Dịch giả Bửu Ý bên ba cuốn sách mới do ông dịch - Ảnh: MINH TỰ
Chữ nghĩa nó bồi bổ và gợi mở cho người đọc rất nhiều điều, đừng xem nhẹ.
Đó là kiệt tác của hai nhà văn Pháp André Gide (Đứa con đi hoang trở về, Vỡ mộng) và Saint-Exupéry (Thư gửi một con tin.
Dịp này, PV Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với dịch giả Bửu Ý - một tên tuổi lớn của Huế, dù tuổi đã 81 nhưng vẫn còn rất minh mẫn.
* Thưa ông, vào thập niên 1960, khi chọn dịch các tác phẩm viết về tuổi trẻ, ngoài sự hấp dẫn của tác phẩm, ông có tâm niệm gì về thông điệp của những tác phẩm này đối với tuổi trẻ và thời đại của mình trong bối cảnh xã hội bấy giờ?
- Chiến tranh, hòa bình, giới trẻ... đó là những câu chuyện thời sự nóng hổi bấy giờ, khiến người ta khó lòng thờ ơ với những vấn đề của thời cuộc. Khi tôi chọn những tác phẩm này để dịch, chính là thông qua nó để nói lên vấn đề mà mình ưu tư. André Gide và Saint-Exupéry vốn là hai thanh niên có nhiều ưu tư về tuổi trẻ.
André Gide đưa ra nhiều thông điệp tích cực cho thanh niên. Là người trẻ, bạn phải khát khao tự do, phải sống tự lập và tự quyết cuộc đời mình, đừng lệ thuộc vào bất cứ ai, kể cả vĩ nhân. Người trẻ phải biết sống lãng mạn, phải biết xem thường vật chất, phải biết xa rời cuộc sống đủ đầy tiện nghi, hãy xông pha vào đời mà trải nghiệm, để hiểu được buồn vui sướng khổ của nhân gian.
André Gide nhìn thấy sự trói buộc con người của tôn giáo, vì vậy phải cởi bỏ, để đến với đức tin một cách tự do. Saint-Exupéry thì cho rằng chỉ con người mới có quan niệm "vì con người"... Tôi thấy đó là những tư tưởng tiến bộ, rất cần cho việc xây dựng xã hội nên chọn các tác phẩm này để dịch.
* Vỡ mộng mang vẻ đẹp viễn mơ của chủ nghĩa lãng mạn. Đứa con đi hoang trở về là cuộc truy vấn về tự do và sự thức tỉnh. Thư gửi một con tin là trực diện với các vấn đề giá trị con người. Nếu chỉ chọn một trong ba kiệt tác ngắn này giới thiệu với người đọc trẻ hôm nay, ông sẽ chọn tác phẩm nào?
- Tôi sẽ chọn Đứa con đi hoang trở về. Đó là một cuốn sách mỏng, chỉ hơn 50 trang khổ nhỏ thôi nhưng chứa đựng những thông điệp rất lớn. Nhà văn đã lấy lại dụ ngôn của Kinh thánh, kể rằng có một đứa con trai của một gia đình nọ đã bỏ nhà ra đi.
Rồi một ngày không chịu nổi với đói rách tả tơi, anh ta đã tìm đường trở về nhà. Thay vì phải trừng phạt đứa con hoang đàng, thì người cha lại mở tiệc mừng đón. Nhưng nhà văn André Gide đã tài tình ở chỗ ông viết tiếp. Đứa con phóng đãng đó rất ân hận vì đã làm cha mẹ buồn khổ, nhưng anh ta vẫn khuyên đứa em mình: hãy ra đi như anh đã từng đi!
Dụ ngôn của Kinh thánh muốn đưa ra thông điệp về lòng độ lượng và sự thứ tha. Nhưng thông điệp của nhà văn thì hoàn toàn khác: rằng mỗi người hãy biết rời khỏi ngôi nhà êm ấm để trải lòng với nhân gian thì mới thấu hiểu nắng mưa của cuộc đời; phải biết coi thường vật chất để sống cao thượng; và đừng lệ thuộc vào bất cứ ai. Tôi cho rằng đó là câu chuyện của muôn đời.
* Ông có lời khuyên gì với độc giả trẻ hôm nay?
- Đừng đọc sách như dùng fastfood (thức ăn nhanh). Nhiều người trong giới trẻ ngày nay chỉ đọc sách qua bản tóm tắt, luôn có sẵn trên mạng. Như vậy thì uổng quá.
Đọc sách, nhất là văn chương, là còn đọc văn phong, chữ nghĩa của tác giả nữa chứ. Đôi khi chỉ một từ thôi cũng đã làm mình rung lên, chưa nói đến văn phong, bút pháp. Chữ nghĩa nó bồi bổ và gợi mở cho người đọc rất nhiều điều, đừng xem nhẹ.
Còn với những cuốn sách này, tôi muốn chuyển đến các bạn trẻ thông điệp mà nhà văn nhắn gửi: hãy xông pha vào đời nhưng phải trang bị cho mình một hành trang đầy đủ tâm hồn, trí tuệ, tình cảm; để tuổi trẻ của mình không trở thành cuộc phiêu lưu vô bổ!
Ông tham gia nhiều lĩnh vực xã hội, dạy học, nghiên cứu nghệ thuật, viết văn, dịch sách, đặc biệt là văn học Pháp.
Năm 1992, Đại học Paris VII mời ông sang giảng về văn học Pháp. Năm 2015, ông được Chính phủ Pháp trao Huân chương Cành cọ hàn lâm cho những đóng góp của ông trong việc quảng bá văn hóa Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận