03/11/2011 08:45 GMT+7

Để sốt xuất huyết không dẫn đến tử vong

TTO thực hiện 
TTO thực hiện 

TTO - Sáng 3-11-2011, Tuổi Trẻ Online đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết”.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

- BS Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2

- BS Vũ Văn Hảo, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.

zKIlT6NA.jpgPhóng to
Các bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã có 10 ca tử vong do sốt xuất huyết tại TP.HCM, tăng gấp 5 lần so với năm 2010. Trong số những trường hợp tử vong có cả trẻ em, người lớn và phần lớn những trường hợp này đều nhập viện trễ.

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Làm thế nào để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em? Những biểu hiện ban đầu của bệnh sốt xuất huyết ra sao? Rất mong nhận được sự trả lời. Trân trọng kính chào (Trần Ngọc Oanh, 38 tuổi, ngocoanh1974@...)

vEqtnZs6.jpgPhóng to
BS Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2- Ảnh: Thanh Đạm

- BS Trần Thị Thúy - phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2: Hiện nay sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có văcxin phòng ngừa. Do đó biện pháp phòng tránh bệnh SXH hữu hiệu nhất vẫn là diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường.

Biểu hiện lâm sàng đầu tiên của bệnh SXH là: sốt liên tục, đột ngột, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, biếng chơi. Có thể ói, đau bụng, ói ra máu và nổi những chấm xuất huyết ngoài da.

* Hiện nay đang là mùa dịch tay chân miệng và SXH. Tôi cũng như tất cả các bậc phụ huynh có con nhỏ đang rất lo lắng. Cho tôi hỏi triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết biểu hiện như thế nào, cách phòng ngừa sốt xuất huyết và bệnh sốt xuất huyết có bị lây không. Nếu trẻ đã từng bị sốt xuất huyết thì có bị lại không? (Trần Thị Bích Viễn, 27 tuổi, tien_vien24@....)

- BS Trần Thị Thúy (phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2): Với câu hỏi triệu chứng, tôi đã trả lời. Bạn có thể tham khảo ở câu trả lời liên quan. Về câu hỏi từng bị SXH có bị lại không, câu trả lời là có. Virut gây bệnh SXH có tên là virut DENGUE, có 4 typ nên một người có thể bị bệnh SXH bốn lần trong đời.

* Em gái tôi đang mắc bệnh SXH, gia đình tôi cần phải chăm sóc em gái tôi như thế nào để nhanh hồi phục sức khỏe nhất? (hoalan, 20 tuổi, hoalan@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo (trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới): Tùy theo giai đoạn và mức độ nặng/ nhẹ của bệnh như thế nào để có biện pháp phù hợp.

SXH diễn biến qua ba giai đoạn và bệnh thường kéo dài 7-10 ngày: Giai đoạn sốt 3-5 ngày đầu. Giai đoạn thoát huyết tương (nặng) từ ngày 5 đến ngày 7 của bệnh. Giai đoạn hồi phục (tái hấp thu huyết tương trở lại long mạch) từ ngày thứ 8 trở đi. Phân độ nặng: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, SXH Dengue nặng.

Nếu em bạn đang ở thời kỳ nặng của bệnh hoặc SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, SXH Dengue nặng thì cần phải được theo dõi và điều trị ở bệnh viện cho tới khi nào có dấu hiệu hồi phục mới được về nhà. Nếu em bạn đang ở giai đoạn sốt của bệnh cần phải uống nước nhiều (nước trái cây, nước dừa có chút muối, nước biển...) uống hạ sốt Paracetamol và theo dõi mỗi ngày tại bệnh viện.

* Những biến chứng nguy hiểm của bệnh SXH? Có phải ai mắc bệnh này cũng phải đến bệnh viện khám và điều trị ngay không? Có ở nhà theo dõi và chăm sóc được không? (Quang Vinh, 32 tuổi, quangvinh@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo (trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới): Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

1. Sốc (trụy tim mạch): bệnh nhân có biểu hiện tuột huyết áp, lạnh tay chân, mệt, bứt rứt, khó chịu.

2. Xuất huyết (chảy máu da niêm mạc): chảy máu cam, chảy máu răng, ói và đi cầu ra máu, phụ nữ bị rong kinh...

3. Tổn thương các cơ quan nội tạng: não, gan, thận...

Khi bị các biến chứng này nếu không đến khám và điều trị ngay sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh (1-2 ngày). Do đó không thể ở nhà theo dõi và chăm sóc được.

* Làm cách nào để phòng tránh được bệnh này? Những triệu chứng để phát hiện bệnh? Khi mắc bệnh trẻ cần ăn gì, chăm sóc thế nào? Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay?… (Lê Thị Hợp, 29 tuổi, Haiyatt@...)

- BS Trần Thị Thúy: Khi mắc bệnh SXH, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói, đau bụng. Ta nên cho cháu ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu, không có màu đen hay đỏ (vì trong trường hợp nếu cháu ói sẽ không phân biệt chất ói là máu hay thức ăn có màu). Không nhất thiết bắt trẻ chỉ ăn cháo, có thể ăn súp, nui, mì... theo ý thích của cháu.

Điều cần thiết nhất là khuyến khích động viên cháu uống nhiều nước để tránh hiện tượng cô đặc máu. Cháu rất dễ ói, do đó nên cho cháu uống từng muỗng một.

Khi trẻ có những dấu hiệu sau đây được xem là những dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng, nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

- Lừ đừ, mệt mỏi nhiều, quấy khóc, bứt rứt.

- Ói nhiều, ói ra máu.

- Đau bụng nhiều.

- Chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra máu, tiêu ra máu...

- Tay chân lạnh, rịn mồ hôi, hoặc nổi bông.

* Tại sao bệnh sốt xuất huyết Dengue ngày càng nhiều, có phải là do những người làm về dự phòng và dịch tễ học yếu kém? Nếu vậy thì hướng khắc phục ra sao? Xin cám ơn. (K.Thanh, 26 tuổi)

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu (giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM): Năm nay số ca mắc sốt xuất huyết chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, tính đến ngày 31-10 có 9.832 ca nhập viện, số ca tử vong đến thời điểm này là 10 ca. So với tỉ lệ tử vong hằng năm thì không thay đổi chỉ trừ năm 2010 là có 2 ca tử vong.

Các quận huyện năm nay có số ca mắc tương đối cao là Q.6, Q.7, Q.8, Q.Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú… Đây là những nơi có cảnh quan môi trường tương đối phức tạp như có nhiều khoảng đất trống, đọng nước, các công trình xây dựng dở dang… do đó phát sinh nhiều muỗi mà không có người chịu trách nhiệm.

Hiện nay lực lượng y tế dự phòng đã phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng tại các quận trên. Song song đó đã huy động các ban ngành đoàn thể trong quận ra quân tuyên truyền và dọn dẹp cảnh quan môi trường, xử phạt các chủ đất hoặc công trình xây dựng không tuân thủ quy định vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên công việc này vẫn còn một số khó khăn vì nghị định 64 xử phạt vi phạm về phòng chống bệnh truyền nhiễm chưa đủ mạnh để các đối trượng trên tuân thủ thực hiện.

Việc dọn dẹp cảnh quan môi trường rất quan trọng nhưng không nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế dự phòng vì có liên quan đến các cơ quan quản lý khác. Nếu dùng hóa chất để diệt bọ gậy tại các vũng nước đọng ở khu vực trên thì tốn rất nhiều tiền và không thể bao cấp mãi. Thuốc diệt bọ gậy cũng có thời hạn, sau một thời gian sẽ hết tác dụng và đòi hỏi phải xử dụng thêm thuốc mới do đó chi phí rất nhiều. Nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp chế tài thì rất khó kiểm soát.

Việc phòng ngừa sốt xuất huyết lệ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân, nhất là của các phụ huynh có con nhỏ. Phải cho bé ngủ mùng, kiểm tra các vật dụng chứa nước trong nhà không cho sinh lăng quăng, chủ động diệt muỗi trong nhà thì có thể bảo vệ được trẻ.

* Đối với bệnh nhân SXH độ 1 có biểu hiện sốt cao liên tục 39-39,5oC uống thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ không giảm, ta có thể bù dịch cho bệnh nhân được không? Thường khi bệnh nhân nhập viện thì bệnh đã tiến triển sang độ 2-3 có khi là rất nặng. Vậy cho tôi hỏi phương pháp nhanh nhất để chẩn đoán bệnh SXH? (dr sang, 20 tuổi, chiyeunguoithoi@...)

- BS Trần Thị Thúy: Khi mắc bệnh SXH, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, khó hạ. Trong bệnh SXH, ngoài triệu chứng sốt còn có triệu chứng xuất huyết thường xảy ra từ ngày thứ 3 trở đi. Tuy nhiên biến chứng nguy hiểm nhất và thường là nguyên nhân gây tử vong là sự thất thoát dịch từ trong mạch máu ra khoang thứ 3 như màng bụng, màng phổi, màng tim gây cô đặc máu, đưa đến trụy tim mạch (sốc). Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Một trong những biện pháp phòng tránh cô đặc máu hữu hiệu nhất mà không gây nguy hại cho bệnh nhân là cho uống nhiều nước, nhất là nước có chất điện giải. Truyền dịch sớm không phải là biện pháp tốt để hạ sốt cũng như để tránh diễn biến nặng, vì truyền dịch sớm có thể tăng nguy cơ suy hô hấp sớm ở bệnh nhân nhưng cũng không tránh được nguy cơ sốc.

Hiện nay đã có xét nghiệm máu phát hiện sớm sự hiện diện của virut DENGUE trong ba ngày đầu của bệnh: xét nghiệm NS1Ag đã được triển khai tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nếu con bạn nghi ngờ bị bệnh SXH, xin liên hệ để được khám tại phòng khám số 27 Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong giờ hành chính.

* Thưa bác sĩ Hảo, con tôi năm nay 9 tuổi. Vừa rồi cháu bị sốt cao không giảm đến ngày thứ 3, tôi đưa cháu vào bệnh viện, sau khi khám và xét nghiệm, bác sĩ bảo cháu bị sốt Dengue. Vậy cho tôi hỏi: sốt Dengue và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào? Loại muỗi nào lây truyền bệnh này? Nó thường đốt vào buổi nào trong ngày? Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Tiến Mỹ, 35 tuổi, mynguyentien@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Trước đây người ta phân biệt độ nặng/nhẹ của bệnh SXH dựa vào mức độ thoát huyết tương. Sốt Dengue là không có thoát huyết tương, còn SXH Dengue có thoát huyết tương. Vì vậy SXH Dengue thường nặng hơn sốt Dengue.

Hiện nay theo hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế thế giới và của Bộ Y tế 2011, không còn từ sốt Dengue nữa.

Muỗi gây truyền bệnh: Ades agypti, muỗi này thường chích người vào ban ngày và thường sống những nơi nước đọng.

* Tôi (27 tuổi) vừa bị sốt xuất huyết lần 2. Tôi nghe nói một người có thể bị bệnh này tối đa bốn lần? Xin giải thích thêm bệnh do muỗi đốt hay bằng cách nào bị nhiễm bệnh? (Nguyễn Bình Phương, 27 tuổi, hungbuidoi@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Virus Dengue gây bệnh SXH có 4 tuýp huyết thanh: D1, D2, D3, D4. Khi bị nhiễm 1 týp huyết thanh này thì không có tác dụng bảo vệ chống lại các týp huyết thanh khác. Vì vậy người bệnh có thể mắc SXH 4 lần. Người bị nhiễm bệnh do muỗi đốt, truyền bệnh trong cộng đồng.

* Trẻ ở độ tuổi nào thì dễ mắc bệnh SXH? Có phải trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh thì càng dễ nặng không? (Nguyễn Hoành, 34 tuổi, nguyenhoanh@...)

- BS Trần Thị Thúy: Bệnh SXH có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi từ sơ sinh cho đến người lớn kể cả cụ già. Đối với trẻ em, lứa tuổi thường gặp nhất là 5 tuổi đến 15 tuổi. Trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh sẽ dễ trở nặng vì triệu chứng ít điển hình, thường dễ lầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, rối loạn tiêu hóa... và việc theo dõi cũng khó hơn trẻ lớn.

* Tôi thấy năm nào báo chí cũng đưa về căn bệnh SXH và năm nào cũng có ca tử vong. Cơ quan chức năng và bác sĩ điều trị không có cách nào để ngăn chặn căn bệnh này? (Nguyễn Hoàng Hiệp, 28 tuổi, nguyenhoanghiep@...)

9yNYTa9a.jpgPhóng to
BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Bệnh SXH là bệnh xảy ra ở các nước vùng nhiệt đới, do muỗi trung gian truyền bệnh là Aedes agypti sống trong nhà và quanh các vũng nước đọng, nước trong. Đây là yếu tố truyền bệnh có trong tự nhiên và rất khó tiêu diệt vì sinh sôi nảy nở quanh năm ở khắp nơi. Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho loại muỗi này sinh sản. Tuy nhiên, mùa khô loại muỗi này vẫn hiện diện.

Hiện nay, bệnh SXH xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào mùa mưa. Diệt muỗi tuy được tiến hành quyết liệt nhưng không thể diệt hẳn loài muỗi này ở xứ nhiệt đới, chỉ hạn chế muỗi ở khu vực có người dân sinh sống. Do đó, hằng năm đến mùa mưa muỗi sinh sản nhiều thì sốt xuất huyết gia tăng. Vấn đề là chỉ kiềm chế số ca mắc chứ không thể triệt tiêu bệnh tuyệt đối. Các biện pháp phòng ngừa bệnh SXH bạn có thể tham khảo các câu trả lời khác.

* Thưa bác sĩ, tôi có người chị mới sinh con và đang cho con bú. Nếu chị bị bệnh SXH thì có nên cho em bé bú sữa mẹ không? (Trần Hồng Sơn Mai, 30 tuổi, nhimden_citd@...)

- BS Trần Thị Thúy: Bệnh SXH là bệnh do muỗi vằn mang mầm bệnh truyền qua người chứ không phải lây qua đường hô hấp hay qua sữa. Do đó khi mẹ bị SXH vẫn có thể cho em bé bú mẹ bình thường. Điều cần cảnh giác là bệnh nhân sống trong môi trường có muỗi mang mầm bệnh thì nên cho trẻ ngủ mùng kể cả buổi sáng và tối để tránh bị muỗi đốt.

* Xin chào, tôi xin được có hai câu hỏi sau mong sớm được giải đáp, chân thành cảm ơn. 1. Nếu bị bệnh SXH, trong trường hợp bệnh nhân bị đau dạ dày khá nặng, việc dùng thuốc cần phải chú ý gì không? 2. Nếu đã bị SXH, sau đó phòng tránh tốt, không bị muỗi cắn nữa, liệu có nguy cơ tái phát không? (Lê Ngọc Sang, 23 tuổi, lesang88@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Nếu bị bệnh sốt xuất huyết, trong trường hợp bệnh nhân bị đau dạ dày khá nặng rất dễ bị xuất huyết tiêu hóa. Trong phác đồ điều trị bệnh SXH không có thuốc nào gây hại cho dạ dày. Bệnh SXH chỉ tái phát khi bạn bị muỗi đốt và lây truyền týp huyết thanh của virus Dengue khác.

* Tôi nghe nói loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ đốt vào ban ngày. Vậy buổi tối đi ngủ mà không mắc mùng sẽ không bị bệnh sốt xuất huyết đúng không? (lan anh, 22 tuổi, lananh@...)

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Theo tôi thì phải ngủ mùng tuyệt đối cả ngày lẫn đêm để tránh bị muỗi đốt.

* Khi có người nhà mắc bệnh SXH, cần báo cho ai để hệ thống y tế dự phòng biết phòng chống dịch? Khi người dân không báo thì cơ quan chức năng sẽ làm cách nào để thu thập số liệu những người mắc bệnh SXH? (Nguyễn Phạm Hoàng, 32 tuổi, phamhoang@...)

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Khi có người nhà nghi SXH thì phải đến khám ở trạm y tế gần nhất hoặc nhập viện. Khi đó, nếu có chẩn đoán xác định là SXH, cơ sở điều trị sẽ thông báo danh sách bệnh nhân cho y tế dự phòng. Y tế dự phòng sẽ thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch nếu cần thiết. Hằng ngày tất cả các bệnh SXH trên địa bàn thành phố đều được báo cáo về cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố.

- Xin chào các bác sĩ. SXH có để lại di chứng gì sau này không? (BUI THI THANH DAN, 27 tuổi, thanhdan058@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Nếu bạn hồi phục từ SXH sẽ không bị di chứng.

* Trẻ sống trong môi trường nào thì dễ bị sốt xuất huyết nhất? Và nguy cơ tử vong cao thường ở độ tuổi nào? So với người lớn thì nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có cao hơn không, nguyên nhân? Trẻ cần được chăm sóc như thế nào khi phát hiện bị sốt xuất huyết? (Phan Lê, 23 tuổi, phanle2330@....)

- BS Trần Thị Thúy: Hiện nay theo thống kê thì bệnh SXH có thể gặp ở cả môi trường thành thị và nông thôn. Môi trường nào có điều kiện vệ sinh kém, có nhiều điều kiện để muỗi sinh sản và phát triển (ao tù nước đọng, có nhiều vật chứa nước) thì đều có thể là môi trường thuận lợi cho bệnh SXH hoành hành.

Nguy cơ tử vong cao thường ở lứa tuổi trẻ em, nhất là từ 3 tuổi đến 10 tuổi.

Theo thống kê của Viện Pasteur, tỉ lệ SXH ở người lớn ngày càng tăng, chiếm gần 60% tổng số mắc bệnh SXH.

* Chào bác sĩ. Khi bị SXH nên ăn gì và không nên ăn gì? (vo thi tuyet nhi, 25 tuổi, tuyetnhi111007@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Khi bị bệnh SXH, bệnh nhân thường có biểu hiện chán ăn và mệt mỏi. Bệnh nhân nên uống nước nhiều. Ăn những thức ăn dễ tiêu, có nhiều calo như vậy giúp cho bệnh nhân mau hồi phục. Đặc biệt ở trẻ em nên uống sữa, nước có đường để đề phòng hạ đường huyết. Nên tránh ăn những thức ăn có thể gây hiểu lầm là bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa (như tiết canh, huyết...). Không nên cữ thịt cá, rau cải, trái cây...

* Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết vào khoa nhiễm điều trị? Có nguy cơ bị lây truyền các bệnh khác không? (Thanh Trà, 23 tuổi, thanhtra@...)

- BS Trần Thị Thúy: Khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận điều trị các trẻ bị bệnh SXH, tay chân miệng, các bệnh nhiệt đới... Các trẻ mắc cùng loại bệnh được chúng tôi xếp chung phòng để hạn chế lây các bệnh khác.

Tuy nhiên nguy cơ lây các bệnh khác cũng khó tránh khỏi nếu thân nhân bệnh nhân không ý thức được nguy cơ nhiễm chéo các bệnh do không tuân thủ các nội quy của phòng bệnh.

* Nghe nói nhiều đến ổ dịch bệnh, xin hỏi định nghĩa ổ dịch bệnh của ngành y tế là như thế nào? Bao nhiêu ngày sau ca phát hiện bệnh tại nơi cư trú (hoặc làm việc) có thêm ca bệnh thứ 2, phạm vi (bán kính...)? Xin cho biết tên cán bộ phụ trách, địa chỉ, số điện thoại liên hệ báo (của TP.HCM và 24 quận huyện)? Xin cám ơn (Ngọc Giàu, 54 tuổi, ngocgiau_sg@...)

- BSTrần Phủ Mạnh Siêu: Ổ dịch xảy ra khi có hai ca bệnh trong cùng một khu phố, xảy ra trong vòng 7 ngày. Bán kính là 200m. Khi nhà có ca bệnh thì phải báo với trạm y tế để xử lý theo đúng quy định.

* Tôi rất thích trồng cây cảnh nhưng cũng băn khoăn không biết có phải trồng cây cảnh thì người nhà dễ mắc bệnh SXH hơn? (Hoàng Nhật, 34 tuổi, hoangnhat@....)

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Muỗi truyền bệnh SXH có tập tính đẻ trứng ở vũng nước đọng, nước trong và muỗi trưởng thành thường có khuynh hướng sống trong nhà nơi thiếu ánh sáng, nhất là nơi treo quần áo bẩn (có mùi mồ hôi). Muỗi này không sống trên cây. Tuy nhiên, các chủ nhà thích trồng cây cảnh thường để những chậu hoặc lọ có chứa nước đọng là nơi lý tưởng cho muỗi đẻ trứng và sinh nhiều muỗi trong nhà.

* Những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch... mắc bệnh SXH có nguy hiểm hơn người bình thường không? (Thanh Thanh, 36 tuổi, thanhthanh@....)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch... khi mắc bệnh SXH sẽ nguy hiểm hơn những người bệnh SXH có cơ địa bình thường.

Bệnh tiểu đường khi mắc SXH dễ bị biến chứng sốc nặng hơn do tiểu đường gây mất nước qua đường tiểu, còn SXH gây thoát huyết tương ra ngoài lòng mạch, như vậy cả 2 bệnh góp phần làm giảm thể tích máu nhiều hơn và bệnh nhân dễ bị sốc nặng hơn.

Tương tự khi bệnh nhân tim mạch mắc bệnh SXH rất dễ bị sốc nặng hơn bệnh nhân khác do tình trạng tim mạch không thể hoạt động bù trừ tốt khi bị giảm thể tích máu do thoát huyết tương.

Các bệnh nhân này nên nhập viện ngay khi mắc bệnh SXH.

* Thưa bác sĩ,̃ con tôi năm nay 15 tuổi, bị nổi mẩn, có những chấm đỏ nổi dưới da, bị sốt, đau đầu. Đi khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bác sĩ̃ kết luận bị bệnh sốt phát ban và cho thuốc uống. 4-5 ngày sau bị lại liên tục như vậy khoảng 3 tháng nay. Vậy xin hỏi bác sĩ̃ cần phải kiêng gì và chăm sóc như thế nào. (Đỗ Đinh Đảng, 46 tuổi, dangdodinh@...)

- BS Trần Thị Thúy: Trường hợp con của bạn sau khi bị bệnh sốt phát ban lại nổi hồng ban nhưng không sốt và tái phát nhiều lần thì bạn nên đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (phòng khám da liễu) để được thăm khám vì có thể cháu mắc bệnh về da.

* Hiện mỗi tuần TP có bao nhiêu ca SXH? Dự báo trong thời gian tới căn bệnh này sẽ tăng hay giảm? (Nguyễn Liên, 40 tuổi, nguyenlien@...

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Hiện nay số ca mắc bệnh SXH mỗi tuần khoảng từ 200-250 ca. Vào thời điểm này SXH có xu hướng giảm và sẽ giảm mạnh vào thời điểm hết mùa mưa chuyển sang mùa khô.

* Diễn tiến của bệnh SXH? Ngày thứ mấy của bệnh thì bệnh mới trở nặng? Những dấu hiệu trở nặng? (Thanh Thảo, 33 tuổi, thanhthao@...)

- BS Trần Thị Thúy: Bệnh SXH diễn biến qua 3 giai đoạn:

1. Giai đoạn sốt là giai đoạn virut phát tán trong máu. Bệnh nhân thường sốt đột ngột, sốt rất cao, sốt liên tục, giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 4 ngày.

2. Giai đoạn nguy hiểm: thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Trong giai đoạn này có hiện tượng thất thoát huyết tương từ lòng mạch máu ra khoang thứ 3 là màng bụng, màng phổi, màng tim gây cô đặc máu và trụy tim mạch có thể đưa đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra còn có hiện tượng xuất huyết (chảy máu) nhiều nơi: ngoài da dưới dạng chấm xuất huyết, bầm chỗ tiêm, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiêu phân đen, tiểu ra máu, hoặc kinh nguyệt bất thường. Nếu bệnh nhân bị xuất huyết nặng, có thể có xuất huyết phổi, xuất huyết não.

Ngoài hiện tượng thất thoát huyết tương, xuất huyết, có thể gặp biến chứng tổn thương nhiều cơ quan như tổn thương gan, thận, phổi, não là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sốt xuất huyết nặng.

3. Giai đoạn phục hồi: thường từ sau ngày thứ 6 trở đi. Bệnh nhân hết sốt, ăn lại bình thường, tiểu nhiều, hết nguy cơ cô đặc máu và hết nguy cơ xuất huyết.

* Con tôi xuất huyết độ 2 mà trên người cháu không nổi những chấm đỏ. Và cháu sốt cao liên tục gần 4 ngày. Xin chỉ tôi làm sao biết được là SXH và cách phòng tránh. (nguyen quyng nga, 30 tuổi, 122 le van viet. Q.9, TP.HCM)

DleeuuST.jpgPhóng to
BS Nguyễn Văn Hảo, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: Thanh Đạm

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Cháu sốt cao liên tục 4 ngày, dù trên người không có chấm đỏ vẫn không loại trừ bệnh SXH. Do đó chị cần tới cơ sở y tế gần nhất để được khám đầy đủ và xét nghiệm máu để xác định chẩn đoán. Bệnh SXH thường trở nặng từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 của bệnh. Vì vậy chị không nên chần chờ, cho cháu đi khám bệnh ngay.

* Tôi sống ở Q.Bình Thạnh, muốn được tư vấn về việc mua thuốc phun trừ muỗi SXH, do tôi dùng bình xịt thường nhưng không hiệu quả. Vậy những thuốc nào an toàn và được khuyến cáo sử dụng? Xin chân thành cảm ơn (Nguyễn Văn Đức Quang, 38 tuổi, mataxyl@...)

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Vấn đề xịt muỗi trong nhà:

+ Diệt những ổ bọ gậy trong nhà: Dẹp hết những vật dụng có chứa nước đọng trong nhà và xung quanh nhà. Đậy nắp các hồ chứa nước hoặc lu chứa nước, khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng.

+ Xịt thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết. Muỗi thường hay đậu ở nơi tối như gầm giường, tủ, nơi treo quần áo nhất là quần áo dơ. Phòng ngủ nên thoáng sạch không treo nhiều áo quần làm nơi cho muỗi đậu. Tốt nhất là dùng cửa lưới chống muỗi. Xịt thuốc diệt muỗi phải thực hiện đúng cách: khi xịt phải xịt vào nơi muỗi đậu như vừa nêu ở trên, đóng cửa phòng khoảng nửa tiếng không cho người ra vào.

+ Ở nơi công cộng có nhiều muỗi thì báo cho trạm y tế - y tế dự phòng. Cơ quan này sẽ cho nhân viên và phương tiện đến để xịt muỗi.

+ Thuốc xịt muỗi trong nhà cần có nhãn mác rõ ràng, không được mua thuốc không rõ nhãn mác, không rõ thành phần, để tránh gây ngộ độc cho người sử dụng.

* Làm sao phân biệt được triệu chứng phát ban của bệnh SXH và những nốt mẩn ban bình thường?(Thảo Vy, 33 tuổi, thaovy@...)

- BS Trần Thị Thúy: Triệu chứng phát ban của bệnh SXH mà chúng tôi thường gọi là ban phục hồi thường xuất hiện trong giai đoạn lui bệnh (hồi phục) từ ngày thứ 6 sau khi sốt. Ban phục hồi trong SXH thường nổi ở tay chân, thỉnh thoảng trong thân và thường kèm dấu hiệu ngứa.

Trong khi hồng ban của bệnh nhiễm siêu vi thường gặp ở các trẻ nhỏ xuất hiện sau ngày thứ 3 cũng là ngày bệnh nhân hết sốt. Hồng ban của bệnh nhiễm siêu vi này xuất hiện đầu tiên ở mặt, cổ, sau đó lan xuống thân, bụng rồi mới đến tay chân. Riêng hồng ban của bệnh sởi thì xuất hiện ở sau tai, lan đến mặt, thân và tứ chi. Đặc biệt là bệnh nhân vẫn còn sốt khi nổi hồng ban và kèm các triệu chứng viêm kết mạc mắt, ho, sổ mũi nhiều.

* Thưa bác sĩ Hảo, người mắc bệnh sốt xuất huyết lớn tuổi nhất mà bác sĩ từng gặp? Bệnh này sẽ gây nguy hiểm gì nếu người già mắc bệnh? (Mai Hoa, 67 tuổi, maihoa@...)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Trong năm nay, tôi đã gặp bệnh nhân 74 tuổi bị SXH Dengue. Thực ra bệnh SXH Dengue ở người lớn thường xảy ra trong lứa tuổi 15-25 tuổi. Rất hiếm gặp ở người già. Ở người già thường dễ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gan, thận, tim... Vì vậy khi người già mắc bệnh SXH thường nặng hơn người trẻ. Do đó, bệnh nhân cần phải được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

* Bệnh SXH và tay chân miệng, bệnh nào nguy hiểm hơn? Những triệu chứng của hai bệnh này có dễ nhầm lẫn? Điểm khác biệt giữa hai bệnh này? (Minh Quang, 33 tuổi, minhquang@....)

- BS Trần Thị Thúy: Cả 2 bệnh SXH và tay chân miệng đều nguy hiểm như nhau. Triệu chứng chung gặp ở cả 2 bệnh này đều là sốt cao, ói. Trong bệnh SXH bệnh nhân thường trở nặng từ ngày thứ 3 trở đi và dấu hiệu nặng diễn biến từ từ chứ không đột ngột, nhanh, tối cấp như trong bệnh tay chân miệng có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp.

* Nguyên nhân gây tử vong ở 10 ca SXH trong TP.HCM vừa qua? Qua điều tra dịch tễ những trường hợp này, Trung tâm Y tế dự phòng TP có những lưu ý gì cho người dân? (Hữu Hưng, 45 tuổi, huuhung@)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Nguyên nhân gây tử vong ở 10 ca SXH trong TP vừa qua do bệnh rất nặng, tổn thương đa cơ quan: suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, hôn mê do tổn thương não, xuất huyết nhiều nơi, sốc kéo dài. Những bệnh nhân này đã được điểu trị tích cực như truyền máu, các chế phẩm của máu, các loại dịch truyền, lọc máu, thở máy...

Người bệnh khi bị sốt cao cần phải tới khám và theo dõi sớm tại các cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và xử trí bệnh SXH, như vậy sẽ tránh được các biến chứng nặng của bệnh do điều trị trễ và không đúng.

* Thưa BS, bé bị sốt bao nhiêu ngày thì mới gọi là SXH? Cần uống thuốc gì để hạ sốt? Các triệu chứng ban đầu khác? Cần cho bé ăn gì khi sốt? Khi nào thì nên đi bệnh viện, vì gia đình ở xa bệnh viện, xin BS hướng dẫn giúp. Cảm ơn! (vo thanh trung, 29 tuổi)

- ThS-BS Nguyễn Văn Hảo: Sốt cao liên tục 2-7 ngày là có thể nghi ngờ SXH. Cần uống thuốc paracetamol và lau mát để hạ sốt. Không nên dùng bất cứ thuốc gì khác có thể dễ gây chảy máu như: aspirin, ibuprofen (alaxan), dexamethasone...

Ngoài triệu chứng sốt, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như nhức đầu, đau nhức các cơ khớp toàn thân, da niêm ửng đỏ, phát ban ngoài da...

Nếu bệnh nhân có một trong các dấu hiệu cảnh báo sau đây thì cần phải nhập viện: đờ đẫn, li bì, nôn ói nhiều, đau bụng, chảy máu da niêm mạc, đi tiểu ít... hoặc người bệnh có các bệnh mãn tính sẵn có như béo phì, tim mạch, tiểu đường.

Phụ nữ có thai, người bệnh chỉ sống một mình, nhà ở xa cơ sở y tế nên được nhập viện theo dõi và điều trị.

* Nguyên nhân khiến số ca bệnh SXH tử vong nhiều như thời gian vừa qua (tăng gấp 5 lần so với năm trước)? Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã có những biện pháp gì để phòng chống dịch bệnh này? (Đào Mai Việt, 35 tuổi, daomaiviet@)

- BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Số ca tử vong năm nay là 10 ca, nếu so với các năm trước thì không thay đổi chỉ trừ năm 2010 chỉ có 2 ca.

Hiện tại y tế dự phòng đã triển khai các hoạt động phòng chống thường xuyên đến các cộng đồng dân cư và các trường học. 12 đoàn kiểm tra của Sở Y tế và y tế dự phòng hằng tuần đều kiểm tra tại trường học và các khu dân cư để chấn chỉnh các thiếu sót trong việc thực hiện phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Nhìn chung ý thức của người dân còn thấp về bệnh SXH. Các biện pháp diệt bọ gậy tại cộng đồng chưa được thực hiện triệt để. Tại trường học có thực hiện tốt hơn nhiều so với cộng đồng, tuy nhiên, cũng có một số ít trường mầm non vẫn chưa kiểm soát được ổ bọ gậy trong trường.

Hằng tuần các nơi thực hiện không tốt các biện pháp phòng bệnh đều được nhắc nhở và kiểm tra lại để giám sát. Bên cạnh đó các khu vực công cộng có nguy cơ sinh nhiều muỗi đều được y tế dự phòng phun thuốc diệt muỗi định kỳ.

TTO thực hiện 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên