Đoạn trên cao thuộc metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Nội dung này vừa được Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (TP.HCM) đề xuất trong văn bản góp ý về đề cương nhiệm vụ gói thầu tư vấn đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gửi cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.
Theo công ty này, ngày 14-12-2020 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư 32/2020, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 31/2018 quy định về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị.
Theo khoản 1, điều 22 thông tư 32/2020, về quy định chuyển tiếp, đối với dự án đường sắt đô thị có hợp đồng xây dựng được ký trước ngày Luật đường sắt 2017 có hiệu lực (ngày 1-7-2018) thì không thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Trường hợp chủ đầu tư có ký kết hợp đồng thì thực hiện theo quy định nhưng không thực hiện thẩm định an toàn hệ thống.
Về vấn đề trên, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết tuyến metro số 1 có các gói thầu xây lắp chính ký hợp đồng với nhà thầu trước năm 2018 nên thuộc phạm vi điều chỉnh theo khoản 1 điều 22 thông tư 32/2020 nêu trên. Mặt khác, đến thời điểm này metro số 1 chưa ký hợp đồng thuê tư vấn đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.
Dù dự án thuộc đối tượng không phải thuê tư vấn đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, tuy nhiên theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, tuyến metro số 1 là tuyến đầu tiên của TP.
Việc được tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín thực hiện đánh giá và chứng nhận công tác bảo đảm an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác sẽ tăng cường độ tin cậy cho dự án. Qua đó giúp người dân yên tâm, tin tưởng khi đi lại trên tuyến này.
Cũng theo thông tư 32/2020 của Bộ Giao thông vận tải, đường sắt đô thị có hợp đồng xây dựng được ký sau ngày Luật đường sắt 2017 có hiệu lực đều phải được tổ chức chứng nhận đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.
Cụ thể, chủ đầu tư lựa chọn đơn vị có năng lực để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho tuyến đường sắt đô thị. Sau khi có kết quả, gửi báo cáo đánh giá cho Cục Đường sắt Việt Nam.
Trên cơ sở phối hợp với các cục liên quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ thẩm định và nếu đạt sẽ cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống cho dự án trước khi đưa vào vận hành, khai thác.
Cần thiết đánh giá an toàn hệ thống
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị theo thông tư 32/2020, một chuyên gia giao thông cho rằng đường sắt đô thị chưa từng có ở Việt Nam, bây giờ mới sắp sửa đưa vào khai thác. Đây là một loại hình vận tải chở rất nhiều người, rất mới ở Việt Nam nên vấn đề chất lượng, an toàn trong thi công và khai thác phải đặt lên hàng đầu.
Do đó cần phải hiểu những gì là văn minh của thế giới, nhân loại đã tích lũy như phải có tổ chức kiểm định đánh giá an toàn hệ thống độc lập đường sắt đô thị trước khi đưa vào khai thác thì cần phải làm, dù dự án triển khai vào thời điểm trước hay sau khi Luật đường sắt có hiệu lực. Bởi vì việc này liên quan đến tính mạng con người nên làm trước hay sau khi Luật đường sắt có hiệu lực đều có ý nghĩa.
Cũng theo chuyên gia này, bản chất một công trình phục vụ lợi ích của nhân dân thì an toàn là trên hết nên thế giới văn minh họ đã viết nên quy trình, chúng ta đi sau nhưng không đánh giá an toàn hệ thống một loại hình rất mới là không được.
"Còn nếu cho rằng ngày xưa có một nhà thầu A, B, C nào đó ký hợp đồng làm đường sắt đô thị ở Việt Nam mà không có điều khoản thuê tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống thì có hai cách. Một là báo cáo Thủ tướng xin ý kiến.
Hai là hỏi ở quốc gia của nhà thầu này một đường sắt đô thị trước khi đưa vào hoạt động có thuê tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống hay không. Nếu có thì ở Việt Nam cũng phải làm như thế" - vị này nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận