08/01/2019 16:30 GMT+7

Đêm hội ngộ giới start-up Việt TFI: “Đã qua thời khởi nghiệp B2C”

S.C
S.C

Đó là một trong những nhận định của các nhà đầu tư lớn tại sự kiện hội ngộ giới start-up Việt hằng năm do Topica Founder Institute tổ chức vào ngày 28-12 vừa qua.

Sự kiện quy tụ các nhà sáng lập, cố vấn và đại diện các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước. Tại sự kiện năm nay, buổi thảo luận "Xu hướng đầu tư 2019" bởi ông Trần Việt Đức - Phó Tổng giám đốc IDG Ventures, bà Dương Quỳnh Phương - Phó Chủ tịch Openspace Ventures, và ông Dương Hữu Quang - Phó tổng giám đốc Tổ hợp giáo dục công nghệ Topica thu hút nhiều sự quan tâm của những nhà sáng lập khởi nghiệp và các đại diện quỹ đầu tư khác.

"Nếu khởi nghiệp, tôi sẽ chọn B2B"

"Nếu tôi khởi nghiệp, tôi sẽ mạo hiểm 5 năm đầu tiên để tập trung vào một lĩnh vực mới - đó là thực hiện các nền tảng giữa các doanh nghiệp (B2B platform)", ông Trần Việt Đức khẳng định. 

Theo ông, trong thời gian qua, các công ty khởi nghiệp dường như chỉ đang hướng đến người dùng cuối (end-user) và bỏ quên sự tiềm năng kinh doanh của dịch vụ kết nối các doanh nghiệp do số lượng doanh nghiệp trên thị trường ít, cơ cấu và hoạt động của công ty chưa đủ lớn và phức tạp.

Đồng ý với nhận định này, ông Mai Duy Quang, Đồng Giám đốc Topica Founder Institute tiết lộ: "Một phần ba thương vụ gọi vốn năm 2016 tại Việt Nam đến từ học viên TFI và đúng là chúng tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay những founder khởi nghiệp trong lĩnh vực B2B"

Chỉ trong 3 quý đầu tiên năm 2018, hơn 96 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập tại Việt Nam(1) và đang tìm kiếm đối tác doanh nghiệp tiềm năng. Với thị trường rộng mở như hiện nay, khi đã có quá nhiều công ty hướng đến người dùng cuối, thì các start-up B2B sẽ có tiềm năng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và phát triển mạnh.

Đêm hội ngộ giới start-up Việt TFI: “Đã qua thời khởi nghiệp B2C” - Ảnh 1.

B2C (doanh nghiệp - người tiêu dùng) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trong cuộc thảo luận, bà Dương Quỳnh Phương đã dẫn chứng từ báo cáo của Google & Temasek Đông Nam Á, bốn ngành có tiềm năng phát triển tốt nhất chính là thương mại điện tử (e-commerce), vận tải (transportation), du lịch (travel) và truyền thông (media). 

Điển hình, tại Đông Nam Á, trong năm 2010-2015, riêng ngành e-commerce chiếm 37% nguồn vốn đầu tư, và chiếm 7,9% số lượng start-up mới thành lập(2), và đến năm 2018, e-commerce trong khu vực đạt đến 23 tỷ USD, và dự đoán sẽ vượt 100 tỷ USD vào năm 2025(3). 

Tại Việt Nam, Tiki liên tục nhận được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước, và gần đây nhất là giá trị đầu tư 44 triệu USD từ JD giai đoạn C. Chỉ trong vòng 1 năm 2018, có hơn 4 start-up về mảng vận tải như FastGo, Go-Viet, Vato,Be,... ra đời để cạnh tranh với Grab.

Ngoài ra, bà Phương cũng nhận định, những ngành đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như fintech, edtech (công nghệ giáo dục) và healthtech sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.

Công nghệ sẽ là yếu tố tạo nên thành công của start-up

Dù là kinh doanh trong lĩnh vực B2B hay B2C, thì các nhà đầu tư đều đồng ý rằng: Công nghệ sẽ là chìa khóa để dẫn đến thành công của các start-up hiện nay và trong thời gian tới.

Ông Dương Hữu Quang nhận xét: "Nếu các bạn start-up có đủ năng lực, kinh nghiệm và điều kiện, hãy đầu tư sớm vào các mảng dữ liệu lớn (big data), máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây sẽ là những thế mạnh và điểm khác biệt của các bạn trong thời gian tới". 

Áp dụng công nghệ tiên tiến vào khởi nghiệp tưởng chừng như rất khó, nhưng theo ông Quang, các start-up hoàn toàn có thể làm được. Điển hình, các fintech trong nước đã ứng dụng tốt công nghệ để thành công trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng đang bão hòa. 

Ông Quang cũng cho biết thêm, tại Trung Quốc, một số start-up chỉ có 8-10 người, nhưng họ đã dự đoán được thị trường của tương lai, tập trung đầu tư vào AI, machine learning và gọi vốn thành công hàng triệu đô. Phần lớn các unicorn edtech (những start-up có tốc độ tăng trưởng cao, đạt giá trị trên 1 tỷ USD trong thời gian ngắn) trên thế giới đầu tư rất mạnh về big data, machine learning và AI.

Đồng quan điểm đó, ông Đức cũng nhận xét: "Công nghệ chuỗi khối (blockchain) sẽ chính là công nghệ của tương lai, như Internet của những năm 2000".

Với công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian để vận hành ở nhiều khâu khác nhau. "Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ không còn là cuộc cạnh tranh về vốn hay sức người nữa mà công nghệ chính là "vũ khí" tạo nên sự thành công cho start-up thời gian tới", các nhà đầu tư nhận định.

Đêm hội ngộ giới start-up Việt TFI: “Đã qua thời khởi nghiệp B2C” - Ảnh 2.
TFI là chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan do Topica Edtech Group và Founder Institute Global phối hợp tổ chức từ 2011 (Founder Institute là chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon với hơn 100 chi nhánh quốc tế). Các doanh nghiệp tốt nghiệp Topica Founder Institute (TFI) đã gọi được hơn 30 triệu USD từ các quỹ đầu tư quốc tế, TFI được bình chọn là một trong các "lò luyện startup" lớn nhất Đông Nam Á. Các startup tốt nghiệp nổi bật: Appota, Atadi, Beeketing, Hoayeuthuong, Kyna, Logivan, Monkey Junior.


S.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên