09/05/2014 05:11 GMT+7

Đề phòng dịch bệnh mùa hè

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Nhiều dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè đang có nguy cơ bùng phát, trong khi dịch sởi dù giảm nhưng vẫn đáng lo ngại.

Đề phòng dịch bệnh mùa xuânCách nhận biết, phòng chống bệnh sởi Chủ động chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết

yXWK3cyL.jpg
Người lớn cần dùng riêng khăn, các dụng cụ ăn cho trẻ - Ảnh: T.T.D.

Tại cuộc họp báo về phòng chống dịch bệnh mùa hè được tổ chức chiều 8-5 ở Hà Nội, theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay bệnh tay chân miệng đã có gần 18.700 người mắc, gây tử vong cho hai người tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu tại miền Nam

TP.HCM: 2.607 ca sốt xuất huyết nhập viện

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong bốn tháng đầu năm 2014, TP đã có 2.607 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2013 và có ba ca tử vong.

Dù số ca sốt xuất huyết trong bốn tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ năm 2013, nhưng theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện số ca sốt xuất huyết đang giảm theo mùa với khoảng 100 ca/tuần. Tuy vậy, các chuyên gia đều nhận định số ca sốt xuất huyết sẽ bắt đầu tăng khi mùa mưa đến.

Bệnh tay chân miệng trong năm 2014 vẫn có số mắc cao, đặc biệt khu vực miền Nam tập trung tới 80,5% số người mắc của cả nước.

Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết loại virút EV71 gây bệnh tay chân miệng lưu hành ở miền Nam có độc lực cao hơn loại virút lưu hành gây bệnh ở miền Bắc.

“Virút gây bệnh này lây qua đường tiêu hóa và chưa có văcxin phòng bệnh nên chỉ có cách tăng cường vệ sinh” - ông Phu nói.

Bệnh sốt xuất huyết bắt đầu có nguy cơ tăng cao tại miền Nam khi thời điểm này bắt đầu mùa mưa ở đây và miền Nam chiếm tới 83,8% số ca mắc.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết rất cao vì bệnh chưa có thuốc và văcxin điều trị đặc hiệu. Theo ông Phu, muỗi gây sốt xuất huyết không sinh sản trong nước thải mà trong nước trong, vì vậy có khi chỉ một bình hoa có thể là ổ sinh sản của muỗi.

Ngoài ra, bệnh thủy đậu năm nay có số người mắc tăng cao so với năm 2013.

Ông Phu cảnh báo dù bệnh thủy đậu nhẹ và hầu hết tự khỏi nhưng virút dễ phát tán vì lây qua đường hô hấp, qua dịch miệng, dịch mắt, mũi, nên nếu không cách ly tốt người bệnh thì bệnh sẽ dễ lan rộng.

Viêm não virút, bệnh dại tại miền Bắc

Trong khi nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát ở miền Nam, tại miền Bắc bắt đầu vào mùa của bệnh viêm não virút (viêm não Nhật Bản).

Theo Cục Y tế dự phòng, năm nay có 191 trường hợp mắc và ba ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số người mắc đã tăng 9% và còn tăng nữa. Hiện bệnh viêm não virút đã có văcxin phòng bệnh nên cơ quan y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên tiêm phòng đầy đủ để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh.

Bệnh dại cũng là bệnh đặc biệt cần lưu ý. Từ đầu năm tới nay đã có 15 người chết vì bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

“Vào mùa dịch năm trước có 100 người chết vì bệnh dại. Người đã mắc bệnh dại là chắc 100% chết” - ông Phu khẳng định. Do vậy, thực hiện tiêm văcxin phòng dại đầy đủ trên đàn chó là cách phòng chống bệnh dại tốt nhất.

Phòng bệnh: giữ vệ sinh cá nhân, nhà cửa, trường lớp

Để giảm nguy cơ lây bệnh, ông Trần Đức Long, vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), khuyến cáo người dân nên tăng cường giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh các nơi sinh hoạt chung như nhà cửa, trường lớp...

Cụ thể, người dân cần rửa tay nhiều lần trong ngày dưới vòi nước chảy, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ hoặc sau khi đi vệ sinh, thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Với trẻ nhỏ, cha mẹ hạn chế việc trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi...

Cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ mà sử dụng riêng khăn ăn, khăn tay và các dụng cụ ăn. Đồ chơi của trẻ cần được lau sạch hằng ngày. Nhà cửa, trường lớp cần thoáng khí và được lau dọn hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện bệnh kịp thời và cách ly trẻ mắc bệnh ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Ông Long khuyến cáo thêm tuyệt đối không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với trẻ khác, sẽ làm dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Cần Thơ: ghi nhận một số bệnh diễn tiến phức tạp

Bác sĩ Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho biết bệnh viện vừa ghi nhận hai bệnh nhi mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng có những khác biệt. Cụ thể, bệnh nhi M.T.N.D. (7 tuổi, ở Vĩnh Long) đến bệnh viện điều trị sốt xuất huyết Dengue ổn, hết sốt và xuất viện, tuy nhiên sau đó tiếp tục sốt cao 39 độ, kéo dài, vàng da, đau bụng phải nhập viện trở lại. Các xét nghiệm cho thấy đây là trường hợp hội chứng thực bào máu thứ phát sau sốt xuất huyết, lần đầu ghi nhận tại bệnh viện.

Bệnh nhi H.L.D.K. (13 tháng tuổi, ở Kế Sách, Sóc Trăng) vào Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ với chẩn đoán bị tay chân miệng được điều trị tích cực, ngày thứ 5 hết sốt, ổn. Đến ngày thứ 6 bé tiếp tục sốt, xuất hiện các dấu hiệu sốt phát ban dạng sởi toàn thân, kết mạc mắt đỏ... Bệnh án ghi nhận trường hợp này là bệnh tay chân miệng kèm sởi.

* Ngày 8-5, bác sĩ Phạm Văn Lào, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 403 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (tăng gần 70 ca trong vòng một tuần), chưa có trường hợp nguy kịch.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên