Câu hỏi đặt ra: Các tờ báo tại Việt Nam có thể "bán" gì đáng đồng tiền bát gạo?
Nhiều khán thính giả tại Việt Nam đang là thành viên của Apple Music, Spotify hay Netflix một phần vì không muốn dòng cảm xúc đang dâng trào bỗng bị đứt đoạn vì quảng cáo và cũng vì bản quyền tác phẩm âm nhạc, phim ảnh... đang được bảo vệ tối đa. Theo công thức này, mô hình iTunes cho tin tức dần lộ diện.
Vì một nền báo chí chất lượng và độc lập
Tác giả của "Bốn học thuyết truyền thông" Fred S. Siebert cho rằng độc lập tài chính để tránh áp lực lợi ích là nhiệm vụ cơ bản của báo chí.
Hiện nay đa số cơ quan báo chí - truyền thông đều được phép làm kinh tế để trang trải chi phí hoạt động nên việc tìm ra mô hình kinh doanh bền vững để bảo vệ giá trị báo chí nguyên bản là rất cấp thiết.
Hơn 9 năm trước, ngày 4-6-2013, nhật báo The Guardian (Anh) đăng một bài viết lay động: "Báo chí dựa vào sự chi trả của người đọc" của tác giả Gleen Greenwald.
Bài báo công bố rằng The Guardian không có cổ đông, cũng không có chủ sở hữu giàu có, nhưng có quyết tâm và đam mê với những bài báo chất lượng, không bị chi phối về mặt thương mại hoặc chính trị.
Tờ báo cung cấp thông tin miễn phí đến bạn đọc vì tin tưởng vào quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Hàng triệu người được hưởng lợi từ việc truy cập tin tức chất lượng, trung thực, bất kể họ có khả năng chi trả hay không.
Nhưng nếu tiếp tục miễn phí thông tin thì báo chí - truyền thông sẽ phát triển như thế nào, khi mà mọi tổ chức, từ các chính trị gia cho đến các nhà kinh doanh, đều muốn tận dụng hay chuyển hóa lợi thế báo chí thành vũ khí và sức mạnh riêng?
Trong bối cảnh đó, thu phí nhỏ lẻ từ bạn đọc được xem là bền vững nhất nhằm xây dựng một nền báo chí chất lượng và độc lập, cân bằng giữa việc thực hiện sứ mệnh và kinh doanh.
Báo chí không quảng cáo
Đại diện ban biên tập một tờ báo điện tử cho biết cơ quan của bà có đến 80 nhân viên công nghệ thông tin với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu các cách thức quảng cáo mới. Làm sao để mẩu quảng cáo xuất hiện tinh tế, thông minh, hiệu quả, không "quấy nhiễu" bạn đọc. Nếu để quảng cáo "nhảy bùm" tràn ngập, bạn đọc sẽ có xu hướng một đi không trở lại.
Các tờ báo tại Việt Nam hướng đến thu phí sẵn sàng cung cấp phiên bản báo chí không quảng cáo để phục vụ bạn đọc trung thành, muốn thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm báo chí đa phương tiện kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn bản, số liệu, hình ảnh, âm thanh tổng hợp, video, thiết kế đồ họa và các chương trình tương tác.
Thực tế hiện nay cho thấy để thoát khỏi quảng cáo, người đọc phải xác nhận yêu cầu dừng quảng cáo, sau đó phải đưa ra lựa chọn: vì sao bạn không thích mẩu quảng cáo này, vì nó che khuất nội dung, vì bạn không quan tâm, vì bạn đã nhìn thấy nó quá nhiều lần, hay bạn thấy nội dung của nó không phù hợp, rồi phải dây dưa qua vài click chuột nữa thì mới mong nó biến mất.
Điều này khiến nhiều bạn đọc sẽ tránh cảm giác bực bội bằng cách đóng góp định kỳ cho tờ báo mình yêu thích.
Một số bạn đọc khác dùng app để loại quảng cáo khỏi trang báo, nhưng các app này không phải lúc nào cũng tiện dụng.
Báo chí độc quyền
Trước đây người đọc từng trả tiền mua báo in để được theo dõi những sự kiện đang diễn ra xung quanh. Ngày nay người đọc chắc cũng sẽ sẵn lòng trả tiền cho thông tin họ quan tâm nếu không thể đọc miễn phí. Một số báo chí đã dựng nên các "tường phí" để cung cấp sản phẩm độc quyền.
Có tờ áp dụng "tường phí cứng" - mô hình trả phí bắt buộc, chỉ cho phép truy cập nội dung sau khi thanh toán và kích hoạt tài khoản; có tờ báo ưa chuộng "tường phí mềm", cho phép độc giả đọc miễn phí một lượng bài viết nhất định, hoặc một phần nội dung và yêu cầu thanh toán, trả tiền riêng cho những bài viết áp phí.
Một số tờ báo ở Việt Nam lựa chọn mô hình hỗn hợp, tức cho bạn đọc truy cập trang miễn phí, và bên trong trang này có đường dẫn vào phiên bản đặc biệt dành cho khách hàng trả phí - không có quảng cáo, thêm chuyên mục độc quyền và những tiện ích dành riêng. Tuổi Trẻ có lẽ phù hợp với mô hình hỗn hợp này.
Báo chí dữ liệu
Báo chí dữ liệu thường được hiểu là hình thức sử dụng dữ liệu để kể một câu chuyện, giải thích vấn đề phức tạp ẩn giấu trong những con số, trình bày ở dạng thức hấp dẫn để thu hút người dùng.
Tuy nhiên, dữ liệu được nhắc trong mô hình kinh doanh là một câu chuyện khác. Từ đầu những năm 2000, một tạp chí kinh tế ở TP.HCM đã kinh doanh dữ liệu từ báo của mình.
Họ phát hành các CD-ROM, ghi lại các bài viết để cung cấp cho nhà đầu tư, các sứ quán, lãnh sự... cần thông tin tra cứu theo chủ đề hoặc theo tác giả. Trong kỷ nguyên Internet, toàn bộ dữ liệu được đưa lên các website và việc kinh doanh dữ liệu chấm dứt.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh dữ liệu lại đang phổ biến ở các tổ chức tin tức toàn cầu. "Báo cáo toàn cầu về đổi mới sáng tạo trong báo chí 2020 - 2021" của Mạng lưới truyền thông quốc tế FIPP có một chương đặt tên là Kiếm tiền, phân tích chi tiết 13 mô hình kinh doanh giúp báo chí tăng doanh thu, trong đó có mô hình môi giới dữ liệu.
Theo đó, bán dữ liệu như một dịch vụ có thể thu lợi lớn ở một số đơn vị. Các cơ quan báo chí có thể tận dụng hành vi, khách hàng đăng ký dài hạn, dữ liệu xã hội đa dạng... để tăng thu trực tiếp và gián tiếp thay vì "bỏ xó" nguồn dữ liệu này. Điều này đặt ra cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí Việt Nam: làm sao để khách hàng có thể tra cứu dữ liệu trong các phiên bản thu phí?
Báo chí giải pháp
Và đặc biệt, thực tế cho thấy thời nay báo chí giải pháp là xu hướng cho sự tồn tại của những tờ báo muốn "sống" và tính chuyện thu phí. Đó là tờ báo, bài báo cũng như bản tin đều đặt vấn đề phản biện, đưa ra giải pháp cho vấn đề đang nêu và đề xuất cách giải quyết đến chính quyền.
Giải pháp càng độc lập, hữu hiệu và có tầm càng thu hút độc giả. Không một độc giả nào muốn đọc một tờ báo, một bài báo chỉ dừng lại ở việc đưa tin mà không phân tích hay đề xuất giải pháp.
Ngoài ra, báo chí có vai trò cầu nối, kết nối công chúng với chính phủ. Hầu hết các cơ quan báo chí lớn đều có ban công tác bạn đọc để giải quyết vấn đề mà bạn đọc thắc mắc, chuyển đến nhà chức trách, các chuyên gia hay cá nhân, tổ chức để tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho bạn đọc.
Với báo chí giải pháp, cách làm này được nâng lên tầm cao mới. Tất cả câu hỏi của bạn đọc trả phí sẽ được tờ báo chuyển đi và phản hồi sau khoảng thời gian chờ nhất định. Như vậy việc cung cấp giải pháp cho khách hàng đăng ký thành viên được xem là hướng kinh doanh mới đầy sáng tạo.
Cách làm này còn giúp nâng cao vai trò báo chí trong tham gia đề xuất giải pháp cho vấn đề, giúp chính quyền quản lý xã hội tốt hơn, và nổi bật thêm chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Độc giả là nhà tài trợ
Độc giả không chỉ đóng vai trò là người đăng ký mà còn có thể là nhà tài trợ. Khi vào trang của The Guardian, người đọc có thể thấy ngay hai lựa chọn trên đầu trang: Đóng góp hoặc Đăng ký.
Với mục Đóng góp, The Guardian tha thiết: "Mọi đóng góp, dù nhiều hay ít, đều giúp hoạt động báo chí của chúng tôi duy trì được chất lượng hôm nay và mai sau. Sự ủng hộ của bạn góp phần bảo vệ tính độc lập của The Guardian, giúp chúng tôi tiếp tục truyền tải thông tin chất lượng đến với tất cả mọi người".
Báo cáo toàn cầu của FIPP ghi nhận mô hình kinh doanh này dưới tên gọi Phi lợi nhuận. Báo cáo cho rằng nguồn hỗ trợ cho báo chí đang có, nhưng không dễ để thu hút. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, báo chí có thể gửi thông điệp đến bạn đọc: "Nếu bạn đánh giá cao nội dung của chúng tôi, hãy đóng góp".
Ông Trần Trọng Dũng (phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam):
Liên minh bảo vệ bản quyền
Chúng ta không thể nói đến báo chí độc quyền nếu chưa giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Điều gì đảm bảo các tác phẩm báo chí được xem là độc quyền và thu phí của bạn đọc lại không bị sao chép ngay sau khi đăng tải? Việt Nam đang thiếu một liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, nên mỗi tờ báo loay hoay tự giải quyết, mà hầu hết đều không đủ nhân lực, tài lực để theo đuổi các vụ kiện bản quyền.
Trong lúc chờ đợi một khung pháp lý phù hợp, tôi cho rằng chúng ta nên thí điểm mô hình "Trung tâm bảo vệ bản quyền" ở các khu vực báo chí sôi động như Hà Nội, TP.HCM.
Nếu có liên minh bảo vệ bảo quyền, các báo có thể đồng loạt triển khai tường phí, sản phẩm làm ra có thể bán được, nuôi sống đội ngũ một cách tử tế, giữ vững sứ mệnh nghề báo. Công chúng có quyền lựa chọn mua thông tin ở đâu, như hàng thập niên trước đã từng sẵn lòng chi trả cho báo in.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận