Sinh viên khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: CTV
Theo quyết định mở ngành do PGS.TS Ngô Phương Lan - hiệu trưởng nhà trường - ký, khoa báo chí và truyền thông được giao nhiệm vụ đào tạo ngành này.
Việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả học tập, cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định của trường.
Đây là trường đại học đầu tiên tại phía Nam đào tạo thạc sĩ báo chí.
TS Trần Văn Thắng - trưởng phòng sau đại học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết khóa đầu tiên dự kiến tuyển 25 chỉ tiêu, thi tuyển vào tháng 5-2021.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) bắt đầu đào tạo ngành báo chí từ năm 1992. Thời gian đầu bộ môn báo chí thuộc khoa ngữ văn - báo chí. Bộ môn báo chí đảm nhận nhiệm vụ quản lý và đào tạo chuyên ngành báo chí.
Ngày 2-4-2007, bộ môn báo chí tách khỏi khoa ngữ văn - báo chí, trở thành bộ môn trực thuộc trường. Đến tháng 8-2007, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM ký quyết định thành lập khoa báo chí và truyền thông.
Năm 2015, khoa báo chí và truyền thông được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á (AUN-QA).
Khoa báo chí và truyền thông hiện nay có 20 cán bộ giảng dạy. Ngoài ra, tham gia giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo còn có sự cộng tác thường xuyên của hơn 90 giảng viên mời giảng là giảng viên của trường, cán bộ quản lý báo chí, nhà báo và các chuyên gia truyền thông nhiều kinh nghiệm.
Hằng năm, khoa báo chí và truyền thông quản lý và đào tạo gần 1.000 sinh viên (gồm các lớp chính quy, văn bằng 2 và tại chức) tại TP.HCM và một số tỉnh ở khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận