Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ chiều 31-8, Lang Lang chia sẻ về điều anh ấp ủ: đào tạo và truyền cảm hứng theo đuổi âm nhạc cổ điển cho những thế hệ tiếp theo.
Luyện tập khắc nghiệt và niềm đam mê
* Trước khi biểu diễn tại khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội tối 31-8, anh đề xuất có buổi nói chuyện với các cháu thiếu nhi đang học piano ở Hà Nội. Vì sao anh lại muốn có hoạt động này trước buổi diễn?
- Tôi cũng chẳng phải ngại gì không thừa nhận rằng mình là sản phẩm của sự đào tạo, thậm chí tới mức cao nhất của từ đó!
Có hai cách để một người tiếp cận với việc học nghệ thuật rồi thành tài: một là theo cách khắc nghiệt, hai là đam mê tự thân. Theo cách thứ nhất, tức là tập đàn ở mức độ kinh khủng, chịu những sức ép tới tận cùng từ gia đình, giáo viên giảng dạy và cả bản thân. Tôi đã trải qua mức độ cao nhất của cách thức đó.
Khi còn bé, vì sự nghiệp âm nhạc của tôi mà bố từng đặt trước mặt tôi lọ thuốc kháng sinh liều cao và nói rằng tôi uống 30 viên, ông uống từng đó, hai bố con tự tử. Tất cả chỉ vì người giáo viên dạy tôi lúc đó nói rằng tôi không có khả năng.
Sau đó, mà thực ra trước đó rồi, tôi tuân thủ thời gian biểu tập đàn luôn hơn 15 giờ trong 1 ngày. Tôi muốn nói rằng áp lực tập đàn và trở thành nghệ sĩ số 1 đã có với tôi từ khi còn rất nhỏ.
Nhưng ngược lại, tôi yêu cây đàn piano cũng từ rất nhỏ. Thậm chí như trong cuốn tự truyện của mình, tôi đã chia sẻ rất thật rằng âm nhạc và cây đàn từng có lúc là tiếng nói duy nhất của tôi với cuộc sống.
Tôi là tổng hòa của sự luyện tập đến khắc nghiệt từ khi còn rất nhỏ, cũng như niềm đam mê âm nhạc với cây đàn một cách tự thân và rất mạnh mẽ.
Chính vì thế, khi đã thành công, điều mong muốn nhất của tôi là được truyền nghề, được thực hiện công việc đào tạo những nghệ sĩ trẻ. Và cũng bởi vậy, quay lại Việt Nam, tôi muốn gặp các em nhỏ yêu thích cây đàn piano. Tôi muốn truyền thêm cảm hứng theo đuổi nghệ thuật cho các em.
* Đọc tự truyện của anh rồi lên mạng tìm hiểu về mối quan hệ giữa anh và gia đình, đặc biệt là cha mình, tôi rất suy nghĩ. Trong các buổi lên lớp cũng như những buổi đào tạo trong quỹ dành cho tài năng trẻ của mình, có phải anh chọn một phương pháp đào tạo tài năng piano khác với cách mà anh đã phải chịu đựng khi còn nhỏ?
- Điều mà tôi sẽ nói với các bạn nhỏ Việt Nam, cũng như đã nói với tất cả những bạn nhỏ đang theo đuổi cây đàn piano mà tôi từng gặp: Tài năng đến đâu, đam mê tới mức nào thì khối lượng công việc lớn nhất không phải là nghĩ về những thứ đó, mà là luyện tập.
Dù bạn là ai, dù bạn mang dòng máu nào trong cơ thể, người Việt Nam, người Trung Quốc hay Mỹ, Nam Phi, muốn thành tài, bạn PHẢI luyện tập chăm chỉ đã.
Nhưng sau đó là sự truyền cảm hứng và niềm tin. Các bạn không luyện tập chăm chỉ thì tôi chịu, chẳng giúp được gì. Nhưng nếu các bạn luyện tập chăm chỉ, điều đó thể hiện ngay qua mỗi nốt nhạc các bạn tạo ra trên ngón tay mình. Và từ đó tôi bắt đầu giúp các bạn nghĩ về chuyện nốt nhạc đó có cần và có thể làm gì để hay hơn không.
"Đừng đòi hỏi ai cũng trở thành nghệ sĩ tài năng"
* Nhưng rồi sự chăm chỉ và thậm chí thành công, vinh quang có thể sẽ lại gặp những thách thức như chính anh đã gặp, một chấn thương gân tay. Làm sao để vượt qua và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với cây đàn?
- Trước hết là sự cộng hưởng của niềm tin. Tôi và gia đình đã vô cùng sốc khi biết tình trạng chấn thương cách đây 2 năm. Đặc biệt khi bác sĩ nói rằng tôi phải nghỉ chơi đàn một thời gian, đó là điều rất kinh khủng. Tôi phải điều chỉnh toàn bộ nhịp sống vốn đã quen thuộc với mình rất nhiều năm (luyện tập, biểu diễn...).
Nếu thời điểm đó, tôi đẩy bản thân vào những suy nghĩ tiêu cực, mọi chuyện sẽ rất tệ. Nhưng rất may tôi có gia đình, bạn bè và những người cộng sự xung quanh. Họ giúp tôi nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và nhanh chóng điều chỉnh sự việc theo hướng tích cực.
Giảm thời gian tập đàn, tôi tăng thời gian cho gia đình, bạn bè, cho các buổi lên lớp, cho các hoạt động giải trí cá nhân mà lâu nay mình không có thời gian thực hiện... Và khi mọi thứ đã ổn, tôi trở lại cùng cây đàn với sự hứng khởi tuyệt vời.
Tất cả những điều đó đạt được nhờ niềm tin. Tôi tin đó không phải là kết thúc sự nghiệp và mọi người xung quanh tiếp cho tôi niềm tin đó. Và tôi vượt qua được thời gian khó khăn.
* Giống như ở Trung Quốc, quê hương anh, rất nhiều vị phụ huynh Việt Nam bây giờ vẫn đặt kỳ vọng con cái trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt với âm nhạc. Anh có chia sẻ gì với họ không?
- Như tôi nói rồi, theo đuổi âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc hàn lâm, thì điều đầu tiên là phải chăm chỉ luyện tập. Chẳng có cách nào khác cả. Hãy xây dựng cho các em một nếp luyện tập chăm chỉ.
Nhưng kỳ vọng phải đặt đúng chỗ. Nếu tôi không đam mê tự thân như tôi đã chia sẻ ở trên, nếu tôi không được sinh ra bởi hai con người với niềm đam mê nghệ thuật đến mức cực đoan nhưng vì hoàn cảnh lịch sử phải từ bỏ, và nếu tôi không gặp những người thầy cũng như sự may mắn như thế, tôi cũng không thể là Lang Lang của ngày hôm nay đâu.
Âm nhạc trước hết là tiếng nói của tâm hồn. Nếu các em không đam mê hay chẳng có khả năng, hãy truyền cho các em khả năng cảm nhận vẻ đẹp của âm nhạc. Biết nghe nhạc đã quý rồi, đừng đòi hỏi ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ tài năng.
* Anh có rất nhiều fan ở Việt Nam, nhưng cũng không ít người cho rằng anh là nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển mà tạo hình ảnh với truyền thông có vẻ "showbiz" quá. Anh đã nghe nói về phản ứng đó bao giờ chưa?
- Không mới đâu. Từng có những người hâm mộ và cả đồng nghiệp thẳng thắn nói với tôi điều đó. Tôi không giận ai nói với mình như vậy vì tôi có quan điểm của mình. Đơn giản lắm, ước mơ từ nhỏ của tôi chính là thực hiện được ước mơ của cha mẹ tôi: tôi trở thành nghệ sĩ piano số 1. Và muốn vậy thì tôi cần cả thế giới biết tôi là ai.
Nếu được cả thế giới biết đến bạn vì tài năng của bạn và bạn truyền cảm hứng cho rất nhiều người với thành công của mình, điều đó có gì là sai đâu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận