08/03/2017 17:43 GMT+7

Dẹp loạn vỉa hè: Dân đã thuận, đừng ‘bỏ bóng đá người’

HOÀNG LINH
HOÀNG LINH

TTO - Trong thăm dò do Tuổi Trẻ Online, 80% bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với các biện pháp kiên quyết trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè.

Nhà dân buôn bán chiếm hết lề đường đoạn gần hẻm 124 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Xe cộ xuôi ngược rối loạn gây kẹt xe thường xuyên tại khu vực này - Ảnh: HỒ ĐỨC
Hơn 10 căn nhà nằm hẳn trên lề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, Quận Bình Thạnh bao nhiêu năm qua. Người đi bộ, xe gắn máy chen chúc dưới lòng đường khiến khu vực này kẹt xe gần như cả ngày - Ảnh: HỒ ĐỨC

Vỉa hè thật ra đã bị "đánh cắp" mất từ rất lâu. Đến năm 1995, Nghị định 36-CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ra đời. Nghị định này đưa ra nhiều quy định chặt chẽ cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Đây là cơ sở pháp lý để người dân cũng như chính quyền lấy lại vỉa hè bằng các quy phạm pháp luật cụ thể. Thế nhưng, tình hình vẫn không chuyển biến.

Ai "đánh cắp" vỉa hè?

Những năm 2000, kinh tế phát triển, đặc biệt là ngành hàng ăn uống, vui chơi giải trí, làm cho cuộc tranh giành, "mua bán" vỉa hè càng trở nên gay gắt hơn. Nhưng thực tế, nhà nước không thu được đồng thuế nào từ vỉa hè.

Đến trước thời điểm lập lại trật tự vỉa hè, đi trên những con đường có mãi lực mạnh của các thành phố lớn sẽ thấy các bãi giữ xe chiếm trọn vỉa hè một cách ngang nhiên, còn ôtô thì chiếm trọn cả con đường.

Không ai dám khẳng định không có chuyện những vỉa hè này đã bị "mua bán", được bảo kê bởi những “cây chống lưng”. Cho nên nó không còn là vấn đề của những người buôn bán bởi vỉa hè đã nằm trong tay một số ông chủ lớn.

Nhưng thật ra, những ông chủ lớn cũng chưa phải là người hưởng lợi lớn nhất. Họ là người thu lợi trực tiếp từ vỉa hè nhưng phải “nộp tô” cho những “cây chống lưng”.

Không còn là đồn đại, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã công khai chỉ ra những "cây chống lưng" gây ra nạn loạn vỉa hè. Đó là một số người có trách nhiệm ở địa phương như bí thư, chủ tịch và công an.

Việc "chỉ tay day mặt" lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của chính lực lượng công an và cả chính quyền mà chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu khiến tất cả những người có "sân sau" đều phải giật mình.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói công an bảo kê quán bia vỉa hè, tỉ lệ đáng kinh ngạc 150/180. Chủ tịch Hà Nội thẳng thắn: “Khi làm Giám đốc Công an thành phố, tôi thống kê trên 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau. Nên chỉ cần quán triệt mấy ông công an là tốt hết”.

Đoàn kiểm tra đập bỏ bức tường bên hông tòa nhà Bộ Công thương - Ảnh: THUẬN THẮNG
Đoàn kiểm tra đập bỏ bức tường bên hông tòa nhà Bộ Công thương - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trước nhiều lãnh đạo quận, huyện, ông Chung đặt câu hỏi có ai dám cam đoan các điểm trông giữ xe không có người nhà mình? “Các bãi xe quanh bến Mỹ Đình là người nhà ai, xem có phải quê Bắc Ninh không, tôi không tiện nói ra ở đây”, ông Chung nói.

Phải đánh vào nhóm lợi ích

Người đứng đầu chính quyền thủ đô dẫn chứng, có điểm bán hoa quả mỗi tháng nộp 3 triệu cho công an, ông đã gọi công an quận ra và từ đó quầy hoa quả không bày bán nữa. Hay có cửa hàng nằm giáp ranh 3 quận, các đoàn kiểm tra xuống cứ đổ cho nhau vì “cả 3 ông đều thu tiền”.

Câu hỏi đặt ra là ông Nguyễn Đức Chung nói nhưng có làm đến tận cùng không?

Thứ nhất tỉ lệ 150/180 là có thể tin được, không phải vì ông Chung từng làm giám đốc Công an. 17 năm làm trinh sát ở địa chỉ lừng danh số 7 Thiền Quang (Cảnh sát Hình sự Hà Nội) khiến ông Chung biết rõ Hà Nội như lòng bàn tay của mình.

Việc bộc lộ sự thật đáng sợ, ai cũng biết nhưng không ái dám nói ra chứng tỏ quyết tâm rất cao của người đứng đầu chính quyền Hà Nội. Chúng ta chờ xem và hy vọng.

Trong cuộc chiến giành lại vỉa hè đang diễn ra khắp nước, có lẽ quan điểm của ông Chung làm người dân quan tâm hơn cả bên cạnh thái độ kiên quyết dẹp loạn vỉa hè của TP.HCM.

Chắc chắn phải là như vậy, một cuộc cách mạng xã hội xóa bỏ cái sai luôn luôn phải nhắm vào những kẻ thực sự hưởng lợi từ cái sai đó chứ không phải là nạn nhân, dù nạn nhân đôi lúc cũng hưởng lợi.

Vỉa hè sẽ không bị chiếm nếu dân không thấy bãi xe của ông cán bộ nào đó còn hiện hữu trong khi hàng quán của mình phải dẹp đi.

Người dân sẽ tự biết thay đổi việc, sắp xếp việc buôn bán của họ nếu như họ không còn nhận được cái im lặng ưng thuận đổi chác từ phía lực lượng cán bộ phường.

Kỷ cương, trật tự pháp quyền đâu thể được duy trì chỉ bằng xe ủi và cần cẩu, để rồi khi cơn bão đi qua, đâu lại hoàn đấy.

Nhát búa của cuộc cải tổ nếu cần thiết phải đánh vào chính giới quan chức là “cây chống lưng” chứ không phải dành cho lề đường hay tài sản của người dân.

Quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM và Hà Nội đã làm thuận lòng dân. Người dân chờ mong những biện pháp tình lý, kiên quyết, trúng nhóm lợi ích hơn là cứ sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều rượt đuổi người bán hàng rong theo kiểu “bỏ bóng đá người”.

HOÀNG LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên