Chính phủ ban hành nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP
Chính phủ ban hành nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021.
Không ban hành quy định trái với trung ương
Đánh giá tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nên với định hướng từng bước mở cửa nền kinh tế phù hợp với diễn biến dịch bệnh, độ bao phủ vắc xin, nghị quyết nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, không cát cứ, tách biệt, không áp dụng một cách cực đoan các biện pháp phòng, chống dịch; nơi nào phát hiện ổ dịch, nếu phải giãn cách xã hội thì thực hiện ở phạm vi hẹp nhất, gắn với áp dụng biện pháp y tế một cách khoa học và nhanh nhất có thể; tăng cường y tế lưu động.
Tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vắc xin, thuốc chữa bệnh, công nghệ và ý thức của nhân dân trong phòng, chống dịch.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc…
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các địa phương không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ để tổ chức việc di chuyển của người dân, người lao động bảo đảm trật tự, an toàn, an dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động ở lại địa phương làm việc.
Triển khai ngay giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thành lập tổ công tác đặc biệt tại các bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và đưa vào hoạt động ngay từ tháng 10-2021.
Khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó lưu ý nguồn vốn ODA, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chỉ duy trì những thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất.
Thanh tra mua sắm trang thiết bị y tế, làm rõ vấn đề giá xét nghiệm
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các đối tượng được hỗ trợ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chưa giải ngân cho đơn vị khác để thực hiện dự án trọng điểm, có tính lan tỏa.
Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tiết kiệm và cắt giảm tối đa chi thường xuyên và chi đầu tư không hiệu quả. Rà soát các quy định về quản lý tài chính đối với hoạt động vận động gây quỹ từ thiện; kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch, giải quyết các vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Nghiên cứu việc xây dựng, triển khai chương trình tín dụng quy mô lớn dành cho các ngành, lĩnh vực, dự án, doanh nghiệp có khả năng tạo đột phá và sức lan tỏa lớn về tăng trưởng.
Thúc đẩy các giải pháp thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì đơn hàng, xây dựng chương trình khuyến mại, xúc tiến thương mại quốc gia. Chủ động có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản.
Đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, đề xuất giải pháp khắc phục sự đứt gãy thị trường lao động. Bảo đảm người lao động quay trở lại làm việc, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động, có kế hoạch đào tạo, bố trí người lao động đã di chuyển về các địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với ngành du lịch, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất thí điểm từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc xin và điều kiện tiêm chủng.
Chính phủ cũng yêu cầu cần tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10-2021. Theo đó, Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Chính phủ cũng yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể. Triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin, lưu ý xây dựng lộ trình tiêm cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học.
Chủ động xây dựng chiến lược cung ứng và sản xuất thuốc điều trị COVID-19, không để bị động. Nghiên cứu, tổ chức đánh giá hiệu quả việc sinh kháng thể đối với người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bổ sung, hoàn thiện các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phù hợp, linh hoạt.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra không để lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với thuốc, vật tư y tế, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch; trước mắt khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề giá xét nghiệm, kit xét nghiệm COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thông tin kịp thời đến dư luận, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận