Trường hợp có heo chết không rõ nguyên nhân hoặc nghi mắc dịch tả heo châu Phi, cần lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêu hủy. Trong ảnh: tiêu hủy heo bị nhiễm chất cấm được chôn lấp bằng chế phẩm vi sinh - Ảnh: Thúy Hằng
Ngày 12-9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào VN. Theo đó, từ cuối năm 2017 đến nay dịch đã lây lan tới 17 quốc gia, trên 500.000 con heo lây bệnh bị buộc tiêu hủy.
Virút dịch tả heo châu Phi nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các dụng cụ nhiễm virút như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virút và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Cục phó Cục Chăn nuôi thú y Thái Lan Jirasak Pipatanapongsopom
Nghiêm cấm giết mổ, chế biến thịt nhập lậu
Thủ tướng nghiêm cấm mọi hình thức giết mổ, buôn bán, vận chuyển, chế biến thịt heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả thịt heo về VN dưới hình thức cho, tặng của cư dân biên giới, giám sát chặt chẽ đường mòn, lối mở khu vực biên giới với các nước có dịch.
Từ 15-9 đến 15-10, tổ chức chiến dịch khử trùng tại khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán thịt heo.
Trường hợp có heo chết không rõ nguyên nhân hoặc nghi mắc dịch tả heo châu Phi, cần lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêu hủy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguy cơ lây nhiễm dịch này sang người nếu ăn phải thịt heo nhiễm bệnh, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Dương khẳng định dịch tả heo châu Phi không lây sang người mà chỉ lây lan trong đàn heo.
Tuy nhiên, dịch này nguy hiểm bởi chưa có văcxin phòng và mức độ lây lan trong đàn heo cũng rất nhanh.
Về nguy cơ thịt heo từ Trung Quốc (quốc gia đã bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm) tràn sang VN, ông Dương cho hay nguy cơ này không phải là không có và cần giám sát chặt ở các đường mòn, lối mở, giám sát việc vận chuyển sản phẩm từ thịt đề phòng nguy cơ thịt nhiễm bệnh xâm nhập vào VN.
Để phòng chống dịch tả heo châu Phi, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị vào ngày 14-9.
Lây lan nhiều nơi
Tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này buộc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) liên tục đưa ra các cảnh báo về biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y liên tục có công điện khẩn về việc tập trung các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm.
Theo báo cáo của Cục Thú y, dịch tả heo châu Phi (có tên tiếng Anh là African Swine Fever - viết tắt ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virút gây ra. Bản chất của virút gây bệnh này không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác như virút gây bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh, dịch tả heo cổ điển.
Tuy nhiên, virút này lại có thể gây chết ở heo với tỉ lệ rất cao. "Nguyên nhân lây lan chủ yếu do có yếu tố của con người tác động như việc vận chuyển heo và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác" - báo cáo nêu.
Theo thông tin của OIE, bệnh lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Các lô heo được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR và giải trình tự gen cho kết luận dương tính với virút dịch tả heo châu Phi.
Theo thông tin cập nhật từ OIE và FAO, tính từ đầu tháng 8 đến ngày 10-9, Trung Quốc có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang.
Tổng cộng có hơn 38.000 con heo các loại đã buộc phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan tịnh tiến dần về phía nam. Đặc biệt lây lan đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam.
Chưa có văcxin điều trị
Theo Cục Thú y, thời điểm hiện tại nước ta chưa có bệnh dịch tả heo châu Phi, nhưng bệnh có nguy cơ xâm nhiễm rất lớn. Virút gây dịch tả heo châu Phi không lây sang người.
Tuy nhiên virút này lại có sức đề kháng cao, gây bệnh ở heo với tỉ lệ bệnh và tỉ lệ chết rất cao, lây nhiễm trực tiếp và gián tiếp một cách nhanh chóng và hiện chưa có văcxin phòng bệnh lẫn thuốc điều trị.
Báo cáo tại hội thảo chia sẻ thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi, ông Jirasak Pipatanapongsopom - cục phó Cục Chăn nuôi thú y Thái Lan - cho biết virút gây bệnh dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao, chúng có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo như xúc xích, giăm bông, salami.
Bệnh dịch tả heo châu Phi có thời gian ủ bệnh 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ 3 - 4 ngày.
Một trong những giải pháp hiện nay phòng bệnh là chính. Cụ thể, chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào trong nước, tăng cường kiểm soát vận chuyển heo, kiểm dịch nhập khẩu các sản phẩm của heo và thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học.
Trường hợp phát hiện, không điều trị mà cần phải xử lý tiêu hủy triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan.
Một nửa số heo của thế giới đang ở Trung Quốc
Số lượng này khoảng 457 triệu con trong năm 2016, theo số liệu của FAO. Khi có bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện, Trung Quốc đóng các cửa chợ buôn bán heo sống, đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3km và vùng bảo vệ là 10km.
Tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức khoảng 115 USD/con heo.
Ngoài ra, Trung Quốc tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23.000 địa điểm, bao gồm cả việc chủ động lấy mẫu của heo chết, heo bệnh.
Kết quả phát hiện được 120 mẫu dương tính với virút dịch tả heo châu Phi trong số hơn 9.900 mẫu xét nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận