26/09/2020 09:22 GMT+7

Đề xuất có Ngày tiếng Việt

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hội thảo khoa học "Tiếng Việt trong Truyện Kiều" ngày 25-9 tại TP Hà Tĩnh mang đến gần 50 bài tham luận của các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà giáo, người yêu Truyện Kiều cả nước. Tất cả đều cùng ngợi ca vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều.

Đề xuất có Ngày tiếng Việt - Ảnh 1.

Bên cạnh hội thảo, Hà Tĩnh tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Trong ảnh: ba gương mặt đoạt giải nhất cá nhân của cuộc thi Tìm hiểu về đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều, do Sở GD-ĐT Hà Tĩnh phối hợp với một số cơ quan tổ chức - Ảnh: T.ĐIỂU

Đằng sau ngôn ngữ, tiếng nói là hồn của dân tộc. Dân tộc mình tồn tại được trong nhiều nghìn năm chính là nhờ vào tiếng Việt. Và nói về tiếng Việt thì chưa ai vượt qua Nguyễn Du, nên Ngày tiếng Việt cần gắn với cụ.

GS PHONG LÊ

Hội thảo do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Hội Kiều học Việt Nam tổ chức, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức trong tuần này tại Hà Tĩnh.

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn

Hai GS.NGND là Nguyễn Đình Chú và Trần Đình Sử không đến dự hội thảo vì tuổi cao, nhưng hai nhà nghiên cứu uy tín này đều gửi tham luận tới hội thảo.

GS.NGND Nguyễn Đình Chú mở đầu bài tham luận "Tiếng Việt trong Truyện Kiều" bằng những lời tán tụng tuyệt hay của tiền nhân dành cho tuyệt tác Truyện Kiều. Đó là câu nói của Đào Nguyên Phổ gọi Truyện Kiều là "Nam âm tuyệt xướng" (Truyện Kiều là tiếng nói tuyệt hay của nước Nam); hay câu nói của học giả Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của ta đó. Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn"; và nhà thơ Chế Lan Viên gọi "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn".

Theo GS Nguyễn Đình Chú, ba tiền nhân kể trên, tuy cách nói có khác nhau nhưng đều chung một ý tưởng coi tiếng Việt của Truyện Kiều là hay nhất, đẹp nhất, tuyệt diệu nhất của tiếng Việt ta. Đặc biệt, ý kiến của học giả Phạm Quỳnh và nhà thơ Chế Lan Viên còn nói đến vai trò của tiếng Việt trong Truyện Kiều với sự tồn vong của đất nước.

Với GS Nguyễn Đình Chú, tiếng Việt của Truyện Kiều kết tinh ở độ thiên tài còn thể hiện trong phương pháp sáng tác vừa hiện thực vừa lãng mạn, trong cách xây dựng nhân vật chính diện và phản diện. Ở phương pháp hiện thực và xây dựng nhân vật phản diện, ông dùng ngôn ngữ dân gian; còn phương pháp lãng mạn và xây dựng nhân vật chính diện, ông lại dùng ngôn ngữ bác học. Sự biến hóa và hòa quyện đó của tiếng Việt được Nguyễn Du sử dụng quá tài tình ngay trong một tác phẩm.

GS.NGND Trần Đình Sử thì nhận định: giá trị kết tinh những tinh hoa tiếng Việt đã khiến cho Truyện Kiều trở thành một đối tượng để nghiên cứu tiếng Việt trong suốt hơn 200 năm qua.

Chọn ngày giỗ Nguyễn Du là Ngày tiếng Việt

Chủ trì hội thảo, GS Phong Lê - chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam - khẳng định việc đọc, nghe, cảm thụ, truyền bá, thẩm bình, đánh giá văn Nôm Truyện Kiều cũng là câu chuyện của nhiều trăm năm và tất cả đều chung một lòng ngưỡng mộ lớn lao với tiếng Việt của Truyện Kiều

Theo GS Phong Lê, Nguyễn Du xứng danh đại thi hào, là người đã đưa tiếng Việt lên một tầm cao giá trị, trước và sau ông - cho đến nay, chưa ai sánh được. Trải hơn hai trăm năm, vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong Truyện Kiều ngày càng tỏa rạng hơn, sâu lắng hơn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói: tiếng Việt trong những đoạn tả cảnh tả tình ở Truyện Kiều của Nguyễn Du "tài vô cùng, hay vô cùng". Thiên tài tiếng Việt của Nguyễn Du còn thể hiện ở chỗ một loạt nhân vật của Nguyễn Du trở thành những nhân vật điển hình, bước ra ngoài cuốn sách, trở thành đại diện cho một típ người, một tính cách như Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến... Nhưng cụ đã chỉ cần vài câu thơ, vài ba chục tới vài trăm chữ để khắc họa những nhân vật cực sắc nét. "Chỉ có thể nói đó là một thiên tài. Tiếng Việt của ông quá tuyệt vời, đã đạt mức kiệt tác, mà lại rất hiện đại" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

PGS.TS Biện Minh Điền (Viện Sư phạm xã hội, Trường ĐH Vinh) nói, với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mang đến cho tiếng Việt trước hết là một khối lượng từ vựng lớn, khối từ vựng đã được thanh lọc, tinh luyện, sáng tạo để đạt đến độ trong sáng, tinh tế, chuẩn mực nhất.

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS Phong Lê gợi ý sau hội thảo nên có một kiến nghị gửi Nhà nước có một Ngày tiếng Việt vào ngày giỗ của Nguyễn Du, 10-8 âm lịch. GS Phong Lê cho biết nước Nga thời tổng thống D.Medvedev đã chọn ngày sinh Puskin - "Mặt trời của thi ca Nga" - vào 6-6 hằng năm làm Ngày tiếng Nga.

Về một nghiên cứu về nguồn gốc Truyện Kiều khẳng định Truyện Kiều có trước Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và thực ra Thanh Tâm Tài Nhân cũng là một người/nhóm người Việt mà ông Lê Nghị vừa đưa ra, GS Phong Lê - chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam - nói ông "hơi hồ nghi" nghiên cứu mới này bởi 200 năm qua, rất nhiều học giả hàng đầu, rất nhiều công trình mà chưa ai đưa ra giả thuyết này. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa nói, trong nghiên cứu, có những vấn đề cần lật lại lịch sử nhưng lật lại thì phải có bằng chứng thuyết phục.

Từ điển chính tả sai chính tả: Đã đến lúc cần có luật tiếng Việt? Từ điển chính tả sai chính tả: Đã đến lúc cần có luật tiếng Việt?

TTO - Trong khi cuốn từ điển chính tả sai chính tả 'gây xôn xao' mấy ngày qua vừa có quyết định thu hồi từ NXB, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cùng chia sẻ với Tuổi Trẻ quan điểm rằng nhất thiết phải có luật tiếng Việt.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên