21/07/2019 08:12 GMT+7

Điểm sàn khối sức khỏe, sư phạm: Không đổi chất lượng lấy số lượng

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - MINH GIẢNG
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - MINH GIẢNG

TTO - Chiều 20-7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe và sư phạm đã họp và quyết định ngưỡng tối thiểu để xét tuyển hai khối ngành này.

Điểm sàn khối sức khỏe, sư phạm: Không đổi chất lượng lấy số lượng - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Hoàng Bắc (giữa) hướng dẫn phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng cho các bác sĩ tập sự và sinh viên khoa y - Ảnh: VŨ HẢI SƠN

Theo đánh giá của hội đồng, mức điểm sàn này để đảm bảo chất lượng đào tạo và cũng không phải lo lắng về nguồn tuyển.

Siết vì ngành liên quan tới sức khỏe cộng đồng

Điểm sàn khối sức khỏe năm nay không quy định chung một mức mà chia làm ba mức: cao nhất là nhóm y khoa, răng - hàm - mặt với 21 điểm; y học cổ truyền, dược 20 điểm; nhóm còn lại gồm các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đồng mức18 điểm. 

Ở khối sức khỏe, Bộ GD-ĐT chỉ quy định mức điểm sàn chung cho khối đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề. Còn các ngành khác như hóa dược, quản lý bệnh viện, y sinh học... không quy định.

Lý giải về quyết định này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - giải thích do các ngành đào tạo bác sĩ như y khoa, răng hàm mặt luôn được xác định là ngành đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của mọi người nên cần tuyển chọn những người giỏi, có nguyện vọng học làm bác sĩ. 

Hiện nay, các ngành này cũng được nhiều thí sinh lựa chọn nên có điều kiện quy định điểm sàn cao nhất để nâng cao chất lượng nghề nghiệp bác sĩ, phục vụ tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Dược sĩ và y học cổ truyền cũng là những ngành rất quan trọng nhưng số lượng thí sinh lựa chọn ở mức độ không cao. Các ngành còn lại trong nhóm sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề quan trọng nhưng chủ yếu đào tạo cử nhân kỹ thuật hoặc làm việc ở các vị trí chuyên môn thừa hành y lệnh của bác sĩ nên số thí sinh giỏi lựa chọn không nhiều.

Là một trong những người có ý kiến kiên định trong việc cần phải đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối sức khỏe, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết dù có ý kiến trái chiều từ một số trường cho rằng mức điểm sàn như vậy là "cao quá", nhưng đây là một thành công trong mùa tuyển sinh năm nay. 

"Các cơ sở đào tạo không chỉ quan tâm tới lợi ích của mình mà cần nghĩ đến trách nhiệm xã hội. Cụ thể là việc cung cấp các sản phẩm đào tạo đảm bảo chất lượng tối thiểu trong một lĩnh vực liên quan tới sức khỏe người dân, cộng đồng" - ông Tú nói. 

Ông Tú nêu quan điểm: "Đầu vào không quyết định tất cả nhưng là khâu rất quan trọng để đảm bảo đầu ra. Trong thực tế đào tạo giữa các ngành có chênh lệch điểm đầu vào, chúng tôi nhận thấy năng lực của các sinh viên cũng rất chênh lệch nhau. Chính vì vậy, chúng ta cần tôn trọng năng lực đầu vào".

Giải đáp về những băn khoăn có thể sẽ thiếu nguồn tuyển cho khối sức khỏe với mức điểm sàn năm nay, bà Kim Phụng cho biết hội đồng điểm sàn ngành sức khỏe có đại diện của Bộ Y tế, có cả đại diện của các trường tốp đầu ngành y và đại diện các trường ở vùng khó khăn, trường tư thục... 

Các mức điểm sàn được hội đồng điểm sàn bàn bạc, thảo luận kỹ và thống nhất quyết định trên bình diện chung, trên cơ sở yêu cầu và điều kiện đảm bảo chất lượng đối với ngành đào tạo chứ không phải căn cứ vào điều kiện từng trường.

Xác định điểm sàn cho khối đào tạo đặc thù

Từ hai năm qua, Bộ GD-ĐT bỏ việc xác định ngưỡng điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với các cơ sở đào tạo, giao tự chủ cho các trường quyết định điểm sàn riêng. Nhưng Bộ GD-ĐT vẫn xác định điểm sàn với các ngành đặc thù.

Năm 2018, lần đầu tiên khối đào tạo giáo viên có điểm sàn xét tuyển chung giữa bối cảnh điểm đầu vào của nhiều trường sư phạm rớt thảm hại. Năm nay, ngoài khối giáo viên, khối sức khỏe cũng có điểm sàn chung. Đây là những khối ngành đặc thù cần phải có ngưỡng tối thiểu xét tuyển đầu vào để đảm bảo công bằng giữa các cơ sở đào tạo trong cùng một ngành/chuyên ngành, cũng đảm bảo chất lượng chung cho sản phẩm đào tạo ở hai khối ngành này.

Sư phạm: lo âu vì điểm sàn tăng

Với khoảng 100.000 nguyện vọng đăng ký, ngành đào tạo giáo viên năm nay có điểm sàn từ 14-18 điểm. Trong đó, đào tạo đại học là 18 điểm, cao đẳng là 16 điểm, trung cấp 14 điểm.

Ông Phan Lê Quốc - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - khẳng định quy định điểm sàn và các điều kiện đầu vào với thí sinh như học lực khá, giỏi sẽ góp phần sàng lọc, nâng chất lượng đào tạo giáo viên. Ông Quốc dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên năm nay sẽ tăng nhẹ ở một số ngành có đông thí sinh đăng ký nguyện vọng như mầm non, tiểu học...

Trái với các quan điểm ủng hộ tích cực điểm sàn ở hai khối ngành trên, một số trường công lập và các trường tư thục dè dặt, lo lắng hơn. Bởi thực tế năm 2018, điểm sàn ĐH Sư phạm ở mức thấp hơn, nhiều trường lao đao vì nguồn tuyển. Thống kê chung cho thấy các ngành sư phạm chỉ tuyển được chưa đến 70% chỉ tiêu, thấp hơn hẳn so với nhu cầu đào tạo của địa phương.

Lãnh đạo một trường ĐH sư phạm chia sẻ việc xác định điểm sàn chung là cần thiết để duy trì chất lượng đào tạo giáo viên. Với mức điểm sàn năm 2019 chắc chắn sẽ có khó khăn về nguồn tuyển sư phạm, đặc biệt ở khu vực đào tạo cao đẳng. 

Vị này cho rằng bộ nên giữ mức điểm sàn thấp hơn, tương tự như năm ngoái nhưng có thêm quy định ngưỡng điểm của môn thi liên quan tới chuyên ngành thí sinh sẽ học và trở thành giáo viên môn học tương ứng trong tương lai. 

"Ngưỡng điểm môn thi rất quan trọng. Trường tôi năm trước có thí sinh đạt điều kiện đầu vào và trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử, nhưng điểm thi lịch sử lại không cao trong tổ hợp ba môn thi. Kết quả học tập, thái độ của em này cũng không tốt" - vị lãnh đạo trên đưa dẫn chứng.

Không thể vì lo nguồn tuyển mà hạ điểm sàn

Nguồn tuyển chỉ là một tiêu chí để tham khảo. Nếu điều kiện cho phép - như có nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển - thì có thể nâng điểm sàn lên đến mức có thể nhưng không thể căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn. Hay nói cách khác là không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, nhất là trong điều kiện hiện nay nguồn để tuyển dụng giáo viên không thiếu.

Một số khu vực, cấp học thiếu giáo viên chỉ là cục bộ, có khả năng thu hút ở những nơi khác. Vì vậy, mặc dù năm trước các ngành sư phạm tuyển không đủ chỉ tiêu nhưng năm nay, hội đồng vẫn thống nhất quyết định điểm sàn sư phạm ở mức 18 điểm. Điều này phù hợp với mặt bằng chung của điểm thi năm nay và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

(Bà Nguyễn Thị Kim Phụng)

Đầu vào được nhưng cũng cần siết đầu ra

* PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM:

Vừa có sàn vừa phải hậu kiểm quá trình đào tạo

Nhìn vào phổ điểm năm nay, mức điểm sàn này là tương đối, không quá cao nhưng cũng không thấp, chấp nhận được nhằm đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, người làm ngành y ngoài kiến thức chuyên môn, khả năng tư duy còn đòi hỏi tinh thần phục vụ.

Ở nhiều nước, tuyển sinh ngành y có nhiều cách khác nhau, trong đó có phỏng vấn để kiểm tra tinh thần phục vụ của người học. Mình chưa làm được việc này thì ít ra phải kiểm soát được chất lượng, trong đó có đầu vào.

Đầu ra cũng phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng, chứ không chỉ có bằng cấp là nghiễm nhiên có thể đi làm việc. Do đó, khâu hậu kiểm quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra cũng phải được đẩy mạnh. Vừa qua, báo chí có nêu tình trạng gian lận giảng viên ở một số trường có đào tạo nhóm ngành sức khỏe, và sau đó Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường điều chỉnh. Đó là khai man.

* PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch:

Điểm sàn ở mức vừa phải

Nhìn chung, mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm trước nên mức điểm sàn này vừa phải, không quá cao cũng không quá thấp. Điểm sàn này có thể phần nào đó đáp ứng mục tiêu đảm bảo chất lượng tương đối tốt.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý đây chỉ là điểm tối thiểu để các trường nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn thực tế nhiều trường luôn cao hơn khá nhiều. Những năm qua, điểm chuẩn ngành y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch luôn ở mức 24-25 điểm.

Mức điểm sàn này chủ yếu tác động đến các trường nhỏ, mới và các trường ĐH ngoài công lập. Tuy nhiên, việc đưa ra mức điểm sàn như vậy là cần thiết.

* GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ:

Điểm sàn hơi cao, trường sẽ gặp khó khăn

Điểm sàn nhóm ngành sức khỏe, nhất là ngành y, hơi cao so với các trường ĐH ngoài công lập, nhất là ngành y. Nếu điểm sàn các ngành y và răng hàm mặt ở mức 20 sẽ hợp lý hơn.

Sâu xa hơn, bộ đang siết đầu vào quá kỹ nhưng đầu ra chưa làm nghiêm ngặt. Lẽ ra bộ phải làm ngược lại. Có những học sinh có thể điểm không cao nhưng họ có các tố chất đối với một ngành nghề nào đó. Nếu được đào tạo bài bản, họ có thể phát huy rất tốt năng lực và sở trường của mình.

Thế nên không nhất thiết phải siết quá chặt đầu vào, thay vào đó hãy kiểm soát đầu ra. Tất cả sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH sẽ tham dự kỳ thi sát hạch quốc gia để đo lường chuẩn đầu ra, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Trên cơ sở chuẩn đầu ra được sát hạch này, cơ quan quản lý nhà nước, các trường và xã hội sẽ có căn cứ để đánh giá chính xác năng lực người học, chất lượng đào tạo của các trường.

Điểm sàn y - dược từ 18 đến 21 điểm Điểm sàn y - dược từ 18 đến 21 điểm

TTO - Chiều nay 20-7, Bộ GD-ĐT đã họp để quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên