21/12/2017 22:08 GMT+7

Để trở thành độc giả thông minh trong kỷ nguyên thông tin

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Nếu Để trở thành độc giả thông minh là cái nhìn về nền báo chí hiện đại và khơi gợi người đọc cải thiện tư duy tin tức trong tương lai thì Gia Định Báo lại phóng chiếu cái nhìn về quá khứ, về lịch sử báo chí của vùng đất Nam Kỳ.

Để trở thành độc giả thông minh trong kỷ nguyên thông tin - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà nhận định "Để trở thành một độc giả thông minh là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhóm tác giả trong cuộc chiến chống Fake news ngày càng cam go" - Ảnh: MAI THỤY

Cuộc chiến chống fake news (tin giả) đã thu hút sự chú ý của các chính phủ và tổ chức truyền thông trong nhiều năm qua. 

Thế nhưng, cuộc chiến đó cần phải được tiếp sức từ các độc giả - những người trực tiếp đón nhận thông tin truyền thông.

Sáng 21-12, cuốn sách Để trở thành độc giả thông minh do tập thể giáo viên, sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) biên soạn đã có dịp ra mắt bạn đọc tại số 10 Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM). 

Đây được xem là một trong những nỗ lực của nhóm tác giả trong việc cải thiện tình trạng nhiều độc giả hiện nay đang tiếp thu thiếu chọn lọc các tin tức tràn lan trên internet.

Để trở thành độc giả thông minh được soạn thảo dựa trên giáo trình giảng dạy của Giáo sư Richard Hornik và Giáo sư Masato Kajimoto nhưng lại có các ví dụ từ báo chí Việt Nam, tạo nên sự gần gũi, dễ hiểu với các độc giả trong nước.

Để trở thành độc giả thông minh trong kỷ nguyên thông tin - Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà nhận định "Để trở thành một độc giả thông minh là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhóm tác giả trong cuộc chiến chống fake news ngày càng cam go" - Ảnh: MAI THỤY

Trao đổi với khán giả, Giáo sư Richard Hornik cho rằng hiện nay có một số sự chuyển động mạnh mẽ trong truyền thông cần phải được lưu ý. Theo ông lượng thông tin chúng ta đang tiếp nhận là cùng khổng lồ, cả trên báo chí lẫn Internet. 

Thêm vào đó, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin với cơ sở kỹ thuật tiện lợi, thông tin nhanh chóng và độc giả dễ dàng tiếp nhận. 

"Chính vì vậy, nếu muốn ngăn chặn tin giả, chúng ta cần phải học cách thẩm định thông tin trước khi muốn chia sẻ với cộng đồng" ông Richard nhấn mạnh.

Có thể nói hiện nay tin giả đã "tiến hóa" rất mạnh mẽ. Chúng được đóng gói cẩn thận như tin thật và tiếp cận với lượng lớn độc giả. Một số nhà báo nói họ buộc phải chạy theo số lượng bởi không còn ai đọc thông tin của họ nữa. Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để cuốn sách ra đời. Nếu độc giả biết cách tiếp cận thông tin một cách phù hợp thì nhà báo mới phần nào làm tốt được công việc của mình. Như vậy, thông tin hữu ích có thể đến với tất cả chúng ta mà không phải tốn hàng giờ đọc báo, trong khi chẳng biết thêm được bất cứ điều gì.

Nhà báo Khải Đơn, đồng tác giả tập sách, tỏ ra lo ngại trước tình trạng tin giả

Nhìn dưới góc độ tổng thể, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, cho rằng Để trở thành độc giả thông minh (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM) là một phần trong gói giải pháp chống lại fake news. 

Theo ông, trong bối cảnh cuộc chiến chống tin giả ngày càng cam go, các chính phủ hiện nay đã ra sức thắt chặt quy trình đưa tin của các tờ báo. 

Nhiều trình duyệt, trang mạng xã hội tăng cường sử dụng công nghệ để rà soát tin giả. Bên cạnh đó, một số chương trình giáo dục cũng bắt đầu lồng ghép các phương pháp thẩm định thông tin. 

Qua cuốn sách, nhóm biên soạn sẽ giới thiệu đến độc giả một số cách thức phân biệt giữa tin tức với các loại hình thông tin khác và cách nhận biết tiêu chuẩn của một bản tin chất lượng.

Để trở thành độc giả thông minh trong kỷ nguyên thông tin - Ảnh 4.

Ảnh bìa - Ảnh: MAI THỤY

Trong khuôn khổ buổi giao lưu, khoa Báo chí - Truyền thông còn giới thiệu đến độc giả tập chuyên khảo Gia Định Báo (NXB Văn hóa - Văn nghệ). 

Đây là kết quả nghiên cứu của tập thể giảng viên khoa Báo chí - Truyền thông trong năm 2005 và từ một số báo cáo trong hội thảo về Gia Định Báo năm 2015.

Nếu Để trở thành độc giả thông minh là cái nhìn về nền báo chí hiện đại và khơi gợi người đọc cải thiện tư duy tin tức trong tương lai thì Gia Định Báo lại phóng chiếu cái nhìn về quá khứ, về lịch sử báo chí của vùng đất Nam Kỳ.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà cho biết mặc dù cuốn sách được tổng hợp từ nhiều báo cáo khác nhau nhưng độc giả vẫn có thể nắm bắt rõ ràng nội dung, hình thức của tờ Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ do học giả Trương Vĩnh Ký sáng lập năm 1865. 

"Gia Định Báo vừa là một hiện tượng báo chí nhưng cũng vừa là một hiện tượng văn hóa, văn học, ngôn ngữ. Nghiên cứu Gia Định Báo dựa trên các phương pháp so sánh đồng đại, lịch đại có thể cho phép chúng ta hiểu được phần nào những biến động trong lịch sử đất nước".

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên