14/03/2017 09:45 GMT+7

Đến ngôi nhà của bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - 27 thầy thuốc trẻ được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch của Thành đoàn TP.HCM có những trải nghiệm đầy xúc cảm ở Bệnh viện Nhân Ái (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) - nơi điều trị những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

*** Error ***
Anh Lê Văn Nguyên, nhân viên bệnh viện, trò chuyện với anh D. - người đã nhiều năm điều trị ở Nhân Ái - Ảnh: Vũ Thủy

Người ta đã chọn xây Nhân Ái trên một quả đồi biệt lập nhưng đẹp đẽ với đồi cây xanh mướt mắt, những hồ nước xanh trong và khung cảnh núi non như một sự ưu ái với người bệnh.

Cảnh sắc thiên nhiên phần nào đó giúp họ quên đi căn bệnh vẫn còn chịu quá nhiều định kiến của xã hội. Chẳng phải người xa lạ mà chính người thân của họ vì sợ hãi nên ruồng rẫy.

8h sáng, khu C bệnh viện rộn ràng tiếng nhạc bài Cry on my shoulder. Bệnh nhân các phòng bệnh đều ra hành lang đi dạo, ngồi ghế đá trong khuôn viên nhẩn nha, thư thái trong ngày cuối tuần. Phòng bệnh nào cũng gọn gàng với chăn nệm ấm áp, sạch sẽ, tranh ảnh tươi tắn trên tường, tivi, loa nghe nhạc...

Phía sân trước, các bệnh nhân vây quanh anh T. đang cao hứng hát một liên khúc các bài hát vui nhộn. “Hát hay lắm. Hát nữa đi” - tiếng cười, tiếng vỗ tay rộn rã cổ vũ. Trong buổi sáng yên ả này, chẳng ai còn nhớ đây là khu dành cho bệnh nhân nặng, tuyến cuối cùng có riêng một cánh cửa ngách đi thẳng ra khu lạnh lưu giữ tử thi.

Các bác sĩ trong nhóm thầy thuốc trẻ nán lại ngay cửa phòng trò chuyện với anh D. - một bệnh nhân nam đã bảy năm được các y, bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái chăm sóc. Anh D. bảo bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của anh.

Ở đây các bác sĩ, y sĩ còn hơn cả người thân, thay gia đình chăm sóc bệnh nhân từ sức khỏe đến nơi ở. Với những người bệnh nặng, già yếu nằm liệt giường thì từ việc đút ăn, tắm rửa... các nhân viên bệnh viện đều tự tay làm hết.

Câu chuyện của anh D. (48 tuổi) khiến nhóm bác sĩ, y sĩ trẻ trong đoàn như chùng xuống. Trước đây anh D. là giám đốc một công ty nhỏ. Khi biết mình nhiễm HIV, anh như bị đẩy từ đỉnh núi xuống vực sâu, sức khỏe, tinh thần đều sa sút.

“Nhìn tui bây giờ và lúc mới được đưa vào đây sẽ không nhận ra là cùng một người đâu. Lúc đó chỉ còn da bọc xương, đến đi lại cũng không tự đi được” - anh D. kể.

Nhớ lại khoảng thời gian sức khỏe xuống dốc không phanh, anh D. bảo có lẽ không phải bệnh tật đã khiến anh như thế mà chính là nỗi sợ hãi, hơn hết thảy là sợ người xung quanh phát hiện đã ngấm ngầm đánh gục anh.

Rồi đến lúc mọi thứ hiển hiện rõ trên cơ thể anh, chẳng còn che giấu được nữa. Anh được đưa vào Nhân Ái. Các y, bác sĩ trong bệnh viện chính là người đã mang lại cho anh cuộc sống lần thứ hai khi anh đã gần như từ bỏ chính mình.

Ở Nhân Ái có quá nhiều số phận như anh D. khiến nhóm thầy thuốc trẻ ghé thăm cảm thấy xót xa và thêm cảm mến những đồng nghiệp tận tâm ở nơi hẻo lánh này.

Phần lớn cán bộ, nhân viên trong số hơn 200 bác sĩ, nhân viên của bệnh viện hầu như sống ngay trong bệnh viện, số khác lập gia đình cũng sống gần đó để làm công việc chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân AIDS.

Bác sĩ Trần Kim Anh - giám đốc bệnh viện - cho biết rất nhiều bệnh nhân AIDS nặng bị người thân ruồng bỏ hoặc không có người thân. Bệnh viện là gia đình, lo chăm sóc họ cho đến tận giây phút cuối đời. Bệnh viện xây dựng riêng một lò hỏa táng bằng ga, một khu nhà để cốt cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Kim Anh chia sẻ thêm: “Cuộc sống của bác sĩ, bệnh nhân ở đây còn nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi đều cố gắng để các bệnh nhân đang gánh chịu những định kiến của xã hội, bị chính người thân xa lánh có được những ngày tháng sống tử tế, được chăm sóc, yêu thương cho đến giây phút cuối đời”.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên