Các em học sinh hào hứng với trò chơi cắm cờ tên đảo VN - Ảnh: Đức Triết |
Các em nhỏ từ sớm đã theo chân bố mẹ xếp hàng mua vé để lần đầu tiên được thưởng thức “hương”, “vị” Hoàng Sa, Trường Sa do những người con của biển mang về ngay giữa thủ đô.
Ngay từ lối dẫn vào khu khuôn viên của bảo tàng, trẻ em Hà Nội đã được lựa chọn rất nhiều sân chơi của riêng chương trình. Có em ngồi xuống chiếu và hỏi bố mẹ hay các anh chị tình nguyện viên đâu là vỏ sò, vở ngao, vỏ trai... để rồi tưởng tượng và ghép lại thành những gấu trúc, ngôi nhà mơ ước...
“Em rất yêu biển vì biển cũng là một phần của VN. Em yêu những người lính ngày đêm canh gác biển đảo. Em mong không có chiến tranh để các chú hải quân, kiểm ngư viên được về nhà ngay...” (Trích Hoàng Phi Anh, lớp 3 Trường tiểu học Sơn Tây) |
Có em hì hụi tô màu những bức tranh về chú hải quân, về ngọn hải đăng đêm ngày rực sáng giữa biển trời. Nhiều học sinh tiểu học đã gãi đầu, ngẩn mặt để nghĩ xem cần cắm cờ đảo Phú Quốc, Cô Tô, Hoàng Sa, Trường Sa... ở đâu trên bản đồ đất nước, hay để trả lời ở những hòn đảo ấy có lễ hội gì và sau đó các em lẩm nhẩm tự ghi nhớ tên biển đảo của Tổ quốc mình.
Khu vực sân khấu chính ngay trước nhà Cánh diều thu hút khách tham quan đông hơn cả. Nhiều trẻ ngồi bệt xuống cỏ vây quanh sân khấu để được xem và nghe những điệu hò xứ Quảng như Hò bả trạo, Hò kéo lưới của các ngư dân Bình Sơn hay múa Đấu chiêng và múa Tá đáo của người Co...
Khắp không gian tiếng hò vang vọng: Hùi mà khoan, sóng nước mênh mông/giữ yên biển đảo quê hương/biển trời của ta...
Xem không chớp mắt những trò diễn xướng dân gian ấy, bé Nguyễn Thị Hồng Nhung - học sinh lớp 4, Trường tiểu học Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội - hào hứng: “Nhà cháu cách bảo tàng hơn 30km. Bố mẹ đã đón xe buýt để cho hai anh em cháu đến đây. Nghe lời hát, nhìn các động tác cháu biết các ông các bà ở Quảng Ngãi diễn về cảnh chèo thuyền ra biển để đánh bắt cá...”.
Tại đây, hai lão ngư Võ Hiển Đạt (80 tuổi) và Dương Minh Thanh (60 tuổi) đều đến từ Lý Sơn kể chuyện lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, về chuyện cha ông thuở xưa và con cháu ngày nay dong buồm ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thu hút nhiều người nghe. Câu chuyện trực tiếp từ chính những người dân mang màu da của biển, giọng nói của biển làm người thưởng lãm thủ đô thêm nhiều cảm xúc, biển xa như hiển hiện.
Ngoài ra trong khu ẩm thực, nhiều bạn nhỏ đã được bố mẹ cho thưởng thức bát canh don, tô cơm với cá bống sông Trà. Khi ra về, các bậc phụ huynh ấy cũng không quên mua thêm túi hành, túi tỏi của đảo Lý Sơn...
“Món lạ” cho người Hà Nội Em yêu biển đảo là sân chơi chính trong chuỗi sân chơi của chương trình Trung thu 2014 được Bảo tàng Dân tộc học tổ chức. Hơn 30 ngư dân đến từ Bình Sơn, Trà Bồng, Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia trình diễn. “Chúng tôi rất vui vì dịp Tết Trung thu năm nay được đãi các em nhỏ và cả người dân Hà Nội các tiết mục, món ăn vừa mang tính chất văn hóa địa phương vừa chứa đầy chất biển cả của người dân Quảng Ngãi” - ông Cao Chư, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận