Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp - Video: LÊ PHAN - ĐAN THUẦN
Theo ông Phong, các lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý đối với loại hình tội phạm này. Phải rà soát, củng cố hồ sơ để xử lý hình sự một vài vụ vi phạm nhằm răn đe các đối tượng khai thác cát trái phép.
Hiện nay, ngoài dự án nạo vét tận thu luồng hàng hải do Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ xuất khẩu Hoàng Minh được cấp phép thì các dự án còn lại đều không được TP cho phép. Tuy nhiên, theo báo cáo của các sở ngành, qua mỗi năm số vụ khai thác cát và số tiền xử phạt đều tăng, chứng tỏ tình hình khai thác cát lậu diễn ra hết sức phức tạp.
Số liệu cho thấy năm 2015 các sở ngành đã phát hiện và bắt giữ 17 vụ khai thác cát, đến năm 2018 số vụ tăng lên 121, thu giữ 7.198 phương tiện, lập biên bản xử phạt hành chính số tiền 2.402 tỉ đồng.
Trước tình hình đó, lãnh đạo TP.HCM ban hành Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh.
Tại cuộc họp hôm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - kiến nghị thành lập tổ công tác chuyên trách xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản để kiểm soát tình hình khai thác cát trái phép.
Đánh giá tình hình khái thác cát có giảm nhưng còn tương đối phức tạp, ông Lê Minh Dũng - chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết hiện nay quy định tịch thu tang vật đối với hành vi khai thác cát phải từ 50m3 trở lên, nên khi bị bắt gặp, các đối tượng sẽ cho phương tiện bỏ chạy rồi xả cát xuống biển, rất khó xử lý.
Các đối tượng còn lách luật, thuê phương tiện của các chủ sở hữu khác dưới danh nghĩa chở hàng hoặc thực hiện dự án. Khi bị bắt chủ phương tiện thật sự không thừa nhận lỗi vi phạm nên rất khó xác định lỗi để tịch thu phương tiện.
Ông Dũng kiến nghị TP xem xét đề xuất sửa luật, cứ phương tiện nào có cát trái phép là xử phạt thì mới răn đe được cát tặc.
Biên phòng TP.HCM kiểm tra một phương tiện gắn vòi bạch tuột hút cát lậu trên sông Đồng Nai - Ảnh: LÊ PHAN
Là lực lượng chủ chốt trong việc phòng chống cát tặc, đại tá Tô Danh Út - chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM - cho biết hiện công tác phối hợp giữa TP.HCM và các tỉnh còn gặp khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng vị trí giáp ranh để chạy trốn khi bị truy bắt.
Xung quanh các đồn biên phòng thường có lực lượng cảnh giới do cát tặc cài cắm, khi các chiến sĩ ra quân thường bị báo động, các đối tượng khai thác sẽ bỏ chạy. Thời gian từ các đồn biên phòng đến vị trí khai thác ngoài biển cũng khá xa, khi lực lương ra đến nơi thì các đối tượng đã rời đi mất. Các chiến sĩ thường phải dùng ghe ngư dân hoặc đóng giả ngư dân mới tiếp cận, xử phạt được.
"Có một số dự án khi kiểm tra chủ đơn vị san lấp vẫn xuất trình được hóa đơn mua cát nhưng khi truy đến các địa phương thì các giấy tờ trên không đúng, nhưng rất khó để xử lý việc này", ông Út nói.
Ông Út cho biết đa số phương tiện khai thác neo đậu ở Vũng Tàu, do đó biên phòng TP kiến nghị UBND TP đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện có gắn máy bơm hút cát, khi rời bến phải có giấy tờ đầy đủ, đúng quy định pháp luật.
Chung ý kiến với ông Út, ông Ngô Minh Châu - phó chủ tịch UBND TP - thống nhất phải có sự liên lạc giữa các tỉnh giáp ranh và TP.HCM.
"Khi xử phạt trên địa bàn tỉnh bạn có lấn cấn gì không? Lực lượng chức năng TP.HCM có thể bắt và xử phạt rồi bàn giao cho tỉnh bạn hay không?", ông Châu cho rằng cần khảo sát cụ thể số phương tiện để dễ dàng quản lý, có biện pháp nghiệp vụ đánh lừa lại các đối tượng canh phòng để công tác tuần tra, xử phạt hiệu quả.
Một ghe chở cát không rõ nguồn gốc bị bắt giữ - Ảnh: LÊ PHAN
Sau khi nghe các sở, ngành báo cáo, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thống nhất phải nhanh chóng thực hiện Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh trong đó Công an TP và biên phòng TP là hai lực lượng chủ lực.
"Phải tổ chức ngay hội nghị giữa TP.HCM và các tỉnh giáp ranh để có kí kết liên tịch về quy chế phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Có thể tiến hành vào tháng 7 này, TP sẽ tham gia để kiến nghị các ý kiến.
Còn đối với việc điều chỉnh xử phạt, vấn đề nào trong thẩm quyền TP, TP sẽ xử lý ngay. Vấn đề thuộc cấp cao hơn quản lý, TP sẽ kiến nghị đề xuất lên trung ương", ông Phong nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận