Với những ý kiến dưới đây, diễn đàn xin tạm khép lại sau khi cùng chia sẻ với nhau nhiều góc nhìn về câu chuyện thiết thân trong đời sống sinh viên.
- Anh Nguyễn Bá Cát (phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam):
Kiến tạo môi trường
Phong trào Sinh viên 5 tốt không ngoài mục tiêu xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có đủ sức khỏe, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là phong trào chủ đạo, triển khai rộng khắp với sinh viên cả nước và sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, tạo môi trường để sinh viên rèn luyện đạo đức, học tập, thể chất, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng và có khả năng hội nhập quốc tế.
Cùng với các hoạt động phong trào, việc xét chọn và tuyên dương danh hiệu Sinh viên 5 tốt các cấp hằng năm cũng là cách tạo thêm động lực để các bạn sinh viên phấn đấu trong quá trình học tập, rèn luyện trở thành sinh viên toàn diện.
Từng năm, Hội có các chương trình, kế hoạch hoạt động lớn từ đầu năm học, cơ sở sẽ cụ thể hóa thành hoạt động của các đơn vị giúp sinh viên tham gia rèn luyện.
Hội cũng có các chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên như trao học bổng cho sinh viên khó khăn, hỗ trợ cơ chế miễn giảm học phí, nghiên cứu khoa học, tạo việc làm, sân chơi khởi nghiệp để các bạn có môi trường rèn luyện, thể hiện bản thân.
Đồng thời phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp để cùng thực hiện các chương trình, kế hoạch, tổ chức các hoạt động thiết thực tạo môi trường cho sinh viên tham gia rèn luyện và trưởng thành.
Có thể nói với nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ như thế, hội sinh viên các cấp đang nỗ lực tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện, góp phần cùng nhà trường hoàn thiện quá trình đào tạo sinh viên.
Đây cũng là những định hướng lớn mà Đại hội XI Hội Sinh viên Việt Nam diễn ra trong năm nay đang chuẩn bị, sao cho đồng hành và phát huy sinh viên tốt hơn nữa trong giai đoạn 2023 - 2028.
- Chị Trần Thu Hà (chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM):
Rèn luyện cho hiện tại và cả tương lai
Việc đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hiểu gần như là hạnh kiểm khi còn là học sinh.
Rèn luyện và đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên là cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, năng lực hoạt động xã hội...
Thực hiện các nội dung rèn luyện chính là sinh viên thực hiện trách nhiệm công dân, cũng là trách nhiệm và quyền lợi của các bạn, nhưng không phải sinh viên nào cũng nhận ra điều này.
Cùng với nhà trường, tổ chức Đoàn - Hội sinh viên nỗ lực tổ chức hoạt động tạo môi trường để sinh viên tham gia, qua đó tích lũy điểm rèn luyện.
Quá trình đó không chỉ thể hiện thông qua điểm được đánh giá và những lợi ích đi kèm khi sinh viên có kết quả rèn luyện tốt mà còn tích lũy kiến thức bổ trợ cho việc học, kỹ năng, cả vốn xã hội làm hành trang chuẩn bị cho tương lai của mỗi bạn.
Gần đây, qua báo chí, mạng xã hội, có sinh viên nói thấy áp lực với điểm rèn luyện, phải "gồng" mình tham gia hoạt động dù không thấy lợi ích gì để có điểm rèn luyện.
Điều này đặt ra cho nhà trường, Đoàn và Hội các cấp cũng cần phải đánh giá, rà soát lại chất lượng những hoạt động được tổ chức, cả việc tuyên truyền, giới thiệu sao cho sinh viên hiểu ý nghĩa, lợi ích mỗi khi tham gia hoạt động chứ không để các bạn tự hiểu.
Thực tế nhiều bạn sinh viên có thể rèn luyện ở tâm thế chủ động và lợi ích từ hoạt động mà các bạn tham gia là không thể phủ nhận như hoạt động tình nguyện, hỗ trợ phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia câu lạc bộ...
Tôi cho rằng các bạn có thể tìm hiểu kỹ thông tin rồi lựa chọn hoạt động phù hợp với năng lực, mong muốn, thời gian của bản thân. Thậm chí khi tham gia thấy chất lượng hoạt động chưa tốt, các bạn có quyền phản hồi, góp ý để hoàn thiện hơn cho những lần sau.
Chủ đề điểm rèn luyện có thể nói là chủ đề khá "hot". Cùng với nhìn nhận từ góc độ tổ chức và đánh giá (nhà trường), chủ thể rèn luyện (người học), thiết nghĩ cũng cần xem xét ở góc độ quy định hiện hành.
Cách thiết kế phiếu đánh giá, cả phương pháp đánh giá còn khá thủ công, trong khi nhiều trường đã ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dữ liệu hoạt động sinh viên và đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên.
Rất mong ngành giáo dục và đào tạo cũng sẽ có sự đánh giá, rà soát và cập nhật quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Hướng sinh viên đến sự hoàn thiện
Điểm rèn luyện là động lực vì bạn có trách nhiệm, có cố gắng. Những hoạt động tôi tham gia đã cho tôi hiểu biết mới về các lĩnh vực khác nhau, mở rộng kiến thức, đặc biệt về văn hóa, khoa học, tình nguyện. Tôi dự hội thảo, nhận thêm nhiều kiến thức, có động lực để viết bài và gửi tham luận.
Trong khi đó, hoạt động tình nguyện giúp tôi có lòng vị tha, sống có trách nhiệm và biết cố gắng hơn để có thể giúp nhiều người, sống những ngày đầy tích cực. Đây là một quá trình rèn luyện, hướng sinh viên đến sự hoàn thiện, mở rộng hiểu biết, phát triển kỹ năng, thái độ.
Với những bạn nói điểm rèn luyện là gánh nặng là do muốn được điểm cao nhưng không thích bỏ nhiều thời gian hoặc chẳng muốn tham gia hoạt động gì thì sao được.
Tôi tin chắc những bạn này sẽ viện đủ lý do để cho rằng điểm rèn luyện là không phù hợp mà thực chất do các bạn không chịu tìm tòi hay thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân mà thôi.
Tôi biết có nhiều bạn sinh viên không tham gia nhiều, làm cán bộ lớp hay chỉ là bạn bè của lớp trưởng, bí thư chi đoàn nên cứ chấm mình 80 - 90 điểm hoặc hơn nữa. Do đó, tôi mong điểm rèn luyện phải chính xác hơn.
LÊ TRÍ BÌNH (sinh viên)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận