Dự kiến 8-8 công bố các mức xét tuyển cơ bảnGiao lưu trực tuyến: Cơ hội xét tuyển cho thí sinh trượt NV1 Bỏ điểm sàn, điểm chuẩn sẽ ra sao?
Phóng to |
Phụ huynh và thí sinh xem kết quả điểm thi tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng |
Phổ điểm (mức điểm nhiều thí sinh dự thi đạt được nhất) năm nay đẹp sẽ ảnh hưởng thế nào đến điểm sàn?
Lần đầu tiên sau nhiều năm thi ba chung, đỉnh phổ điểm thi tuyển sinh 2014 đã vượt qua mốc 10 điểm ở tất cả khối thi (đạt từ 11-15 điểm, tùy từng khối thi).
Kết quả thi tốt
Ngành khó tuyển phải chấp nhận mức điểm chuẩn thấp PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay với mức điểm chuẩn dự kiến từ 18-23,5 điểm tùy từng nhóm ngành thì dù mức điểm xét tuyển cơ bản cao nhất của khối A, A1 là 19 điểm trường vẫn không thay đổi mức dự kiến vì phân khúc điểm chuẩn của trường dàn ra nhiều nhóm ngành khác nhau. “Các ngành khó tuyển phải chấp nhận mức điểm chuẩn thấp hơn các ngành khác. Do đó dù có ngành lấy 18 điểm, nhưng nhiều ngành trường lấy điểm chuẩn đến 23,5 điểm, nên sự lựa chọn mức điểm xét tuyển cơ bản theo các khung khác nhau của bộ không làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung của nhà trường” - PGS Lương nhấn mạnh. |
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2014 việc quyết định các mức điểm xét tuyển cơ bản sẽ phụ thuộc phổ điểm các khối thi của thí sinh trong cả nước. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng khi phân tích phổ điểm ĐH suốt giai đoạn 2008-2012 thấy rõ rất ít môn thi có phổ điểm đạt “chuẩn”.
Trừ môn văn, địa lý, tất cả các môn thi còn lại (toán, lý, hóa, sinh, sử, ngoại ngữ) thường có phổ điểm rất “xấu”, đỉnh phổ thường lệch mạnh về phía trái.
“Khối C có phổ “đẹp” nhất, phân bố gần đối xứng, còn lại phổ khá “xấu” với các khối B, D và đặc biệt “rất xấu” ở khối A là khối chiếm số đông thí sinh. Ở khối A, đỉnh phổ chỉ ở dưới 10 điểm, thậm chí có năm chỉ đạt 7-8 điểm, nên nếu lấy điểm sàn ở vị trí gần giữa phổ (15/30 điểm) sẽ loại ra phần lớn thí sinh” - ông Khuyến nhận định.
Tuy nhiên, bức tranh tổng quan về phổ điểm thi tuyển sinh năm nay đã hoàn toàn khác trước.
Vươn lên ngoạn mục nhất trong tất cả các khối thi chính là phổ điểm khối A - khối thi vốn có số lượng thí sinh dự thi đông nhất, chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất, đồng thời là khối thi có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến toàn cục kết quả thi tuyển sinh hằng năm.
Dữ liệu tổng hợp của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2013 đỉnh phổ điểm khối A chỉ dừng ở 9,5 điểm (các năm trước đó còn thấp hơn), nhưng năm 2014 đã tăng đến 4,5 điểm, đạt mức 14 điểm.
Tương tự, phổ điểm tăng ở cả khối A1 (từ 11,5 lên 14,5 điểm), khối B (từ 12,5 lên 15 điểm), khối D1 (từ 12,5 lên 13,5 điểm).
Duy nhất có khối C, đỉnh phổ điểm năm 2014 giảm nhẹ từ 11,5 điểm xuống còn 11 điểm. Điều đặc biệt dù phổ điểm thay đổi nhưng điểm thi bình quân từng khối thi lại tương đối ổn định, không có biến động đáng kể. Cụ thể, điểm thi bình quân của thí sinh khối A là 13,71; khối A1: 14,64; khối B: 14,31; khối C: 12,77; khối D1: 13,8 điểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc đỉnh phổ điểm dịch chuyển sang bên phải cho thấy đề thi đổi mới đã đem lại kết quả thi tốt hơn, phổ điểm trải rộng đều sang hai bên tính từ đỉnh phổ, chứ không bị “đổ dốc” như các năm trước vốn gây rất nhiều khó khăn cho xác định điểm sàn xét tuyển.
Tuy nhiên, riêng phổ điểm khối C có sự giảm nhẹ là do đề thi khối C đã thay đổi từ năm trước, nên không tạo ra những đột biến như phổ điểm khối tự nhiên với những đổi mới mạnh mẽ về đề thi các môn toán, lý, hóa, sinh năm 2014.
Các mức điểm xét tuyển có thể chênh nhau 5-7 điểm
Năm 2014 là năm đầu tiên bộ dự kiến đưa ra ba mức điểm xét tuyển cơ bản đối với ĐH thay cho một mức điểm sàn duy nhất trước đây.
Riêng điểm xét tuyển cơ bản của CĐ dự kiến sẽ giống cách tính điểm sàn trước đây với mức thấp hơn 3 điểm so với mức điểm xét tuyển thấp nhất của ĐH.
Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ phân tích phổ điểm để chọn các mức điểm tương ứng với tỉ lệ phần trăm thí sinh đạt. Do đó chênh lệch giữa các mức điểm sẽ phụ thuộc vào khoảng cách tỉ lệ thí sinh đạt yêu cầu.
Trong nhiều phương án mà Bộ GD-ĐT từng đưa ra trước khi xây dựng phương án điểm sàn mới thì ba mức điểm xét tuyển có thể chia thành các nhóm tỉ lệ như: mức điểm cao nhất tính trên tỉ lệ 20-30% thí sinh dự thi đạt được, nhóm thứ hai có 40-45% thí sinh đạt được, nhóm thứ ba sẽ có 50-60% thí sinh đạt được.
Tuy nhiên, tỉ lệ cuối cùng nào được quyết định sẽ do hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào thống nhất để tư vấn cho bộ trưởng công bố các mức xét tuyển cơ bản.
Theo dữ liệu điểm thi Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục tổng kết đến ngày 7-8 khi tất cả các trường ĐH, CĐ đã công bố điểm, mức điểm xét tuyển cao nhất và mức thấp nhất nếu quy chiếu theo những tỉ lệ phần trăm thí sinh đạt được khác nhau có thể chênh đến 5-7 điểm ở cùng khối thi.
Ở khối A, nếu tính mức điểm mà 20% thí sinh đạt được là từ 18 điểm trở lên, 30% thí sinh đạt được từ mức 16,5 điểm, hơn 50% thí sinh đạt được từ mức 13,5 điểm, 60% thí sinh đạt được từ 12,5 điểm trở lên.
Ở khối A1, khoảng 20% thí sinh đạt 19 điểm trở lên, 30% thí sinh đạt từ mức 17,5 điểm, 50% thí sinh đạt từ 13,5 điểm.
Ở khối B, 20% thí sinh đạt 18,5 điểm trở lên, 30% thí sinh đạt từ mức 17 điểm, 60% thí sinh đạt từ mức 13-13,5 điểm.
Ở khối C, 20% thí sinh đạt từ 17 điểm trở lên, 30% thí sinh đạt từ mức 15,5 điểm, 60% thí sinh đạt từ mức 11,5 điểm.
Ở khối D, 20% thí sinh đạt 18 điểm trở lên, 30% thí sinh đạt từ mức 16,5 điểm và mức điểm 60% thí sinh đạt được là từ 12,5-13 điểm.
Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, khi phân chia nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản thì các trường sẽ cân nhắc lựa chọn để khẳng định uy tín của trường. Ví dụ chọn mức điểm xét tuyển trong số 30% thí sinh đạt, rồi xét nguyện vọng 2 hay chọn trong số 50% đạt để tuyển đủ chỉ tiêu nhưng uy tín của trường bị ảnh hưởng?
Song thực tế, với các trường khó tuyển một cách toàn diện (ở tất cả các ngành đào tạo), lâu nay vẫn lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, thì điểm xét tuyển cơ bản mức thấp nhất sẽ ảnh hưởng quan trọng đến mức điểm trúng tuyển vào trường.
Tuy nhiên, với nhiều trường, mức điểm xét tuyển cơ bản lại hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến mức điểm chuẩn mà trường đã xây dựng và đưa ra dự kiến trước đó.
“Cơ hội xét tuyển cho thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1” Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển cơ bản vào phiên họp buổi sáng, lúc 14g ngày 8-8 báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến về điều kiện, thời hạn, cách thức nộp hồ sơ cũng như chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường ĐH. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 vẫn còn rất nhiều cơ hội xét tuyển nguyện vọng 2 để tiếp tục trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ vừa sức. Buổi giao lưu sẽ cung cấp thông tin mới nhất cho thí sinh về tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT đưa ra. Trực tiếp giải đáp những thắc mắc cho thí sinh qua Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ http://tuoitre.vn/tuyensinh là các thầy đến từ Bộ GD-ĐT và hai ĐHQG gồm: PGS.TS Mai Văn Trinh (cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT), ThS Đỗ Thanh Duy (trưởng phòng tuyển sinh và công nhận văn bằng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT), TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM), TS Vũ Viết Bình (phó trưởng ban đào tạo - ĐHQG Hà Nội). Thí sinh, bạn đọc có thể đặt câu hỏi ngay từ bây giờ qua Tuổi Trẻ Online để được tư vấn nhanh nhất, chính xác nhất về những băn khoăn xung quanh việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận