29/04/2016 06:00 GMT+7

Dẹp người mua mới dẹp được chợ tự phát?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Sở Y tế TP.HCM vừa gửi kiến nghị đến UBND TP đề xuất giải tỏa 100% chợ tự phát trên địa bàn khu vực TP.HCM. Vậy dẹp chợ tự phát thế nào? Người mua, người bán về đâu?

Người dân buôn bán tự phát ở hẻm 81 Phan Kế Bính, sát hông chợ Đống Đa - Ảnh: Phan Thành

Người dân buôn bán tự phát ở hẻm 81 Phan Kế Bính, sát hông chợ Đống Đa - Ảnh: Phan Thành

Bên cạnh việc đề nghị thành lập thí điểm cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM còn đề nghị dẹp 100% chợ tự phát với mục tiêu chung là quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rất nhiều người ủng hộ đề xuất này vì cho rằng đây là một trong những biện pháp giúp hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan.

Không những vậy, việc dẹp chợ tự phát còn giảm bớt kẹt xe, đem lại trật tự cho khu vực dân cư, đồng thời cải thiện mỹ quan đô thị.

Chợ tự phát dành cho ai?

Việc dẹp chợ tự phát có thật sự giúp hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan?

Tuy nhiều khu chợ tự phát bốc mùi hôi thối, xả rác bừa bãi, gây kẹt xe, ô nhiễm không khí và mỹ quan đô thị nhưng người dân vẫn chuộng mua bán tại những địa điểm này.  

Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ vì vậy là do chợ tự phát có vị trí thuận tiện, gần khu vực dân cư, giá thành cũng rẻ hơn so với thực phẩm ở siêu thị hay chợ chính thống vì người bán không phải trả tiền thuê mặt bằng.

“Nhiều người cũng có thói quen đi làm về tấp luôn vào chợ vỉa hè mua đồ, đỡ phải mắc công gửi xe. Do vậy những khu vực có chợ tự phát thường đông đúc người dân đậu xe bên đường để mua đồ, gây nên tình trạng kẹt xe” - bạn đọc Minh Phương nói.  

Một số bạn đọc cho rằng sở dĩ họ chuộng các khu chợ vỉa hè vì chúng gần khu dân cư nơi họ sinh sống. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất chính quyền nên nghiên cứu xem khu vực nào chợ tự phát phát triển mạnh thì nên thành lập chợ chính thống hoặc siêu thị tại khu vực đó để người dân tiện mua bán.

Theo nhiều bạn đọc, muốn dẹp chợ tự phát phải bắt đầu vận động từ người dân. Người mua không mua, làm sao người bán ở chợ tự phát tồn tại?

Câu chuyện không dễ...

Theo KTS Trương Nam Thuận - Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nếu xét về mỹ quan đô thị và văn minh của môi trường dân cư thì dẹp chợ tự phát là đúng. Tuy nhiên lấy đó làm cơ sở để dẹp nguồn thực phẩm bẩn thì chưa hiệu quả.

“Đây chỉ là một biện pháp nằm trong chuỗi giải pháp nhằm cải thiện vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Dẹp chợ tự phát không có nghĩa là sẽ ngăn chặn được nguồn thực phẩm bẩn tràn lan. Nhu cầu thực phẩm mỗi ngày của người dân thành phố là không thay đổi. Không được bán ở chợ tự phát thì thực phẩm bẩn vẫn có thể đến tay người tiêu dùng theo nhiều con đường khác.

Dẹp chợ tự phát đem lại cảm giác an toàn hơn, tuy nhiên lượng thực phẩm bẩn vẫn như thế, bị cấm chỗ này thì lại “tuồn” qua chỗ khác” - KTS Trương Nam Thuận cho biết.

Theo KTS Trương Nam Thuận, gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của TP.HCM là quá lớn, nguồn sản xuất thực phẩm sạch không đủ khả năng cung cấp hết.  

Đồng tình với ý kiến trên, TS Võ Mai - phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn VN - cho rằng tình trạng thực phẩm bẩn phải được giải quyết từ khâu sản xuất, về cơ bản vẫn nằm ở việc kiểm soát đầu vào hơn là chặn đầu ra.

KTS Nguyễn Hữu Thái cho rằng việc dẹp chợ tự phát cũng góp phần đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Thái, thực phẩm ở chợ chính thống hay siêu thị cũng chưa chắc là an toàn, nếu chúng ta cứ thả lỏng việc kiểm tra như hiện nay.

Cần đặc biệt quan tâm tạo kế sinh nhai cho người dân

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, dẹp chợ tự phát không chỉ liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân.

Để dẹp chợ tự phát, không thể chỉ dùng các biện pháp hành chính thông thường mà cần một quy trình gồm nhiều bước, trong đó có việc xây dựng, quy hoạch khu chợ mới tạo điều kiện cho người dân buôn bán.

“Cần phải suy xét đến khía cạnh xã hội. Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến cuộc sống của người dân cũng phải xem xét ở góc độ nhân văn, con người. Cho nên tôi cho rằng kèm theo các quyết định hành chính thì thành phố phải chuẩn bị các phương án giải quyết việc làm cho người dân buôn bán thật cụ thể” -  PGS.TS Lưu Đức Hải nêu ý kiến.

Có thể tính đến biện pháp cho người dân vay vốn để thuê sạp bán hàng trong chợ chính thức. Cần phải nghĩ đến nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ là một quyết định hành chính.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Võ Mai cho rằng chủ trương dẹp chợ tự phát là đúng, nhưng trước khi dẹp phải tìm cách tạo kế sinh nhai cho người dân.

Không thể dẹp chợ tự phát trong ngày một ngày hai

Theo KTS Nguyễn Hữu Thái, không thể trong ngày một ngày hai dẹp hết chợ tự phát, mà phải rà soát và có quy hoạch các điểm buôn bán trên từng địa phương, kể cả các điểm buôn bán tự phát cũ, cái nào cần duy trì, cái nào nên dẹp hẳn. Các chợ truyền thống cũng phải nằm trong quy hoạch mới này.

 “Ở một số nước, điển hình như Singapore, vẫn duy trì các điểm buôn bán tự phát nhưng quy hoạch, sắp xếp lại gọn gàng, ngăn nắp và nhất là sạch sẽ. Ở Pháp vẫn nhìn thấy các chợ địa phương diễn ra theo mùa, luân phiên các điểm trong tuần theo lịch trình rõ ràng, khá hấp dẫn và ngăn nắp.

Còn ở nước ta, chợ tự phát xuất hiện quá hỗn độn, gây mất trật tự công cộng. Phải lên kế hoạch làm theo lộ trình và mục tiêu cuối cùng là cho vào nề nếp, không nên để kiểu tự phát nhếch nhác như hiện nay” - KTS Nguyễn Hữu Thái cho biết.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> PGS.TS Lưu Đức Hải:

>> TS Võ Mai:

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục