03/06/2013 10:40 GMT+7

Đề thi Địa đòi hỏi giới trẻ phải biết tình hình đất nước

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TTO - "Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề về biển, đảo có ý nghĩa như thế nào?" là câu hỏi trong đề Địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

Xem đề thi môn Địa LýXem gợi ý bài giải môn Địa Lý

3ii3jRLO.jpgPhóng to
Niềm vui của thí sinh sau khi thi xong môn địa lý tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Q3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Th.S Vũ Thị Bắc-giáo viên môn địa Trường phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định: "Đề thi năm nay có cập nhật tin tức thời sự ở câu 3a với nội dung về vấn đề biển đảo. Nhiều thí sinh cho rằng câu này không có trong sách giáo khoa nhưng thật ra nó nằm trong bài 42 của chương trình.

Mặc dù vậy nhưng tôi vẫn cho rằng đây là câu hỏi mở nhằm phân loại thí sinh, ngoài những kiến thức chung, nếu có đọc sách, báo, am hiểu tin tức thì có thể mở rộng thêm trong phần bài làm của mình. Vấn đề đáng quan tâm nhất là năm nay đề thi đã đề cập thẳng vào vấn đề biển đảo như một yêu cầu, một đòi hỏi giới trẻ phải quan tâm, phải biết về tình hình đất nước".

Theo cô Bắc, đề thi môn địa năm nay khá hay, có thể phân loại được thí sinh một cách rõ nét. Ở một số câu, nếu không cẩn thận thí sinh rất dễ bị nhầm lẫn và mất điểm. Học sinh trung bình có thể đạt được 5 điểm, học sinh khá, giỏi có thể đạt 7,8 điểm. Với đề thi này, để đạt điểm 10 rất khó.

Tại TP.HCM, thí sinh nhận định đề thi Địa THPT dài nhưng không quá khó. Đề dành nhiều phần lý thuyết và và có phần câu hỏi đòi hỏi suy luận. Tuy nhiên, nhiều kiến thức yêu cầu học thuộc lòng nên ai ôn bài kỳ sẽ được điểm cao. Câu hỏi việc tăng cường hợp tác các nước trong khu vực có ý nghĩa như thế nào với vấn đề biển đảo tại Việt Nam là câu phân loại HS.

Một HS Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: dạng đề về biển đảo được ôn tập rất kỹ, tuy nhiên ở câu hỏi này còn cần nhiều kiến thức thời sự và phải phân tích bình luận để nêu được ý nghĩa của sự kiện. Đây là câu dành lợi thế ghi điểm cho những bạn có sở trường các môn xã hội và chăm đọc sách báo. Nhiều thí sinh cho rằng câu này thí sinh làm theo quan điểm của mình nhưng không biết có trúng ý của đáp án không.

Nhóm HS trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho biết tất cả thí sinh đều tận dụng đến hết giờ làm bài, không có bạn nào ra sớm vì đề quá dài. Thí sinh hệ GDTX cũng nhận định đề dài nhưng không khó. Có những câu hỏi vận dụng nhưng nếu biết sử dụng Atlat tốt sẽ làm được. Các câu hỏi chỉ yêu cầu kiến thức trong chương trình. Dựa vào Atlat có thể đạt 6 điểm, những HS học bài kỹ có thể hoàn thành phần còn lại.

Kết thúc giờ thi địa lý tại hội đồng thi Trường Hermann Gmeiner (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nhiều thí sinh hớn hở ra mặt. “Đề thi năm nay dài hơn năm ngoái nhưng câu hỏi hay hơn, vấn đề thời sự nên bạn nào thường xuyên đọc báo hoặc lên mạng là làm được”- Lê Văn Sơn, học sinh trường THPT Ngũ Hành Sơn cho biết. Trong khi đó bạn Phạm Quang Sang, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn cho biết câu hỏi liên quan đến vấn đề biển Đông đã được thầy cô đưa vào “tầm ngắm” khi ôn thi nên Sang và bạn cùng lớp làm rất nhanh.

Đà Nẵng: xuất hiện phao thi

Tại Trường Hermann Gmeiner vào cuối giờ thi địa lý, chúng tôi ghi nhận có xuất hiện vài phao thi, sau khi học sinh ra khỏi trường bảo vệ đã nhanh chóng nhặt bỏ vào thùng rác. Trái hẳn với mọi năm, năm nay tại các hội đồng thi, phụ huynh chấp hành nghiêm túc việc đứng cách cổng trường 50m, tờ rơi quảng cáo tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trước cổng trường.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên