08/05/2017 21:00 GMT+7

Đêm núm sen: soi kính lúp để tìm chữ Trần Dần

NHO QUÂN
NHO QUÂN

TTO - Tìm được phần thất lạc bản thảo 'Đêm núm sen', con trai tác giả cẩn thận dò từng chữ của cha để cho ra mắt tiểu thuyết này, sau 56 năm nằm trong ngăn kéo...

Bà Ngọc Khuê - vợ cố tác giả, và con trai Trần Trọng Văn bên chân dung Trần Dần - Ảnh: NHO QUÂN
Bà Ngọc Khuê - vợ cố tác giả, và con trai Trần Trọng Văn bên chân dung Trần Dần - Ảnh: NHO QUÂN

Ngày 5-5, cuốn Đêm núm sen của Trần Dần rời nhà in đến các hiệu sách ở Hà Nội. Ngay lập tức, trên trang Facebook nhiều người yêu văn chương đã chia sẻ hình ảnh cuốn sách, bày tỏ niềm vui khi được thưởng thức tác phẩm.

Nhưng trước khi đến được tay bạn đọc, tiểu thuyết đã đi một chặng đường dài 56 năm.

Sự trở lại của bản thảo ố vàng thời gian

Đêm núm sen vốn được Trần Dần hoàn thành vào năm 1961, rồi cất vào ngăn kéo. Khoảng 30 năm sau đọc lại, ông thấy mất vài trang và thất lạc cả một chương sách.

Trong phần di cảo, ông hai lần xót xa về sự thất lạc này. Khi thì ông viết: “Chuột bọ gặm nhấm nát hết? Chỉ còn cứu lại được vài trang này trong cả chương X? Ngay cái tên chương cũng mất? Bạn đọc tha hồ tưởng tượng theo mạch truyện”.

Cũng có khi ông tự gọi mình là “Tư Mã Nằm”, rồi ông thở dài: “Người ta có thể trách tôi đủ thứ! Kém trách nhiệm? Vô ý thức bảo quản tác phẩm? Cẩu thả? Buông lung? Không dạy được vợ con ý thức bảo tàng? Những điều kể ra cũng có cơ sở? Cũng đáng trách đấy?... Song chậc? Tư Mã thở dài… “Mất rồi thì thôi”.

Nhưng Trần Dần không thể ngờ rằng 20 năm sau ngày ông qua đời, các con ông đã tìm được phần thất lạc của tiểu thuyết. Anh Trần Trọng Văn - con trai thứ hai của nhà thơ - kể thỉnh thoảng anh đọc di cảo của cha. Trong đó ông có nói đã viết ba tiểu thuyết, và đôi chỗ nhắc chuyện tác phẩm bị thất lạc vài chương, đoạn.

Năm 2013, anh Văn tình cờ đọc trong di cảo và phát hiện ra những trang rời rạc của một tiểu thuyết viết về loài kiến, đem ghép với Đêm núm sen thì đó đúng là những trang thất lạc.

Những trang giấy này rời rạc, có vẻ lắt nhắt, nhưng cũng chiếm dung lượng khoảng nửa chương sách. Nhưng kể cả khi ghép những đoạn rời này, tác phẩm vẫn chưa hoàn chỉnh.

Một lần, anh Trọng Văn cằn nhằn về chuyện bản thảo của cha bị thất lạc. Mẹ anh (bà Bùi Thị Ngọc Khuê) lúc này đã ngoài 80 tuổi nhớ ra trong phòng mình có một tập giấy của chồng. Bà lấy ra cho con ghép lại thì quả nhiên là cả một chương sách trong Đêm núm sen bị thất lạc.

Giống như một phần chân, tay tách rời nay được nối liền với cơ thể, Đêm núm sen trở lại hoàn chỉnh. “Cả hai lần tìm được phần bị lạc đều như một định mệnh rằng tác phẩm sẽ được ra mắt hoàn chỉnh ấy” -  anh Văn nói.

Vì trước đó, khi xuất bản Những ngã tư những cột đèn của Trần Dần vào năm 2010, đã có một vài ý định xuất bản Đêm núm sen. Nhưng họa sĩ Trần Trọng Vũ - con trai út Trần Dần - vốn là một người kỹ lưỡng, yêu tác phẩm của cha vô hạn đã ngăn lại, với mong muốn một ngày tác phẩm ra mắt hoàn chỉnh.

Sách “Đêm núm sen” - Ảnh: NHO QUÂNSoi kính lúp tìm chữ của cha

Đêm núm sen viết theo kiểu truyện đồng thoại. Tác phẩm viết về thế giới loài kiến, với nhân vật chính là Kiến Gầy. Kiến Gầy sinh ra, lớn lên, rồi phải lòng một cô gái đẹp vô ngần tên là Sứa.

Thế giới tưởng tượng ấy là câu chuyện đẹp về tình yêu với những phập phồng, thẹn thùng, nhớ nhung, đau khổ, say đắm.

Nhưng tình yêu của Gầy bị ngăn trở, chia cách... Trong thế giới tưởng tượng ấy là câu chuyện của chiến tranh, nơi những phận kiến-người, người-kiến bị nghiền nát tất cả: cuộc sống yên bình, tình yêu…

Nếu như cuốn tiểu thuyết Những ngã tư những cột đèn xuất bản trước đây của Trần Dần được thán phục bởi lối viết, thì Đêm núm sen được ca ngợi bởi sự sáng tạo trong ngôn từ.

Khi tìm được các phần khuyết thiếu của tiểu thuyết, anh Trần Trọng Văn đã ngồi đánh máy lại từng trang viết của cha. Có những chỗ bản thảo đã thủng, rách. Chữ viết bằng bút mực lâu ngày cũng phai mờ ít nhiều, anh Văn phải dùng kính lúp soi từng chữ rồi gõ lại.

Văn chương của Trần Dần vốn là sự sáng tạo chữ, nên ngôn từ phong phú, anh Trọng Văn tự nhận là phải “trầy vảy” mới đánh máy được bản thảo của cha.

Sau khi có bản thảo, họa sĩ Tạ Huy Long đã dày công minh họa cho cuốn sách với 23 bức tranh được in kèm. Qua quá trình dài biên tập, Đêm núm sen đến với bạn đọc vào tháng 5-2017.

Trần Dần (sinh năm 1926 - mất năm 1997), ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Một số tác phẩm của Trần Dần đã xuất bản: Trần Dần thơ, Đi! Đây Việt Bắc, Những ngã tư và những cột đèn, Người người lớp lớp...

NHO QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên