30/11/2011 09:01 GMT+7

Để người tìm việc không bị sập bẫy

 PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
 PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Lừa người tìm việc để họ chấp nhận đi theo, sau đó đẩy họ vào cảnh lao động khổ sai dưới sự cưỡng bức của chủ từ lâu trở thành chiêu thức làm ăn quen thuộc của những tay mua bán người. Không ít lời cảnh báo đã được đưa ra cùng với các nỗ lực của Nhà nước, cộng đồng nhằm đấu tranh chống tệ nạn này, nhưng rồi nó vẫn tồn tại, hoành hành như một thách thức ngang bướng đối với xã hội.

Tìm việc cuối năm coi chừng... sập bẫy

Phần lớn người không có việc làm xuất thân từ nông thôn, ít học, không có đất để canh tác hay trồng trọt, chăn nuôi, cũng chẳng có kỹ năng gì đặc biệt. Họ không có điều kiện thu thập thông tin đáng tin cậy, không biết nhiều về cuộc sống ở thị thành. Chỉ cảm nhận mơ hồ về khả năng có nhiều lối ra để lựa chọn cho cuộc sống đang bế tắc, họ không hình dung được những rủi ro, hiểm họa có thể gặp phải một khi dấn thân vào chốn xa lạ đông người. Xuất hiện trong bộ dạng nhà quê rụt rè, lạ lẫm và ngẩn ngơ, họ rơi vào tay những người rình rập ngay tại các bến xe, tàu liên tỉnh giống hệt như bài bản dẫn dụ con mồi vào bẫy của thợ săn.

Thật ra người sử dụng lao động tử tế và có nhu cầu nghiêm túc về nhân công lúc này lúc nọ không thiếu. Vấn đề là làm thế nào để bên cầu và bên cung có thể găp nhau đúng lúc, đúng chỗ để xác lập cuộc trao đổi một cách sòng phẳng, hợp lý và an toàn cho cả hai.

Không nói đâu xa, ở Malaysia có các trung tâm tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm được tổ chức thành mạng lưới chặt chẽ, có chi nhánh đặt tại các vùng nông thôn xa xôi. Các trung tâm ấy thu thập thông tin từ cả hai phía của quan hệ lao động tiềm năng, một bên đi tìm người làm công và bên kia có khả năng đáp ứng yêu cầu. Qua sự dàn xếp, môi giới của trung tâm và nhờ sự hỗ trợ của Internet, hai bên có các cuộc tiếp xúc để tìm hiểu khả năng và nhu cầu của nhau, nếu thấy thuận lợi đi đến giao kèo sử dụng lao động.

Tất nhiên, để hoạt động trung gian ấy được thực hiện một cách có hiệu quả, điều cần thiết là các trung tâm phải được trang bị tốt về phương tiện vật chất và những người làm việc ở đó phải có thu nhập khả dĩ để có thể yên tâm phục vụ. Thu phí dịch vụ của hai bên khách hàng là một trong những biện pháp tạo nguồn thu nhằm bảo đảm các điều kiện ấy.

Nhưng tốt nhất là có sự can thiệp, điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước. Trích một phần quỹ an sinh xã hội, Nhà nước đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất của mang lưới tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, trả thù lao thỏa đáng cho đội ngũ nhân viên làm việc trong mạng lưới. Sau khi quan hệ lao động xác lập nhờ hiệu quả công tác của cơ quan trung gian môi giới, Nhà nước có điều kiện thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư đã ứng trước, thông qua việc thu các khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội của các bên.

 PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên