11/05/2017 16:21 GMT+7

Đêm núm sen: Những con chữ phập phồng, tươi mới

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Trần Dần từng viết trong Những ngã tư và những cột đèn rằng “giữa hai cuộc chiến, là nhật ký”, chứng tỏ ông đã ý thức được địa vị chứng nhân của mình...

*** Error ***
Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: T.T.D.

Địa vị phải sống, phải viết, phải ghi lại, phải ký thác đau thương của một dân tộc vào những con chữ để làm bất tử cho cả một thời.

Cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản của ông - Đêm núm sen - một lần nữa tái khẳng định điều đó.

Phải mất bảy năm giữa ngổn ngang những trang di cảo, gia đình Trần Dần mới cho ra mắt tiểu thuyết mới nhất của ông.

Bảy năm trong hành trình hơn năm mươi lăm năm dằng dặc, kể từ lúc tác giả hoàn thành bản thảo đến lúc công chúng có dịp đọc tác phẩm.

Trong suốt hơn năm mươi lăm năm thăng trầm biến động của thời cuộc, có những lúc tuyệt vọng tưởng như không gượng dậy được, vậy mà Trần Dần vẫn bền bỉ sáng tạo, tựa hồ con kiến cần mẫn, thầm lặng làm tròn thiên chức của mình.

Có phải vì thế mà nhà thơ đã dùng hình ảnh loài kiến để xây dựng nên thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết này, từ anh kiến Gầy đến nàng kiến Sứa, từ những địa danh hư cấu như phố Bồ Đào, phố Gầm Cầu đến những phố Hàng Ga, phòng tuyến Chèm, những địa danh có thật của Hà Nội.

Cuộc phiêu lưu trong thế giới côn trùng của Trần Dần đi từ tưởng tượng đến hiện thực, xóa nhòa ranh giới giữa kiến và người, người và kiến, đưa độc giả vào một không gian khép kín của bức tranh thời chiến, đóng chặt thời gian bằng những tiếng tích tắc, từ đó không còn phân biệt được đâu là cuộc chiến tranh ác liệt của loài kiến trong ngôi làng tưởng tượng với cuộc chiến vệ quốc của loài người giữa thủ đô Hà Nội.

Phá vỡ lớp vỏ trơ khấc của một ngụ ngôn loài vật để biến tiểu thuyết trở thành thiên sử thi của chiến tranh và hòa bình, của tình yêu và thân phận, của những ngày đau thương mà lấp lánh tình người.

Trần Dần đã thắp tiếp ngọn lửa cảm hứng mà ông đã thổi lên từ tiểu thuyết đầu tay Người người lớp lớp.

Hình ảnh người người lớp lớp đi trên con đường vận mệnh của đất nước, gần chục năm sau, tiếp tục hành trình của mình để bước vào Đêm núm sen, dưới thân phận những con kiến tuy bé nhỏ mà kiên trung, không chịu khuất phục trước sức mạnh của kẻ thù, loài côn trùng mà sau này nhà văn Pháp Bernard Werber đã dành hẳn ba thiên tiểu thuyết để nói về chúng - một giống loài bền bỉ, giỏi chịu đựng và bí ẩn.

Có thể hình dung quá trình lao động của Trần Dần cũng giống như loài kiến, ta thường khó lần ra đường đi của kiến cũng như kho tàng mà chúng cất giấu. Trần Dần cũng vậy, trong những ngăn tủ lưu dấu thời gian kia, không biết còn bao nhiêu bản thảo đang chờ đợi được đến tay người đọc?

Được hoàn thành từ năm 1961, Đêm núm sen là gạch nối giữa Người người lớp lớp với Những ngã tư và những cột đèn.

Những con chữ như thực thể sống, phập phồng, cựa quậy cứ thế nương theo cảm xúc mà sinh sôi trên những trang văn rồi đây sẽ thành tiền đề cho những cách tân táo bạo hơn, biến thành những ruộng chữ, những ô chữ, thành thứ thi giới văn chương ở bên ngoài thời gian và không gian, giữa nhân sinh vào ảo thế.

Cầm quyển Đêm núm sen trong tay, lòng bồi hồi. Năm mươi lăm năm đã trôi qua, vậy mà từng câu từng chữ trong đó vẫn tươi mới đến vậy.

Lặng nghe những con chữ từng nằm yên trên những trang giấy mục, mơ một ngày những ngăn tủ còn khóa lại được mở ra, để độc giả thấy được hết những gì đẹp đẽ nhất của một đời văn.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên