Trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo” cho các nhà báoTác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió
Phóng to |
Trung tá nhà báo Phan Tùng Sơn (giữa) kể về những chuyến tác nghiệp trên quần đảo Trường Sa - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Sáng 21-6, đông đảo bạn trẻ yêu thích nghề báo đã có buổi giao lưu với hai khách mời là phóng viên Viễn Sự - phóng viên báo Tuổi Trẻ và Trung tá - nhà báo Phan Tùng Sơn (phó trưởng cơ quan đại diện phía Nam báo Quân đội nhân dân) về cách tác nghiệp trên biển Đông tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM.
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã được nghe 2 khách mời kể về cách tác nghiệp trong sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tháng 5-2014 và tác nghiệp trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Phóng viên Viễn Sự - một trong những người đầu tiên tác nghiệp ở khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 chia sẻ: Bất kỳ nhà báo nào cũng mong muốn được đi tác nghiệp ở những điểm nóng, tuy điều đó không phải là dễ dàng.
"Nhà báo phải có đủ sức khỏe, kiên nhẫn, luôn đeo bám quyết liệt trước tất cả thông tin có liên quan, đồng thời phải trang bị đầy đủ kỹ năng tác nghiệp mới có thể đem được những thông tin chân thực và đầy đủ nhất cho đọc giả", nhà báo Viễn Sự nói.
Nhà báo Phan Tùng Sơn nhận định: “Khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của nước ta và có những hành động ngang ngược với tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và ngư dân Việt Nam đã tạo nên một làn sóng dư luận phản đối không chỉ người dân trong nước mà rộng ra là cả thế giới".
Anh chia sẻ thêm: “Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ những người lính đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo, tất cả mọi người đều rất kiên cường. Tôi sẵn sàng buông bút, cầm súng để chiến đấu, cho dù kẻ thù có mạnh đến đâu thì dân tộc ta cũng vững vàng bảo vệ Tổ Quốc”
Trả lời thắc mắc của bạn Nguyễn Thị Thanh - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM về tính chân thực, khách quan của báo chí Việt Nam khi đưa tin về chủ quyền lãnh thổ quốc gia và ý kiến trung lập của báo chí quốc tế khi đưa tin về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, cả hai nhà báo cùng khẳng định báo chí Việt Nam hoàn toàn chân thực, khách quan trong vấn đề này.
Phóng to |
Nhà báo Murayama (Nhật Bản) phỏng vấn Trung tá, nhà báo Phan Tùng Sơn về vấn đề chủ quyền, cách tác nghiệp trên biển - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Trung tá, nhà báo Phan Tùng Sơn nói: “Các nhà báo đi tác nghiệp ở khu vực Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đã đưa sự thật đến với độc giả chứ không hề đứng trên lập trường cá nhân để thông tin”.
Phóng viên Viễn Sự cũng nhắn nhủ: "Các bạn trẻ khi đọc báo cần tìm hiểu chi tiết cụ thể trên báo để có thể hiểu rõ ràng hơn về chủ quyền đất nước thông qua các Công ước, Luật biển quốc tế."
Vấn đề hậu trường tác nghiệp của các phóng viên trên biển Đông trong điều kiện khó khăn như thời tiết, những khó khăn khi tác nghiệp trên biển, dụng cụ hỗ trợ tác nghiệp, không có mạng Internet để chuyển thông tin về đất liền càng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ ở buổi giao lưu.
* Dịp này, câu lạc bộ Phóng viên trẻ - Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cũng đã tổ chức trao giải cuộc thi viết “Nghề báo trong tôi”. Phát động từ ngày 10-5, cuộc thi đã nhận được gần 80 bài viết trên cả nước gửi về.
Ông Nguyễn Quang Cường - Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM trao giải nhất cuộc thi viết cho tác giả Phạm An Hòa (báo Công an TP.HCM) - Ảnh: Thương Hoàng |
Giải nhất (tài khoản học kĩ năng mềm Online trị giá 3 triệu đồng) thuộc về tác giả Phạm An Hòa - báo Công An TP. HCM với tác phẩm “Vẫn yêu như ngày đầu”.
Giải nhì (tài khoản học kĩ năng mềm Online trị giá 2 triệu đồng) thuộc về bài viết “Những phận người tôi yêu” của tác giả Văn Quang (Đà Lạt)
Ba giải ba (tài khoản học kĩ năng mềm Online trị giá 1 triệu đồng) lần lượt được trao cho các tác phẩm “Chuyện thực tập” của Đỗ Thị Quỳnh Hoa (TP.HCM), “Vẫn bước” của Nguyễn Văn Hải (TP. HCM), “Và tôi chọn nghề báo” của Nguyễn Thanh Thảo (TP.HCM).
Chương trình do phòng Công nghệ thông tin và CLB Phóng viên trẻ (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21- 6-2014).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận