10/07/2021 21:38 GMT+7

Đề xuất muốn livestream phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Chỉ các tài khoản mạng xã hội có đăng ký thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông mới được livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Livestream vi phạm pháp luật phải gỡ trong vòng 3 giờ.

Đề xuất muốn livestream phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông - Ảnh 1.

Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất chỉ các tài khoản có đăng ký thông tin liên hệ với bộ mới được livestream - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là một số điểm đáng chú ý trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mà Bộ Thông tin và truyền thông được giao xây dựng, trình Chính phủ.

Dự thảo sửa đổi khá nhiều nội dung trong nghị định 72 theo hướng quản lý chặt chẽ hơn trong việc cấp phép các mạng xã hội, với việc cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội, trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ mạng... trong đó đề xuất quản lý chặt chẽ hoạt động livestream mà gần đây gây ồn ào trong xã hội.

Video livestream vi phạm phải gỡ trong vòng 3 giờ

Dự thảo đưa ra quy định các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông.

Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Điều kiện để các mạng xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại Việt Nam được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức là các tài khoản này đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông.

Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông. 

Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thực hiện thông báo.

Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ Thông tin và truyền thông, thì đối với video phát trực tuyến (livestream) vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ.

Nhà mạng không tạm khóa kênh vi phạm sau 24 giờ, bộ sẽ ngăn chặn

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới còn phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt khác như:

Trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới phải xử lý khiếu nại. Nếu khiếu nại chính đáng thì phải tạm khóa hoặc xóa các nội dung bị khiếu nại có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Phải công khai chính sách và quy trình hỗ trợ khách hàng xử lý các vấn đề về an toàn, an ninh mạng theo hướng ngắn gọn, rõ ràng và trực quan, dễ hiểu.

Phải thực hiện báo cáo định kỳ hằng năm (vào trước ngày 31-12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu cho Bộ Thông tin và truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 1 tháng có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật bị Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc tạm khóa hoạt động đối với các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung này chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ. Thời gian tạm khóa từ 7 ngày đến không quá 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng do mình quản lý, phân phối, chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm hoặc không tạm khóa các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp phát hiện nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng cung cấp xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông.

'Tổng tấn công' 8 kho hàng livestream khủng, thu hàng chục tấn hàng

TTO - Ngày 22-6, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thực hiện cuộc 'tổng tấn công' quy mô lớn vào các kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ hàng chục tấn sản phẩm phần lớn đều không có giấy tờ hợp pháp.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên