Cơ quan chức năng các tỉnh ký kết triển khai công tác xử lý khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, TP.HCM và các vùng giáp ranh với các tỉnh - Ảnh: TỰ TRUNG
Ý kiến này đã được đại diện các tỉnh giáp ranh TP.HCM đồng tình cao.
Theo thượng tá Lương Đại Thủy - đại diện Công an tỉnh Đồng Nai, việc phối hợp qua điện thoại di động là rất tiện và nhanh chóng. Khi cơ quan chức năng TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang hay Bà Rịa - Vũng Tàu nhận tin báo từ người dân về hoạt động khai thác cát trái phép và xác định được vị trí thuộc tỉnh nào thì chỉ cần gọi điện cho người phụ trách lĩnh vực để thông báo.
"Nhận được điện thoại thì địa phương triển khai ngay phương án vây bắt, xử lý, như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi đưa ra ví dụ nửa đêm xảy ra vụ việc mà đợi đường công văn thì đối tượng vi phạm đã hút đầy cát rồi chở đi tiêu thụ xong xuôi", ông Thủy nói.
Thượng tá Lương Đại Thủy, Công an tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Còn đại tá Phạm Văn Phong, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu ra khó khăn trong việc xử lý các đối tượng vi phạm tại khu vực giáp ranh. Ông Phong đặt ra câu hỏi liệu khi cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện vi phạm tại vùng biển TP.HCM thì sẽ xử lý ngay mà không cần báo, rồi sẽ bàn giao lại sau được không.
Khó khăn khác mà ông Phong đề cập là hiện nay phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt cát xong không biết để đâu, bán không ai dám mua, cho không ai dám nhận. Phía TP.HCM có thể hỗ trợ tỉnh này trong việc để tạm cát vi phạm hoặc mua lại phục vụ nhu cầu của TP hay không?
Đại tá Phạm Văn Phong, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phát biểu - Ảnh: TỰ TRUNG
Về phía TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM - cho biết muốn việc phòng chống, xử lý "cát tặc" hiệu quả thì quy chế phối hợp phải ứng với thực tiễn, nhất là trong việc xử lý các đối tượng vi phạm khu vực giáp ranh.
Bà Mỹ cho rằng cần xóa bỏ khái niệm ranh giới trong vấn đề này, khi phát hiện vi phạm thì cơ quan chức năng bất kỳ tỉnh nào cũng có thể bắt giữ, xử lý, lập hồ sơ, sau đó bàn giao lại cho chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc.
Ngoài ra, các tỉnh cần cung cấp dữ liệu về các dự án nạo vét luồng lạch, sông ngòi để TP.HCM nắm, qua đó TP có thể xác định được nguồn gốc của cát khi được vận chuyển qua địa bàn TP, tránh việc các đối tượng dùng giấy tờ giả để qua mắt.
Sau khi nghe các đại biểu trao đổi, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh TP đã quyết định đầu tư ngân sách địa phương cho lực lượng biên phòng để đầu tư chốt kiểm soát trên biển, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền trên biển vì đây là vấn đề TP đặc biệt quan tâm.
Về thắc mắc phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra, ông Phong cho biết sẽ nghiên cứu với các sở ngành TP.HCM xem có thể hỗ trợ bãi tập kết hoặc mua lại để phục vụ công tác san lấp hay không và sẽ có trả lời sau.
Ông Phong đề nghị trong thời gian tới, UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng chung tay vào cuộc, phối hợp với TP.HCM trong phòng chống khai thác cát trái phép.
Vận chuyển cát qua các tuyến sông huyện Cần Giờ về quận 2, 9, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận