"Tác động Lang Lang"

HOÀI CHI (THEO CNN) 05/12/2009 20:12 GMT+7

TTCT - Sau màn trình diễn xuất sắc tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, nghệ sĩ piano Lang Lang tiếp tục gây chấn động các khán phòng quốc tế. Báo New York Times gọi anh là “nghệ sĩ nóng bỏng nhất của thế giới nhạc cổ điển”.

Phóng to
Lang Lang trên sân khấu - Ảnh: Clemson.edu

Ơ tuổi 27, Lang Lang từ lâu đã là một ngôi sao lớn tại quê nhà Trung Quốc. Mười năm trước, sau khi may mắn được lựa chọn thay thế phút chót tại chương trình âm nhạc “Gala of the century” để trình diễn một concerto của Tchaikovsky cùng dàn nhạc giao hưởng thành phố Chicago, Lang Lang lập tức thu hút đông đảo khán giả Trung Quốc. Bây giờ khi anh rảo bước ngoài đường phố, những đám đông người hâm mộ vây lấy anh và không ngớt bấm máy ảnh.

Với mái tóc chải nhọn, phong cách ăn mặc phóng khoáng như một ngôi sao nhạc rock và kỹ thuật đùa giỡn cùng các hàng phím đen trắng điêu luyện, diễn dịch các nhạc phẩm cổ điển thành những giai điệu giàu chất hiện đại, Lang Lang thu hút giới trẻ đến với âm nhạc cổ điển, trở thành nguồn cảm hứng lôi kéo hàng triệu trẻ em Trung Quốc đến với cây đàn piano, tạo nên một hiện tượng được gọi là “The Lang Lang effect” (Tác động Lang Lang).

Tài năng và sức thu hút của Lang Lang khiến nhà sản xuất đàn piano danh tiếng Steinway đã sản xuất hẳn một loại đàn mang tên anh và đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ piano được Steinway lấy tên đặt cho đàn. Sự nổi tiếng của Lang Lang còn đem đến cho anh một danh sách các nhà tài trợ lớn khác: Hãng ghi âm Sony, ôtô Audi, trang phục Versace, giày Adidas...

Ngay từ thời Lang Lang còn bé xíu, cha mẹ cậu bé đã dành dụm tiền để mua cho con trai một cây đàn piano. Lên 3 tuổi, Lang Lang đã được học những bài vỡ lòng với cha, một người đã gắng sức nhiều nhưng vẫn thất bại khi chọn âm nhạc để theo đuổi. Năm lên chín, Lang Lang cùng cha từ giã quê nhà Liêu Ninh để chuyển đến Bắc Kinh nhằm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.

Thời khắc tồi tệ nhất xảy đến khi Lang Lang vì một lý do khó hiểu đã bị đuổi khỏi trường nhạc khiến cha anh nổi cơn lôi đình. Ông bảo với con trai rằng rất có thể ông sẽ tự tử bằng cách nhảy lầu nơi hai cha con đang cư ngụ. “Đó thật sự là giai đoạn khủng khiếp” - Lang Lang nhớ lại. Còn người cha kể với CNN sở dĩ ông phải tạo áp lực như vậy vì muốn con mạnh mẽ hơn: “Nếu thất bại trong việc trở thành nghệ sĩ ngoại hạng, nó chẳng là gì cả... Vì vậy nó phải ghi nhớ điều đó một cách nghiêm túc và không bao giờ được phép ngừng học hỏi”.

Năm 2008, Hiệp hội Ghi âm Mỹ (Recording academy), nơi hăng năm tổ chức trao giải Grammy danh giá, đã bình chọn Lang Lang là đại sứ văn hóa của Trung Quốc. Cùng năm này, Lang Lang cho xuất bản cuốn tự truyện thứ hai Journey of a thousand miles (Cuộc du hành ngàn dặm) được in bằng tám thứ tiếng sau tự truyện đầu tiên Playing with flying keys (Chơi đàn với những nốt nhạc bay cao) được viết riêng cho giới trẻ.

Năm 2009, Lang Lang sáng lập tổ chức Lang Lang International Music Foundation để gây quỹ và là nơi ươm mầm các tài năng âm nhạc trẻ em, trong đó riêng anh đóng góp 5 triệu USD. Cũng trong năm 2009, Lang Lang được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới với vị trí thứ 8 trong hạng mục nghệ sĩ.

Bên cạnh những tour biểu diễn riêng, thiên tài âm nhạc Trung Quốc hiện đang cộng tác với huyền thoại nhạc jazz Mỹ Herbie Hancock, người từng biểu diễn chung với Lang Lang tại lễ trao giải Grammy 2008, trong các tour diễn vòng quanh thế giới.

Tần suất các chuyến bay đi biểu diễn quá nhiều đến độ Lang Lang hóm hỉnh ví mình như một tiếp viên hàng không. Trong những chuyến bay ấy luôn có mặt cha mẹ của anh, những người đã làm tất cả để mở rộng hết mức tầm ảnh hưởng của “The Lang Lang effect”.

______________

Để hiểu thêm thế nào là “Tác động Lang Lang”, bạn đọc có thể vào trang web www.langlang.com/us/langlangeffect (lưu ý: máy tính của bạn cần phải cài QuickTime Player để có thể nghe các clip video Lang Lang trình diễn piano).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận