Phút nhập tâm của Lang Lang bên phím đàn trong đêm nhạc tối 31-8 - Ảnh: HẢI BÁ
1. Cho đến nay, nghệ sĩ dương cầm người Trung Quốc vẫn là một hình mẫu cho sự thành công cả về mặt chuyên môn và sức lan tỏa đại chúng ở dòng nhạc cổ điển.
Dù Lang Lang chơi nhiều thể loại âm nhạc từ kinh điển đến pop đương đại, nhưng chắp cánh cho danh tiếng của anh lan xa vẫn là nhạc cổ điển, đặc biệt kể từ khi anh có tên trong bảng vàng cuộc thi Nghệ sĩ dương cầm trẻ Tchaikovsky quốc tế tại Nhật Bản khi mới 13 tuổi...
Sức hấp dẫn từ những ngón đàn điêu luyện cùng phong thái lịch lãm của Lang Lang vẫn truyền tới những khán phòng sang trọng nhất trên thế giới trong hàng chục năm qua.
Đến Việt Nam lần thứ hai, việc nhiều người yêu nhạc phải cất công săn tìm mua vé (dù chỉ mời, không bán) đủ thấy độ "nóng" của Lang Lang vẫn còn đó, nhất là khi đây là sự trở lại đánh dấu bước ngoặt mới trên con đường sự nghiệp của nghệ sĩ piano đã phải tạm dừng lưu diễn trong hơn một năm qua để dưỡng thương chứng viêm gân tay.
2. Háo hức gặp Lang Lang là thế, nhưng đêm nhạc của danh cầm sinh năm 1982 đã để lại cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối, trước hết vì món ngon chưa đủ vị đậm đà.
Tiếng đàn của Lang Lang vẫn thật tuyệt vời, phong cách chơi nhạc của anh có khi còn quyến rũ hơn trước khi chấn thương tay.
Nhìn anh thả hồn theo nốt nhạc, từng ngón tay lướt trên phím đàn như nước chảy hoa trôi có thể khiến người nghe... rùng mình vì sung sướng. Nhưng những cảm giác ấy dễ bị đứt đoạn bởi kết cấu chương trình không liền mạch, thiếu sự kết nối.
Xen kẽ Lang Lang còn có học trò của anh là Peter Leung (12 tuổi) trình diễn. Không kể một bài "bonus" (cộng thêm) của Lang Lang ở cuối chương trình thì hai thầy trò còn cùng chơi bản Hành khúc Schubert theo hình thức piano bốn tay để khép màn.
Tuy nhiên, vì cách bố cục, sắp xếp ấy mà chương trình giống như hai thầy trò đang tập đàn với nhau, rồi thỉnh thoảng Lang Lang bước tới thị phạm cho học trò. Hay nói cách khác, đây chưa phải là một buổi hòa nhạc thực thụ như quảng cáo, mà chỉ là một sự kiện của một nhãn hàng có phần âm nhạc.
Ở đó, nghệ sĩ được mời trình diễn lần lượt giới thiệu với khán giả, quan khách một số bản nhạc, cụ thể ở đây là 10 tác phẩm ngắn, khá dễ tiếp nhận.
Chương trình không hề có nội dung xuyên suốt, bằng chứng là còn có hai bản nhạc Trung Quốc Coloured clounds chasing the moon (Ren Guang) và Autumn moon over the calm lake (Lu Wencheng) xen giữa.
Đúng như lời Lang Lang nói tại buổi gặp gỡ báo chí trước khi diễn, chương trình mang đến những bản nhạc dễ nghe, chú trọng cảm xúc.
Lang Lang chính là người chọn tác phẩm để diễn sao cho "vừa" với khách hàng của hãng đồng hồ mà anh làm đại sứ, chứ hoàn toàn không có người giám tuyển (curator) hay giám đốc nghệ thuật với gu thưởng thức tinh tế để mang đến một thực đơn có ý tưởng sáng tạo và thẩm mỹ riêng, để có thể gọi đó là "concert".
Bởi thế, ở đây "đi nghe hòa nhạc" nên được thay là "đi dự sự kiện".
3. Sự hoang mang sau đêm Lang Lang còn ở cách thưởng thức âm nhạc của khán giả.
Chương trình còn khá nhiều ghế trống cho thấy tình trạng người cần nghe thì không có vé, và người có vé thì không cần nghe. Không ít chiếc điện thoại vẫn bật sáng trong lúc nghệ sĩ đang biểu diễn.
Một điểm "thâm căn cố đế" khác ở các đêm nhạc cổ điển ở ta là trong khi nghệ sĩ đã biểu diễn các tác phẩm khá ngắn, khán giả lại cứ thích vỗ tay nhiều, có lúc khiến người xem bị "hẫng" vì bài chưa hết đã... vỗ tay, dễ làm đứt mạch cảm xúc của cả người biểu diễn và người thưởng thức.
Nhà tổ chức cho biết trên sân khấu có hơn 100 khách hàng từ nhiều tỉnh, thành có mặt. Như vậy, đây đều là những khán giả đã bỏ ra tiền tỉ để sở hữu mỗi chiếc đồng hồ, kèm theo đó có vé mời tới đêm nhạc của Lang Lang.
Như thế phải... bớt hoang mang vì ngày càng có đông công chúng quan tâm tới nhạc cổ điển chứ nhỉ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận