26/09/2017 16:09 GMT+7

Di dân tự do ở Tây Nguyên - Kỳ 2: Đi không báo, đến không khai

THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC
THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC

TTO - Cũng như nhiều “xã di cư tự do” ở Tây Nguyên, xã Cư K’Bang (Ea Súp, Đắk Lắk) gần như không kiểm soát nổi số dân trước tình trạng người dân tự do đến, tự do đi...

Di dân tự do ở Tây Nguyên - Kỳ 2: Đi không báo, đến không khai - Ảnh 1.

Ngôi nhà tạm của một gia đình vừa "nhảy dù" vào sinh sống ở thôn 14, xã Cư K’Bang (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Xã này đang đối diện với nguy cơ đói nghèo vì hàng trăm hộ dân thiếu đất ở và đất sản xuất.

Đến rồi lại đi

Vào giữa trưa, chúng tôi đến thôn 14, xã Cư K’Bang, một trong những "điểm nóng" di dân tự do của nhiều năm qua. 

Chúng tôi gặp bà Thào Thị Nữ đang nhổ đậu phộng thuê trên mảnh nương giữa thôn. Bà cho biết người chồng Vàng Seo Lòng đang làm thuê trên rẫy xa, hai con trai 6 tuổi và 8 tuổi đang ở tạm trong nhà một người quen ở thôn 14.

Bà Nữ cho biết vừa từ thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) đến đây khoảng nửa tháng trước, đang dự định lên khai báo với thôn trưởng. 

Năm 2008, đôi vợ chồng người Mông này đã rời xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) di cư vào thôn 14, xã Cư K’Bang lập nghiệp. Sau hai năm làm rẫy, nghe bên huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai đất màu mỡ hơn, họ bán đất ở Cư K’Bang rồi dắt nhau sang Chư Prông. 

Hai năm sau, họ lại bán rẫy ở Chư Prông để chuyển sang Đắk R’Lấp mua rẫy. "Tình hình ruộng rẫy cũng không vừa ý lắm" - bà Nữ nói lý do vợ chồng bà chuyển về lại thôn 14 của xã Cư K’Bang này tiếp tục tìm cơ hội mưu sinh.

Cách chỗ làm của bà Nữ không xa là vợ chồng ông Giàng A Sự và bà Phùng Thị Sa cũng đang làm vườn thuê. 

Vợ chồng người Mông này dắt díu bốn người con nữa đến xã Cư K’Bang hôm 23-6 và trú tạm ở nhà một người quen tại thôn 14. 

Vốn ở bản Suối Cù, xã Kim Bôn, huyện Phú Yên (tỉnh Sơn La) năm 1994 họ rời quê vào huyện biên giới Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa lập nghiệp. 

Sau 10 năm kinh tế không khá hơn, họ dời vào xã Cư K’Nia, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) lập rẫy. Sau ba năm thấy chưa khá hơn, họ kéo nhau sang chỗ hiện tại.

Tương tự là vợ chồng ông Vàng A Lâu và Sùng Thị Cang, người Mông quê ở xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) mấy năm trước cùng hai người con di cư tự do vào xã Đăk Ha, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông). Đến nay thì chuyển sang Cư K’Bang "tìm hướng làm ăn".

Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà nửa tôn, nửa gỗ tuềnh toàng và trống hoác của ông Ngô Văn Vàng ở gần cuối thôn 14. 

Ông Vàng cũng vừa dựng nhà mới đây, vợ chồng ông mới chuyển từ huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) về đây từ hai tháng trước, sau gần 10 năm chuyển vào từ Cao Bằng mà làm ăn không được. Vợ chồng ông đi vắng, chỉ có bốn đứa nhỏ đang chơi đùa trên chiếc giường gỗ bề bộn quần áo cũ.

Trong khi hỏi chuyện các con trai ông Vàng, chúng tôi thấy sau nhà có một nhóm người đứng lấm lét sau mấy tấm ván thủng lỗ chỗ. 

Đó là gia đình người em của ông Vàng là Ngô Văn Thào với bảy nhân khẩu vừa từ thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) di cư sang đây từ tối hôm trước. 

"Ở bên Krông Bông không đủ đất, làm thuê cũng không ra nên phải sang đây tìm cách thôi!" - vợ ông Thào cho biết dự định sẽ tá túc vài hôm, sau đó tìm cách làm thuê, mua đất làm rẫy để ở lại đây.

Dân số Tây Nguyên tăng 6,5 lần

1

Những dãy nhà mới của người di cư tự do dựng lên rìa các thôn 14, 15, xã Cư K’Bang (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, năm 1975 dân số Tây Nguyên khoảng 1 triệu người. Đến năm 2004 là gần 4,7 triệu.

Kết quả điều tra dân số ngày 1-4-2014 là 5.504.560 người. Đến nay dân số Tây Nguyên ở mức 6,5 triệu người...

Theo phân tích của một chuyên gia, trong số 5,5 triệu người gia tăng giai đoạn 1975-2017, dân di cư tự do chiếm hơn phân nửa.

Những "sổ đời tạm"

Chúng tôi tìm gặp trưởng thôn 14 là ông Đào Văn Dỉa, khi đang ghi chép "sổ sách" dưới hiên một căn nhà gỗ tạm bợ, xung quanh là mấy người đồng bào váy màu sặc sỡ quen thuộc đến từ vùng núi phía Bắc. 

"Tôi đang gọi người ta đến để nhập vào sổ tạm trú mấy gia đình vừa tới cho đúng tên tuổi, số lượng nhân khẩu" - ông Dỉa nói khi những cái váy xòe dạt ra chừa ghế cho khách ngồi. 

Đó là sổ "Các hộ tạm trú" ghi trong một cuốn tập học sinh được vị thôn trưởng gọi đùa là "sổ đời tạm".

Trong trang cuối cuốn tập ghi rõ mới đây thôi, ngày 7-8, xã này xuất hiện một gia đình ba nhân khẩu người Mông đến từ tỉnh Cao Bằng. Người chồng là Sùng Văn Hầu, sinh năm 1999; vợ là Thào Thị Ái sinh năm 2000 và con gái là Sùng Thị Xuân Mai sinh năm 2017.

 Kế đến là một gia đình bốn nhân khẩu cũng người Mông đến từ Sơn La, tên người chồng là Giàng A Pô Mua, vợ là Thao Thị Mị và hai con. Trước đó, vào ngày 22-7 có đến ba gia đình.

Di dân tự do ở Tây Nguyên - Kỳ 2: Đi không báo, đến không khai - Ảnh 4.

Thôn trưởng Đào Văn Dỉa và cuốn "sổ đời tạm" cứ dài ra nhưng nội dung không trùng khớp thực tế vì người dân tự do đến tự do đi - Ảnh: THÁI LỘC

Họ đến ở trà trộn như vậy với người quen làm sao mà mình biết ngay được. Có người dẫn vợ con vào mười mấy ngày rồi mới báo cho mình. Cũng có người đến, người dân báo mới nắm được. Thỉnh thoảng thôn cũng đi điều tra nhưng họ cứ chuyển đi, chuyển đến, đi không báo mà đến cũng không khai!

Thôn trưởng Đào Văn Dỉa

Thực ra, cuốn "sổ đời tạm" của thôn trưởng Đào Văn Dỉa chỉ là sự thống kê tương đối số người đến thôn 14 này, bởi có nhiều trường hợp người ta đến sinh sống cả 10 ngày nửa tháng hoặc lâu hơn vị thôn trưởng mới biết để kê khai vào sổ. 

Bởi địa bàn thì rộng, nhà ở lác đác, người dân cứ tự do dọn đi hoặc kéo đến bất kể đêm hay ngày. 

Và khi đến cứ ở tạm trong nhà người quen, có trường hợp tự khai báo nhưng cũng có trường hợp gần cả tháng sau hàng xóm mới mách cho thôn trưởng biết mà kê khai.

Ông Đàm Văn Hà, chủ tịch UBND xã Cư K’Bang, thừa nhận di dân cứ tự do đi và đến, cả đêm lẫn ngày không ai quản lý được. 

Đến nay, xã Cư K’Bang còn khoảng 150 hộ dân chưa có đất ở và 380 hộ chưa có đất sản xuất, vậy mà người di dân vẫn lũ lượt kéo đến, cả công khai lẫn lén lút.

"Chúng tôi nói hết đất ở, đất sản xuất không còn nữa, vào xã không sinh sống được đâu, đừng vào làm gì, nhưng họ vẫn kéo đến, công khai không được thì lén lút!". 

Cũng theo ông, dân số xã tăng quá nhanh làm tăng đói nghèo, phá vỡ mọi quy hoạch của xã, trạm y tế và trường học quá tải, nóng nhất vẫn là quản lý và bảo vệ rừng, giữ vững an ninh trật tự.

**********

>> Kỳ tới: Sống đời... nguyên thủy

THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên