Dịch giả Nguyễn Khánh Trung và TS Bùi Trân Phượng trình bày sự kỳ vọng thay đổi tình hình giáo dục tại buổi tọa đàm - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây cũng là dịp ra mắt quyển thứ hai trong bộ Học thế nào bây giờ? (Hướng dẫn trẻ cách học tự chủ, dành cho học sinh tiểu học) sau khi quyển thứ nhất ra mắt cách đây đúng một năm. Chương trình tọa đàm do hai đơn vị Giáo dục Emile Việt (Eve) và NES Education cùng tổ chức.
Đến dự có nhiều bạn trẻ, các ông bố bà mẹ trẻ và đặc biệt là các giáo viên đang kỳ vọng nắm bắt thêm những quan niệm mới về giáo dục.
Khéo léo nhắc lại một nội dung quen thuộc là học để làm gì và học như thế nào, dịch giả Nguyễn Khánh Trung trình bày những quan niệm giáo dục đang được xem là phương cách tạo ra những con người hữu ích ở những quốc gia phát triển.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục không được bỏ qua, là giáo dục nhằm khơi gợi khả năng tiềm tàng trong mỗi người học, qua đó người ta sẽ yêu thích việc học, yêu thích việc thụ đắc tri thức và người học trở thành chất xám của quốc gia.
"Quốc gia nào có nhiều chất xám thì quốc gia đó sẽ dẫn đầu" - TS Nguyễn Khánh Trung lưu ý.
Trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, người học càng không nên bỏ qua một mục đích quan trọng: học để sống và chung sống. Điều này bắt đầu từ quan niệm tôn trọng sự khác biệt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Việc tôn trọng mình và tôn trọng người nhằm dứt khoát không giải quyết vấn đề bằng bất kỳ hình thức bạo lực nào, kể cả bạo lực bằng ngôn ngữ. Sau đó, người học phải có năng lực tự chủ không chỉ về vật chất mà cả trí tuệ, không bị phụ thuộc bởi quan điểm tư tưởng của ai. Một quốc gia có những con người như vậy là một quốc gia mạnh.
Điều lưu ý đáng kể từ dịch giả Nguyễn Khánh Trung là ý thức xem mỗi người học là một chủ thể duy biệt. Điều này đang còn xa lạ với quan niệm phổ biến ở Việt Nam, khi cụm từ "học sinh cá biệt" là nỗi ám ảnh với học sinh và phụ huynh vì nó bị đánh đồng với sự yếu kém, tiêu cực. "Trong khi lẽ đương nhiên mỗi học sinh đều là cá biệt, thậm chí là cá biệt duy nhất, nên gọi là duy biệt" - TS Bùi Trân Phượng nói rõ thêm.
Đó cũng là một lưu ý có tính nền tảng cho giáo dục và những ai làm giáo dục. Trên nền tảng đó, người học hiển nhiên nằm ở vị trí trung tâm, và mỗi người có một "chân dung học tập" riêng. Người học, trước hết cần tự thân hiểu rõ chân dung ấy.
Bộ sách Học thế nào bây giờ? được soạn theo cấu trúc nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu của người học trên tinh thần đó. Nên đây thực sự là một tài liệu thú vị cần thiết cho người học Việt Nam.'
Hai tập sách Học thế nào bây giờ dành cho Học sinh tiểu học và Trung học cơ sở - một tài liêu cần thiết cho học sinh - Ảnh : Lam Điền
Học sinh Việt Nam đang cần "cấp cứu"
Tham gia buổi tọa đàm, TS Bùi Trân Phượng cho biết những trao đổi hôm nay là một phần của dự án thiện nguyện có tên "Teach - cùng giáo viên thay đổi" khởi động gần một năm qua. Theo bà, Việt Nam hiện tồn tại quá nhiều điều kiện bất lợi cho sự học, mà những trường hợp đáng tiếc/ thương tâm vừa qua xảy ra với học sinh trung học chỉ là bề nổi. Dự án này không chỉ phổ biến các sách tiến bộ về giáo dục như đã nói, mà đội ngũ trí thức tham gia sẽ chung tay tạo sự thay đổi cụ thể từ giáo viên để dạy học sinh được tốt hơn, từ giáo viên thay đổi sẽ tạo ra nhà trường thay đổi, và nhà trường thay đổi sẽ tạo sự thay đổi trong giáo dục.
"Tuy mới khởi động nhưng phản hồi từ thực tế đời sống đang khả quan, và chúng tôi sẽ song song tổ chức một phiên bản "Teach - cùng phụ huynh thay đổi" bắt đầu từ Hà Nội và TP.HCM, bởi dường như học sinh Việt Nam đang cần "cấp cứu" từ môi trường gia đình nữa chứ không chỉ từ nhà trường" - TS Bùi Trân Phượng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận