05/12/2017 08:57 GMT+7

Để sử dụng hiệu quả xe công, TP.HCM cần phải làm gì?

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ  (ĐẠI HỌC KHXH&NV -  ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM)
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐẠI HỌC KHXH&NV - ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM)

TTO - TP.HCM sẽ là một trong những địa phương đi đầu thực hiện thí điểm khoán xe công. Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp tối ưu quy trình sử dụng xe công đang là một nhu cầu bức thiết.

Để sử dụng hiệu quả xe công, TP.HCM cần phải làm gì? - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ là địa phương đi đầu thực hiện thí điểm khoán xe công theo đề xuất của Bộ Tài chính. Trong ảnh: xe công đậu tại khu vực gần UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG - Đồ họa: N.KH

Thí điểm khoán xe công là một chủ trương cần được xúc tiến mạnh trong thời gian tới. Việc thực hiện tốt chủ trương này không những giúp tối ưu quá trình quản lý tài sản công của Nhà nước, giảm bớt chi thường xuyên mà còn giúp điều chỉnh hành vi sử dụng tài sản công - một nguồn lực khổng lồ nhưng chưa được tối ưu, còn lãng phí, thậm chí bị cố tình sử dụng sai mục đích.

Cách tốt nhất để quản lý hệ thống xe công hiệu quả là giao chúng cho một công ty hay cơ quan sự nghiệp và tạo cơ chế cho phép cơ quan đó quản lý xe công một cách chuyên nghiệp." 

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

Mục tiêu tối đa hóa giá trị

Với ước tính của Bộ Tài chính và một số thông tin báo chí đưa tin, cả nước có khoảng 30.000 xe công đang hoạt động, trong đó riêng TP.HCM có khoảng 700 xe công. 

Việc sử dụng xe công và tối ưu quy trình sử dụng là một nhu cầu bức thiết trong bối cảnh chi thường xuyên của bộ máy đang là gánh nặng và lạm dụng xe công ở một số đơn vị, một số đối tượng luôn là chủ đề nóng ở các diễn đàn dân cử từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân địa phương và trên báo chí truyền thông.

Ngay cả nếu không bị lạm dụng thì cơ chế phân phối xe công hiện nay đang có nhiều bất cập. Số lượng xe mỗi năm tăng lên, trên hết, là một con số biết nói. Nó đặt ra nhiều câu hỏi: Có phải do nhu cầu công việc tăng lên, do nhu cầu di chuyển tăng lên hay do nhu cầu bộ máy tăng lên, hay do những nhu cầu khác từ thực tiễn mà chúng ta không đo đếm được, hay với quy định mỗi cán bộ với chức vụ, phẩm hàm sẽ được hưởng chế độ xe đưa đón riêng? 

Làm thế nào để lượng hóa được việc đầu tư, sử dụng "tài sản nhà nước" đó, ở đây là hiệu quả xe công; và làm thế nào việc lượng hóa đó trở thành một chỉ dấu để xây dựng các quy trình sử dụng tài sản nhà nước một cách tối ưu hơn?

Dĩ nhiên trong cuộc sống với thực tiễn sinh động thì mọi lời giải đều mang tính tương đối. Tuy vậy, hướng tới các cơ chế quản trị nhà nước hiệu năng, việc xác định được điểm đến và cách thức để đi được đến mục tiêu đó một cách tối ưu nhất sẽ quyết định tất cả. 

Lựa chọn một phương thức tổ chức đầy mục tiêu lãng mạn hay xây dựng giải pháp phân bổ kiểu kế hoạch hóa tập trung, bỏ quên mục tiêu tối đa hóa giá trị trên khía cạnh hiệu quả tài chính sẽ là một lãng phí lớn đối với việc sử dụng tiền thuế của người dân.

Cần hệ thống điều xe thông minh

Ở loạt câu hỏi đầu tiên, đề xuất khoán xe công của Bộ Tài chính đưa ra đã đặt một mục tiêu tương đối rõ ràng. Xe công dùng cho dịch vụ vận chuyển của cán bộ, viên chức, nó không phải là tài sản riêng của cá nhân hay cơ quan nào đó. 

Vì thế, việc khoán xe công chính là khoán lượt di chuyển theo đơn vị thời gian của mỗi cá nhân hay mỗi đơn vị, xuất phát từ tình hình và nhu cầu đòi hỏi của công việc thực tế.

Ở câu hỏi thứ hai, trọng tâm của quản trị là sắp xếp và tính toán được (trước) quy trình và kịch bản có thể diễn ra. 

Vì thế, cách tốt nhất để quản lý hệ thống xe công hiệu quả là giao cho một công ty hay cơ quan sự nghiệp và tạo cơ chế cho phép cơ quan đó quản lý xe công một cách chuyên nghiệp, như thể một công ty kinh doanh vận tải với mục tiêu phục vụ nhu cầu di chuyển của các khách hàng. 

Cơ quan này cần được quản lý tách biệt khỏi ảnh hưởng của cơ chế quan liêu, bao cấp và quan trọng nhất là cần xây dựng một hệ thống điều hành xe thông minh có thể tối ưu hóa bốn quy trình kỹ thuật sau đây:

Thứ nhất, hệ thống cần cung cấp một nền tảng giải pháp điều hành xe công giúp đáp ứng nhu cầu di chuyển đa dạng của cán bộ, công chức toàn thành phố. Một hệ thống như vậy cho phép sử dụng các kỹ thuật định vị để xác nhận địa chỉ đón và địa chỉ nơi cần đến bằng cách nhập hoặc chọn trực tiếp trên bản đồ số, và tạo thuận tiện nhất cho người sử dụng dịch vụ.

Thứ hai, hệ thống cần có khả năng tối ưu lộ trình di chuyển, trong đó không những cần phải giải quyết được bài toán tìm đường đi ngắn nhất từ điểm A đến điểm B, mà còn phải có khả năng điều chỉnh lộ trình đó dựa trên tình hình thực tế phát sinh nếu có tắc đường, tai nạn giao thông hay ngập lụt...

Thứ ba, với xu hướng kinh tế chia sẻ trên thế giới như hiện nay, điều hành xe công cũng cần áp dụng phương thức "tổ chức đi xe chung" để tiết kiệm các chi phí xăng, lượng lưu thông trên đường và cả khí thải nhà kính.

Cuối cùng, hệ thống này cần tích hợp vào các ứng dụng tăng cường khả năng dịch vụ khách hàng và bảo mật thông tin liên quan đến lộ trình, nhân thân của người sử dụng. Qua hệ thống điều xe thông minh này, các lượt di chuyển sẽ tiện lợi, tiết kiệm, thân thiện, an toàn và hiệu quả hơn.

Áp dụng cho tất cả tài sản công

Có mục tiêu rõ ràng và lựa chọn cách tiếp cận thông minh trong việc tính toán/mô phỏng việc sử dụng tài sản công đồng nghĩa với việc thống nhất về nhận thức lẫn hành động trong việc tối ưu hóa tài sản đó. Nguyên tắc này không những ứng dụng trong việc quản lý xe công, mà còn cả với những tài sản nhà nước khác trên địa bàn TP.HCM và cả nước.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐẠI HỌC KHXH&NV - ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên