16/01/2021 09:27 GMT+7

Phải đảm bảo an toàn cho metro số 1 sau hai sự cố gối cao su

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Với sự cố rớt và xê dịch 2 gối cao su tại metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cùng các chuyên gia đang tăng tốc tìm nguyên nhân.

Phải đảm bảo an toàn cho metro số 1 sau hai sự cố gối cao su - Ảnh 1.

Công nhân thi công đường ray tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án này dự kiến cuối năm 2021 sẽ đưa vào vận hành, khai thác; việc làm rõ nguyên nhân và có đánh giá toàn diện để tuyến metro số 1 vận hành tuyệt đối an toàn là rất cần thiết.

Các bên bước đầu nhận định gì?

Theo một chuyên gia giao thông, gối cao su là bộ phận nối từ dầm cầu xuống mố trụ, có tác dụng như tấm đệm chịu tải và giảm lực của kết cấu nhịp truyền xuống mố trụ. Gối cao su giúp việc kết nối dầm và mố co giãn ít, tạo sự đàn hồi. Nếu gối hư hỏng, hệ thống bên trên ray tà vẹt, trụ cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Hai tháng qua, tại gói thầu CP2 thuộc dự án metro số 1 xuất hiện một số hiện tượng bất thường. Đầu tiên là hôm 30-10-2020, chủ đầu tư đã phát hiện 1 gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn VD14 -10 (đoạn gần dốc Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức) rơi khỏi đá kê gối.

Vụ việc chưa tìm ra nguyên nhân thì mới đây, ngày 5-1-2021, lại phát hiện một gối cao su tại dầm VD12-34 (nằm giữa khu vực 2 ga Bình Thái và ga Thủ Đức) có dấu hiệu bị xẹp, dịch chuyển so với vị trí ban đầu. Dầm cầu cạn đã thi công vào năm 2016.

Đây là vị trí thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) do liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) làm tổng thầu.

Trước đó, ngày 23-12-2020 liên danh SCC đã có báo cáo phân tích nguyên nhân bước đầu sự cố, trong đó nêu 3 khía cạnh gồm: thiết kế, vật liệu và thi công.

Về vật liệu, SCC đánh giá mặc dù gối cầu cho dự án này có hai loại nhưng trước khi đưa vào lắp đặt đã được thử nghiệm cần thiết để chứng minh rằng gối cầu đáp ứng yêu cầu thiết kế.

Còn kết quả kiểm tra hiện trường, SCC nhận định bề mặt bệ tiếp xúc với gối không bằng phẳng dẫn đến mất tiếp xúc với gối và bề mặt bêtông.

Theo SCC, kết luận tiếp theo cần phải chờ kết quả thí nghiệm của gối bị rơi. Mặc dù thí nghiệm đã đáp ứng đầu vào, tuy nhiên kết quả thí nghiệm gối bị rơi sẽ là cần thiết để xác minh chất lượng sản phẩm, ví dụ như sự hư hỏng vật liệu thô, khả năng chịu ma sát...

Phải đảm bảo an toàn cho metro số 1 sau hai sự cố gối cao su - Ảnh 2.

Vị trí xảy ra vụ gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn VD14 -10 rơi khỏi đá kê gối cuối tháng 10-2020 - Ảnh: LÊ PHAN

Rớt gối cao su là đơn lẻ hay có tính hệ thống?

Trong khi đó, đơn vị thiết kế thuộc tổng thầu là Công ty Systra đánh giá giai đoạn thiết kế đã thực hiện hoàn toàn phù hợp với quy định.

Đơn vị đưa ra quan điểm nếu bề mặt trên và dưới đá kê gối không đồng nhất có thể khiến cho gối cao su không tiếp xúc đồng đều. Từ đó, gối sẽ kém ổn định có thể tạo ra sự dịch chuyển không mong muốn.

Công ty Systra cũng yêu cầu cần phải thực hiện thí nghiệm tất cả loại gối để lắp đặt trong dự án. "Sự thay đổi về đặc tính của vật liệu cũng có thể là một trong yếu tố dịch chuyển của gối.

Sự việc này cần phải đánh giá và các hành động khắc phục phải được đề xuất để tránh xảy ra tình huống tương tự trong tương lai, đảm bảo an toàn cho gối cầu" - Công ty Systra đánh giá.

Sau khi phát hiện gối cầu thứ hai bị xê dịch, các chuyên gia tổ rà soát nguyên nhân sự cố rớt gối cao su metro số 1 của TP.HCM đã đặt hàng loạt câu hỏi cho tư vấn và nhà thầu liệu vấn đề này là đơn lẻ hay có tính hệ thống và đến nay các câu hỏi hiện chưa được làm rõ.

Theo thống kê, gói thầu CP2 đoạn trên cao sử dụng khoảng 1.168 gối cao su gồm hai loại Mageba của Hàn Quốc (chiếm gần 50%) và Kawakin (Nhật Bản). Trong hai gối cao su bị phát hiện xê dịch và rớt thuộc loại Mageba, được sản xuất tại nhà máy ở Malaysia.

Phải đảm bảo an toàn cho metro số 1 sau hai sự cố gối cao su - Ảnh 3.

Gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn VD14 -10 rơi khỏi đá kê gối cuối tháng 10-2020 - Ảnh: LÊ PHAN

Trách nhiệm thuộc về nhà thầu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho hay với vị trí gối xê dịch mới phát hiện hôm 5-1 hiện đã khắc phục xong và được lắp camera để theo dõi, giám sát nhằm đánh giá nguyên nhân.

Chủ đầu tư cũng đã rà soát và phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố trên. Đây là dự án đang thi công, trách nhiệm thuộc về nhà thầu, chủ đầu tư với vai trò quản lý sẽ giám sát chặt chẽ việc này.

Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho biết sau các sự cố trên, TP.HCM đã lập tổ rà soát sự cố. Quá trình tham gia cùng tổ rà soát, ông Trường cho biết các chuyên gia nhận định có khả năng chất lượng gối cao su có vấn đề. Tuy nhiên, phải chờ đánh giá thêm hồ sơ và kết quả thí nghiệm vật liệu của gối bị rơi.

Mặt khác, tổ công tác cũng đã tiến hành phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu rà soát các gối cầu lắp đặt cho dự án này. "Trường hợp do chất lượng gối, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu thay hết nhằm đảm bảo an toàn chất lượng cho công trình này" - ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, trước sự cố nêu trên, Tư vấn giám sát NJPT dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã yêu cầu văn phòng chính Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cử đội điều tra chủ trì việc tìm hiểu sự cố, đưa ra các giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, hiện do dịch COVID-19 nên các chuyên gia chưa thể sang Việt Nam. Tập đoàn Sumitomo là công ty chính của SCC làm tổng thầu gói CP2.

Trước đó, Tư vấn giám sát NJPT cũng đã có thư gửi văn phòng chính Tập đoàn Sumitomo nêu chủ đầu tư đã yêu cầu liên danh phải thi công lại dầm bị hư hại do lo ngại ảnh hưởng từ sự cố.

Trái với mối lo ngại của chủ đầu tư, liên danh SCC nêu rằng thiệt hại không nghiêm trọng và không chấp nhận đề nghị thay các nhịp liên quan.

Về vấn đề này, NJPT yêu cầu văn phòng chính của tập đoàn cảnh cáo liên danh không thể tuyên bố một cách đơn giản mà không có sự đánh giá nào để cho rằng sự cố đó là không nghiêm trọng.

Tập đoàn phải hiểu rằng chủ đầu tư là người có trách nhiệm giải trình về sự bền vững của tuyến metro số 1 khi sự cố xảy ra. NJPT đánh giá sự cố này cần sớm được điều tra làm rõ, tránh ảnh hưởng đến an toàn chất lượng, còn nhiều vấn đề khác như vấn đề khánh thành vận hành tàu.

Tiến độ tuyến metro số 1 hiện ra sao?

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM với tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng. Toàn tuyến dài gần 19,7km, trong đó đi ngầm 2,6km, còn lại là đoạn trên cao.

Về tình hình thực hiện các gói thầu chính, hiện gói CP1a (đoạn từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đạt 82%, gói CP1b đoạn từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son 90%, gói CP3 mua sắm thiết bị, đầu máy toa xe, bảo dưỡng đạt 65%.

Riêng gói thầu CP2 là nơi xảy ra sự cố rớt gối cao su cũng đã đạt hơn 90%. Đến nay dự án đã hoàn thành 82% khối lượng, dự kiến cuối năm nay đưa vào khai thác.

Phải khắc phục hoàn toàn, không để trễ tiến độ

Tuyến metro số 1 đang được kỳ vọng cuối năm nay về đích. Đặc biệt ở gói thầu CP2 đoạn trên cao từ Bình Thái về depot Long Bình (TP Thủ Đức) dự kiến là nơi sẽ chạy thử - một trong các bước quan trọng để chuẩn bị đưa dự án vào vận hành.

Với việc rơi gối cầu và mới đây là một cái khác đang xê dịch thì có thể xem là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên hơn hai tháng qua, tiến độ điều tra nguyên nhân của tổng thầu quá chậm.

Dự án đang tăng tốc về đích, thời gian qua Tư vấn NJPT, chủ đầu tư cũng rất sốt ruột muốn sớm tìm ra nguyên nhân. Trong hai tuần tới, tổ rà soát của TP sẽ có báo cáo độc lập về vấn đề này.

Khi có báo cáo kết luận, chúng tôi sẽ đề nghị chủ đầu tư phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước thống nhất phương án và đề nghị nhà thầu phải chấp hành tiến độ, khắc phục. Để dự án không trễ tiến độ, tốt nhất trong quý 1-2021 phải khắc phục hoàn toàn để kịp thực hiện xây dựng kiến trúc ở bên trên cho tàu chạy.

Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM)

Cần đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị

metro 3

Vị trí gối cao su tại dầm VD12-34 có dấu hiệu dịch chuyển được phát hiện hôm 5-1 đang được lắp camera để theo dõi - Ảnh: CTV

Liên quan việc đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị (metro), ngày 14-12-2020 Bộ GTVT ban hành thông tư số 32/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 29/2018 quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường giao thông đường sắt và thông tư số 31/2018 quy định về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị.

Theo đó, về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống của dự án đường sắt đô thị, thông tư 32 quy định: "Đường sắt đô thị xây dựng mới trước khi đưa vào khai thác phải được tổ chức chứng nhận đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống".

Tuy nhiên, nội dung trên được áp dụng cho các dự án đường sắt đô thị có hợp đồng xây dựng được ký sau ngày Luật đường sắt có hiệu lực (ngày 1-7-2018).

Còn đối với dự án đường sắt đô thị có hợp đồng xây dựng được ký trước ngày Luật đường sắt có hiệu lực thì không thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; trường hợp chủ đầu tư có ký kết hợp đồng đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống thì thực hiện theo quy định của hợp đồng nhưng không thực hiện thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong các dự án đường sắt đô thị đã triển khai thi công, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) và Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1 tại TP.HCM) không có quy định đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.

Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT với vai trò chủ đầu tư đã tiến hành thuê tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông là liên danh tư vấn quốc tế Apave-Certifer-Tricc (ACT).

Còn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư từ tháng 1-2024 đã thuê liên danh Apave-Bureau Veritas-Certifer (Pháp) làm tư vấn độc lập gói thầu "Kiểm tra và chứng nhận an toàn hệ thống" thực hiện song song việc đánh giá an toàn hệ thống với quá trình thi công dự án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng đường sắt đô thị chưa từng có ở Việt Nam, bây giờ mới sắp sửa đưa vào khai thác.

Đây là một loại hình vận tải chở rất nhiều người, rất mới ở Việt Nam nên vấn đề chất lượng, an toàn trong thi công và khai thác phải đặt lên hàng đầu.

"Do đó cần phải hiểu những gì là văn minh của thế giới, nhân loại đã tích lũy như phải có tổ chức kiểm định đánh giá an toàn hệ thống độc lập đường sắt đô thị trước khi đưa vào khai thác thì cần phải làm, dù dự án triển khai vào thời điểm trước hay sau khi Luật đường sắt có hiệu lực.

Bởi vì việc này liên quan đến tính mạng con người nên làm trước hay sau khi Luật đường sắt có hiệu lực đều có ý nghĩa.

Bản chất một công trình phục vụ lợi ích của nhân dân thì an toàn là trên hết nên thế giới văn minh họ đã viết nên quy trình, chúng ta đi sau nhưng không đánh giá an toàn hệ thống một loại hình rất mới là không được.

Còn nếu cho rằng ngày xưa có một nhà thầu A, B, C nào đó ký hợp đồng làm đường sắt đô thị ở Việt Nam mà không có điều khoản thuê tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống thì có hai cách. Một là báo cáo Thủ tướng xin ý kiến.

Hai là hỏi ở quốc gia của nhà thầu này, một đường sắt đô thị trước khi đưa vào hoạt động có thuê tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống hay không. Nếu có thì ở Việt Nam cũng phải làm như thế" - vị này nhận định.

TUẤN PHÙNG

Phát hiện thêm 1 gối cao su tuyến metro số 1 có dấu hiệu bị xẹp, dịch khỏi vị trí Phát hiện thêm 1 gối cao su tuyến metro số 1 có dấu hiệu bị xẹp, dịch khỏi vị trí

TTO - Sau khi gối cao su dầm cầu cạn VD14-10 tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị rớt, tổ công tác rà soát sự cố của TP.HCM đã đi kiểm tra và phát hiện thêm một gối cầu bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên