm xa có khi hai ba năm mới có tiền về thăm gia đình.

Có gia tài là 0,5ha đất sản xuất nhưng vợ chồng chị Võ Thanh Phương (xã Phú Thạnh) vẫn không làm ra đủ gạo nuôi sống gia đình nên địa phương phải cấp sổ hộ nghèo. Chị Phương kể: “Làm lúa mãi không dư được đồng nào, hai vợ chồng làm liều hùn hạp với người hàng xóm nuôi tôm. Kỹ thuật không có, cộng thêm thời tiết thất thường nên liên tục nhiều năm bị thất trắng. Vốn liếng chẳng có nay còn ôm thêm đống nợ 80 triệu đồng không biết khi nào trả nổi. Giờ hai vợ chồng chị phải đi làm thuê nhưng thu nhập cũng không đủ nuôi ba con đi học”.

Ông Nguyễn Hữu Giới, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú Đông, cho biết nước ngọt là yếu tố quyết định để sinh hoạt, sản xuất. Thế nhưng nhiều năm nay huyện cứ quanh quẩn, bế tắc với bài toán thoát nghèo vì... thiếu nước ngọt. Khi nào giải quyết được bài toán này mới nói đến chuyện giảm nghèo ở địa phương này được. Sáu tháng mùa khô vùng này khát nước như ở giữa biển. Cũng có một số nhà máy xử lý nước mặn nhưng nước đỏ quạch, ngày chảy vài ba tiếng rồi tắt ngủm. Nước sinh hoạt được đổi với giá hàng chục ngàn đồng/m³. Thậm chí nhiều người phải xách thùng nhựa đi mấy cây số mới đổi được nước ngọt.

Trò chuyện với ông Đoàn Văn Thơ, chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, về giải pháp thoát nghèo, ông cũng khẳng định: “Phụ thuộc vào nước ngọt cả. Không giải được bài toán này thì khó thoát nghèo lắm!”. Ông Thơ nói thêm thiên nhiên đã tạo nên vùng đất Tân Phú Đông khô cằn, sỏi đá và phèn mặn. Bốn bề là sông nước nhưng phần lớn thời gian trong năm là nước mặn. Còn đất thì nhiễm phèn nặng chưa thể trồng lúa năng suất cao được. Và điều làm cho lãnh đạo huyện lo nhất là trình độ dân trí rất thấp. Không có kiến thức, người dân trồng cây hay nuôi thủy sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và... ông trời.

Do đó theo ông Thơ, ngoài chuyện giải bài toán nước ngọt, huyện xác định việc nâng cao trình độ dân trí là ưu tiên phải lo. Thế hệ trẻ của huyện được học hành đàng hoàng, có nghề nghiệp ổn định và trở về địa phương làm việc thì chuyện nghèo sẽ giảm bớt. Chính vì thế những ngày này cả huyện đang tập trung lo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp an toàn và đạt kết quả cao. “158 em này mà vào đại học, cao đẳng hết thì vài năm nữa huyện cũng có nguồn nhân lực khá. Rồi các năm sau, năm sau nữa... huyện sẽ từng bước thoát nghèo nhanh thôi” - ông Thơ nói.

Nỗ lực từ ngôi trường từng tốt nghiệp 0%

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) là ngôi trường duy nhất cả nước không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp với con số buồn 0%. Kể từ “thảm bại” ấy, thầy trò ngôi trường 0% này đã nỗ lực hết mình trong dạy và học để vượt qua câu chuyện buồn đó.

Những ngày này, khi ngày thi tốt nghiệp THPT cận kề, học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đang dồn sức ôn tập cả ngày lẫn đêm với quyết tâm vượt vũ môn. Từ lớp học đến khu nhà bán trú, ngày lẫn đêm đều sáng đèn, thầy trò quây quần, cặm cụi bên nhau để ôn thi, sinh hoạt. Giáo viên nhà trường đã tập hợp học sinh lớp 12 ở các khu nội trú để hệ thống lại kiến thức cho các sĩ tử lần cuối vào giờ G. Thầy Bùi Thế Giới - hiệu trưởng nhà trường - cho biết ngay từ đầu năm nhà trường đã lên lịch ôn tập cho từng nhóm học sinh theo kết quả học tập. Những em học sinh có học lực trung bình và yếu sẽ được tổ chức ôn luyện riêng nhằm củng cố kiến thức cơ bản cho các em. Học sinh ăn ở tập trung tại trường nên rất thuận tiện cho việc quản lý các em cả giờ học không chính khóa. Ban giám hiệu trực tiếp phân công giáo viên trực tối, đôn đốc học sinh ôn tập.

“Ban đêm, thầy cô giáo cho các em tập trung học nhóm. Kiến thức nào không biết thì chúng em có thể hỏi thầy cô để nghe giảng lại. Giờ chúng em có thể tự tin bước vào kỳ thi” - em Lê Thị Hồng Nhung nói. Thầy Phạm Văn Nam - phó hiệu trưởng nhà trường - cũng có mặt tại trường cùng với học sinh những ngày này. Thầy nói ngoài việc huy động giáo viên hỗ trợ học sinh ôn tập mọi lúc mọi nơi, trường đã tổ chức hai lần thi tốt nghiệp thử cho các em. Học sinh Đinh Thị Kiều tự tin: “Nhà trường rất quan tâm đến việc ôn tập của chúng em. Qua các đợt thi thử, em và các bạn có điều kiện kiểm tra lại kiến thức mình đã ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp đến”.

Thầy Nam nói thêm trước ngày thi này, ban giám hiệu nhà trường mở cửa khu bán trú để thí sinh đến ở cùng ôn thi với nhau. Đồng thời, cả chính quyền, xã hội cũng xắn tay áo vào cùng nhà trường đồng hành hỗ trợ các em. Hội phụ huynh nhà trường đã tổ chức nấu ăn ngay tại trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em, dành thời gian cho học sinh ôn tập nhiều hơn. UBND huyện Sơn Tây trích kinh phí 15 triệu đồng hỗ trợ tiền ăn, mua tài liệu ôn tập và tổ chức thi thử, ôn thi cho học sinh.

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên