28/06/2024 07:00 GMT+7

Đề văn thi tốt nghiệp: Vì sao khó 'đột phá'?

Hai điểm mạnh cũng là điểm thú vị của đề văn hơn một thập niên qua nằm ở phần đọc - hiểu và phần làm văn dạng nghị luận xã hội.

Thí sinh ra về sau khi kết thúc môn toán tại điểm thi THPT Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thí sinh ra về sau khi kết thúc môn toán tại điểm thi THPT Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), sự thú vị của đề thi ngữ văn năm 2024 là một lần nữa học trò được suy nghĩ, viết về ý nghĩa của "sự tôn trọng cá tính", đề cao cái "tôi" tuyệt đối hay nên đặt cái "tôi" bên cạnh những thành quả, giá trị của những người đi trước để kế thừa, tiếp nối.

Những bài giảng trên lớp rồi có thể phai nhạt bớt nhưng trong một kỳ thi cuối cùng của thời đi học để suy ngẫm và viết về đất nước, về nhận diện tình yêu đất nước cũng là cơ hội để các bạn trẻ ghi đậm những giá trị mình nên gìn giữ.

Với ý nghĩ đó, cô Kim Anh cho rằng đề thi ngữ văn quốc gia có thể xem như một bài học sau cùng của thời phổ thông.

Cũng vì điều này mà trong hơn một thập niên qua, đề thi ngữ văn luôn được quan tâm vì những tác động tích cực không chỉ đến học sinh mà cả xã hội khi thí sinh được bàn về nên sống "dũng cảm hay hèn nhát", về thói dối trá, bệnh sống ảo, về những người chỉ lo túi tiền rỗng trong khi người khác biết vun đắp những điều đẹp đẽ cho tâm hồn, về lòng trắc ẩn và sự thấu cảm...

Hai điểm mạnh cũng là điểm thú vị của đề văn hơn một thập niên qua nằm ở phần đọc - hiểu và phần làm văn dạng nghị luận xã hội.

Với thí sinh, được tự do viết về những vấn đề gần gũi xung quanh là điểm thú vị, khơi gợi cảm hứng và giải thoát các em bởi những nội dung gò bó. Điểm mạnh thứ hai của đề văn trong hơn một thập niên qua là phần kiểm tra kỹ năng đọc hiểu.

Theo cô Hà Thị Thu Thủy - giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), nhấn vào kỹ năng đọc hiểu và viết là những kỹ năng cần thiết của môn văn. Đặc biệt là khi yêu cầu đọc hiểu là một phần trong cấu trúc đề thi quốc gia, kỹ năng này cũng được coi trọng hơn trong quá trình dạy học.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra, trước và sau buổi thi văn lại có nhiều xôn xao về việc rò rỉ đề thi do nhiều thí sinh đoán được trước tác phẩm văn học sẽ ra.

Đây là việc không mới và một trong những lý do "rò rỉ thông tin" vì quanh đi quẩn lại đề chỉ ra trong số tác phẩm cố định. Mỗi tác phẩm có một số đoạn "đinh" có thể dùng làm câu hỏi thi.

Theo cô Hà Thị Thu Thủy, đây là lý do khiến học sinh học vẹt, học tủ. Để giúp học sinh có thể đạt điểm cao, nhiều thầy cô giáo cũng buộc phải chọn cách "luyện" theo mẫu có sẵn dù đều biết đó là cách có thể triệt tiêu cảm xúc với môn văn của học sinh.

ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng những năm qua đề văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có một số thay đổi theo hướng tích cực.

Đó là việc bổ sung câu nghị luận xã hội vào phần làm văn. Việc này không chỉ đáp ứng được mục tiêu, nội dung dạy học mà còn góp phần khắc phục hạn chế của học sinh ngày nay. Vì thực tế cho thấy các em tuy háo hức với thông tin nhưng thiếu vốn sống, ít quan tâm đến cuộc sống bên ngoài.

Việc bổ sung phần đọc hiểu cũng là một bước thay đổi quan trọng. Nhất là khi Bộ GD-ĐT xác định đọc hiểu văn bản chính là một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy học ngữ văn. Ngữ liệu sử dụng trong phần đọc hiểu là những văn bản ngoài sách giáo khoa được xem như một "bước đệm", chuẩn bị tốt cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tương tự, ông Đỗ Đức Anh nhận định: "Đề thi văn thay đổi với 5/10 điểm ngoài sách giáo khoa (bao gồm câu hỏi phần đọc hiểu và nghị luận xã hội) đã tác động tích cực đến việc dạy và học văn trong trường phổ thông. Tình trạng học vẹt, học thuộc lòng, học theo kiểu đối phó đã giảm đi.

Bên cạnh đó việc thay đổi cách đặt câu hỏi trong đề thi cũng đã tạo cơ hội cho thí sinh được trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình.

Còn một điều tích cực nữa là khi Bộ GD-ĐT có sự thay đổi về nội dung đề thi, các lò luyện thi đã giảm một cách rõ rệt. Học sinh không lao vào luyện thi như những con thiêu thân nữa. Thay vào đó, các em biết chọn lọc những cái cần học, biết xác định mục tiêu học để hiểu...".

Cô Lê Ngọc (Hải Phòng) chia sẻ gần đây có một số đề văn của các địa phương, đề thi văn vào trường chuyên hay đề thi văn trong kỳ thi tuyển sinh riêng khá hay có thể thay đổi cách dạy và học văn trong nhà trường phổ thông.

Nhưng với đề thi quốc gia cần đảm bảo tính vừa sức với học sinh trên diện rộng, ở các vùng miền có chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục, đề thi cũng phải đảm bảo các mục đích khác nhau: xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy học và sử dụng để tuyển sinh ĐH, CĐ.

"Về điều này tôi thông cảm với những người ra đề khó có thể "đột phá" và trước một đề thi đột phá cũng cần lộ trình, cần thay đổi cách dạy học. Tuy nhiên có những việc có thể làm ngay ở kỳ thi sau là thoát ly khỏi việc sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa", cô Ngọc bày tỏ.

Cô Ngọc gợi ý có thể thay đổi hình thức thi môn ngữ văn theo hướng trắc nghiệm kết hợp tự luận như đề thi của một trường ĐH mới tổ chức gần đây sử dụng điểm thi xét tuyển.

Cụ thể có một phần trắc nghiệm 20 - 30 câu với nhiều ngữ liệu khác nhau, chiếm 40% điểm tổng bài thi. Phần tự luận có thể yêu cầu học sinh viết hai đoạn văn, linh hoạt giữa dạng nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Cần chuẩn hóa nguồn trích dẫn dữ liệu

ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi đề xuất: "Cần chuẩn hóa nguồn trích dẫn ngữ liệu trong đề thi. Nên đề xuất các nhà xuất bản uy tín sẽ chịu trách nhiệm biên tập, phát hành phần này".

Ông Khôi cũng góp ý: "Đề thi nên biên soạn theo trục chủ đề. Việc dạy học theo chủ đề đã được Bộ GD-ĐT triển khai. Hiện nay, các bộ sách giáo khoa phục vụ cho chương trình ngữ văn 2018 đều chọn cách cấu trúc bài học theo chủ đề, tích hợp kỹ năng đọc - viết - nghe - nói.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua cũng thể hiện một trục chủ đề gắn kết các phần. Đó là sự kiếm tìm âm hưởng của nguồn chung trong dòng riêng (phần đọc hiểu), giữa tôn trọng cá tính trong đời sống (câu nghị luận xã hội) và sự trân quý cá tính sáng tạo nghệ thuật (phần nhận xét ngắn trong câu nghị luận văn học).

Đây được xem như một sự gợi ý về định hướng ra đề cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những năm sau".

Gợi ý bài giải môn văn thi tốt nghiệp THPT 2024Gợi ý bài giải môn văn thi tốt nghiệp THPT 2024

Mời bạn đọc tham khảo bài giải gợi ý môn văn thi tốt nghiệp THPT 2024. Bài giải môn văn được cập nhật liên tục.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên