Thông báo về học phí năm học 2016-2017 của Trường ĐH Tân Tạo niêm yết bằng đôla Mỹ - Ảnh: M.Giảng |
TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - cho biết ngay trong ngày 12-9, bộ đã yêu cầu Trường ĐH Tân Tạo báo cáo các vấn đề liên quan đến học phí, đào tạo và cấp phát văn bằng.
Quan điểm của bộ là nếu trường làm sai, họ phải giải trình và đề xuất hướng khắc phục. Khi nhận được báo cáo của trường, các cơ quan liên quan của bộ sẽ kiểm tra chi tiết các vấn đề nêu trên, căn cứ theo quy định hiện hành.
Phải yêu cầu mới cấp bằng Việt
Trong khi đó, liên quan đến việc cấp bằng ĐH do chủ tịch hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến ký, ông Trần Dương - giám đốc truyền thông và sinh viên vụ Trường ĐH Tân Tạo - cho biết đây là chủ trương của trường và trường sẽ tiếp tục cấp bằng theo kiểu Mỹ cho sinh viên tốt nghiệp vào tháng 10-2016.
Theo ông Dương, trường sẽ cấp hai loại bằng tốt nghiệp cho sinh viên - một theo mẫu của Mỹ và một theo mẫu của Việt Nam. Với chương trình đào tạo của trường được Bộ GD-ĐT phê duyệt, cho phép đào tạo theo chương trình của ĐH Rice (Mỹ) nên bằng ĐH trường cấp cho sinh viên theo mẫu của Mỹ.
Những sinh viên nào muốn trường cấp bằng theo mẫu của Việt Nam phải làm đơn yêu cầu. Cũng theo ông Dương, hiện có bốn sinh viên đã được cấp bằng tốt nghiệp năm 2015 có đơn yêu cầu cấp bằng ĐH theo mẫu Việt Nam. Ngày 15-9, trường đã làm việc với các sinh viên này về việc cấp bằng ĐH theo mẫu Việt Nam và bằng này sẽ do phó hiệu trưởng nhà trường Michael Lộc Phạm ký.
Phải chăng đây là cách xử lý mang tính đối phó của trường sau khi báo chí phản ánh việc trường cấp bằng trái quy định? Bởi theo quyết định xét công nhận tốt nghiệp do bà Đặng Thị Hoàng Yến ký ngày 9-5-2015, tại mục quyền hạn cấp bằng ĐH có nêu rõ: căn cứ vào quyết định công nhận tốt nghiệp, chủ tịch hội đồng ĐH và chủ tịch hội đồng khoa học & đào tạo ký, đóng dấu của trường vào bằng tốt nghiệp ĐH cho những người được đào tạo ở trường mình.
Như vậy, hoàn toàn không có thông tin nào cho biết trường sẽ cấp bằng tốt nghiệp theo mẫu của Việt Nam, do hiệu trưởng ký cho sinh viên. Thực tế, những bằng tốt nghiệp cấp cho sinh viên vào tháng 10-2015 đều thực hiện theo quyết định này, bằng do ông Malcolm Gillis - chủ tịch hội đồng khoa học & đào tạo và bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch hội đồng quản trị, ký.
Chúng tôi đặt vấn đề với Bộ GD-ĐT: theo quy định, một chương trình đào tạo chính quy tại Việt Nam liệu có được cấp bằng không theo chuẩn Việt Nam từ nội dung đến ngôn ngữ? Việc cấp đến hai loại bằng tốt nghiệp cho người học có đúng quy định về cấp phát văn bằng? Nếu đó là chương trình liên kết đồng cấp bằng thì liệu chương trình này đã được cấp phép? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết bộ sẽ kiểm tra các nội dung này.
Thay đổi chính sách về học bổng
Trong khi học phí của Trường ĐH Tân Tạo tăng đến 40% so với năm học trước thì năm nay, điều kiện để được nhận học bổng lại hết sức ngặt nghèo. Điều đáng nói là trường lại liên tục điều chỉnh các tiêu chí để cắt giảm học bổng cho sinh viên.
Theo một sinh viên ngành y, học kỳ đầu tiên, tất cả sinh viên đều được trường cấp học bổng và thông báo điều kiện để tiếp tục nhận học bổng là điểm trung bình của kỳ đạt 3,4 (thang điểm 4). Tuy nhiên đến học kỳ sau, trường nâng điều kiện nhận học bổng lên 3,6, kỳ sau tiếp tục nâng lên 3,8. Học kỳ II năm học 2015 - 2016, trường tiếp tục siết điều kiện nhận học bổng khi chỉ lấy 5% trong số sinh viên đạt mức 3,8 để cấp học bổng.
V.D. - sinh viên năm 4 ngành y của trường - kể: “Học kỳ 2 năm ngoái, khoa y có 10 sinh viên đạt điểm trung bình từ 3,8 trở lên nhưng trường chỉ lấy 5%, tức là chỉ có 0,5 sinh viên được cấp học bổng và như vậy không có sinh viên nào được cấp học bổng cả! Năm nay, trường lại nâng mức điểm để xét cấp học bổng lên mức tuyệt đối 4,0 và phải có hai bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín.
Rõ ràng những lời hứa ban đầu về việc cấp học bổng trường đã không thực hiện đúng, dù sinh viên đã rất nỗ lực đạt điểm học tập cao”. Còn một sinh viên khác cho hay lúc tư vấn tuyển sinh, trường hoàn toàn không nói gì về việc bồi thường học bổng nếu nghỉ học giữa chừng, nay lại đề cập đến...
Về những thắc mắc nói trên của sinh viên, ông Trần Dương cho rằng học bổng là một món quà, không phải là nghĩa vụ bắt buộc hay trách nhiệm của trường. “Nhà trường căn cứ vào nguồn quỹ của học bổng để quyết định trao bao nhiêu suất, xét từ trên xuống nên có thể thay đổi tiêu chí tùy tình hình của quỹ học bổng ở thời điểm đó” - ông Trần Dương giải thích.
Liên quan đến việc trường tăng học phí đến 40% so với năm học trước và tăng học phí 15% mỗi năm từ năm học này, ông Dương nói rằng không phải trường ấn định năm nào học phí cũng tăng 15%, có thể tăng hoặc không tăng. Nếu tăng thì mức trần là 15%.
Niêm yết học phí bằng ngoại tệ Theo quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối theo quy định, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác không được thực hiện bằng ngoại hối. Thế nhưng toàn bộ học phí, thông báo học phí cùng các chi phí khác của Trường ĐH Tân Tạo đều được tính bằng đôla Mỹ. Khi đóng học phí, sinh viên sẽ đóng bằng tiền Việt. Với trường hợp chuyển khoản, tỉ giá áp dụng theo tỉ giá chuyển khoản của Vietcombank tại ngày thanh toán. Về việc này, ông Trần Dương cho rằng trong mọi thông báo, nhà trường đều quy đổi đôla Mỹ ra tiền Việt ở thời điểm hiện tại và thu bằng tiền Việt. Tuy nhiên, theo các thông báo về học phí của trường mà chúng tôi có được, ngoại trừ học phí các môn thể chất, quốc phòng niêm yết bằng đôla Mỹ có quy đổi tương đương tiền Việt thì các khoản học phí, ăn, ở ký túc xá đều niêm yết bằng đôla Mỹ. Trước đây từng có trường ĐH tại Việt Nam bị phạt 500 triệu đồng vì niêm yết học phí bằng ngoại tệ. |
Giảng viên đề nghị Bộ GD-ĐT can thiệp Hơn 20 giảng viên khoa y Trường ĐH Tân Tạo - là những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ uy tín - đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT đề nghị giải quyết những điều bất hợp lý và trái luật đang diễn ra ở đây. Các vấn đề do tập thể giảng viên nêu ra gồm: tăng học phí trái Luật giáo dục, cấp bằng không đúng chuẩn, đuổi việc nhân viên không có lý do chính đáng, trường không có hiệu trưởng nhiều năm nay, không có đại diện giảng viên trong hội đồng quản trị, không có ban kiểm soát, không công khai báo cáo tài chính... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận