11/09/2017 10:52 GMT+7

Đến hẹn lại... lạm thu

NGUYỄN CAO
NGUYỄN CAO

TTO - Điệp khúc tiền trường cứ đến hẹn lại lên theo một kịch bản cũ sì nhưng vẫn hữu hiệu trong nhiều trường, nhiều địa phương.

Đến hẹn lại... lạm thu - Ảnh 1.

Câu chuyện lạm thu tiền trường khiến nhiều bậc phụ huynh chán ngán khi bước vào năm học mới. 

Trường nào cũng có nhu cầu xã hội hóa giáo dục để đầu tư cho cơ sở vật chất, đầu tư cho chuyên môn, những hoạt động ngoài giờ, tiền phát thưởng cho học sinh, tiền bảo vệ, tiền điện nước, tiền gửi xe, tiền xây tường rào, tiền đổ bêtông sân trường...

Có nghĩa là một số hiệu trưởng nhìn vào cái gì cũng thấy thiếu, cũng cần tiền mà kinh phí nhà trường thì có hạn nên nhà trường rất mong sự "chung tay" của phụ huynh trên tinh thần "tự nguyện".

Có điều, phần nhiều những lời kêu gọi về một quỹ tiền nào đó lãnh đạo nhà trường lại lên kế hoạch dự trù kinh phí từ trước và gửi đến phụ huynh, gửi đến từng lớp học. 

Ngày họp phụ huynh, các thầy cô chủ nhiệm sẽ liệt kê vô vàn khoản thu, những khoản vận động xã hội hóa để nhờ sự "chung tay" của các phụ huynh với các hoạt động giảng dạy của nhà trường. 

Vì thế, tinh thần "tự nguyện" không chỉ còn là chuyện phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi phụ huynh nữa mà đã trở thành sự "tự nguyện" bắt buộc. Hình thức "ai đồng ý với các khoản thu của nhà trường như đã nêu thì giơ tay" là câu cửa miệng để hợp thức hóa các khoản thu vì "phụ huynh đa số đã nhất trí".

Để tránh lạm thu, không ai khác chính là ban giám hiệu nhà trường phải thực sự đặt lợi ích của người học lên trên hết. 

Trường học công lập là nơi được ngân sách nhà nước cấp kinh phí đầu tư, xây dựng, chi trả lương và các hoạt động giáo dục thì mục tiêu chính phải là hướng tới môi trường giáo dục lành mạnh. Đặt mục tiêu là phát triển chất lượng giáo dục và hướng tới việc không để học sinh thất học vì nghèo. Vì thế, lãnh đạo nhà trường phải thực sự coi trọng việc phát triển giáo dục chứ không phải phát triển các khoản thu.

Đối với chính quyền địa phương phải giám sát chặt chẽ các khoản thu của nhà trường trong địa bàn mình quản lý. Tránh tình trạng trường xin thu cái gì cũng đồng ý mà dẫn đến việc phụ huynh cứ phải chịu trận những khoản tiền đóng góp vô lý từ năm này sang năm khác. 

Trong trường, các đoàn thể, các giáo viên cần lên tiếng về những khoản thu không phù hợp, phải nắm sát sao điều kiện kinh tế của học sinh lớp mình chủ nhiệm. Từ đó có những đề xuất, ý kiến về những khoản thu không hợp lý hoặc đề nghị miễm giảm cho những em học sinh khó khăn, những gia đình có nhiều con đang theo học.

Đối với hội cha mẹ học sinh cần phải có chính kiến rõ ràng, đứng về lợi ích của đa số phụ huynh trong trường. Hội cha mẹ học sinh cần bầu được những người có uy tín, dám nói, dám chịu trách nhiệm. Tránh tình trạng hội cha mẹ học sinh mà để hiệu trưởng nhà trường đề nghị thì vô tình chỉ là "con rối" trong tay điều khiển của nhà trường.

Đất nước còn nghèo, ngành giáo dục cũng còn nhiều khó khăn nhưng không phải vì thế mà cái gì cũng vận động, cũng xã hội hóa giáo dục. Những gia đình có điều kiện thì cảm thấy bình thường nhưng phần lớn các phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn thì việc nuôi nấng, đóng góp cho con em họ ở nhà trường sẽ chất chồng nỗi khó khăn, áp lực.

NGUYỄN CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên