Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (giữa) và Phó chủ tịch Dương Anh Đức trao đổi bên lề với bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - tại Hội thảo nâng cao năng lực chuyển đổi số của TP.HCM năm 2021 - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 16-12, tại hội thảo "Nâng cao năng lực chuyển đổi số" do UBND TP.HCM tổ chức, bà Võ Thị Trung Trinh - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông - cho biết sau hai năm phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử của TP, đến nay kho dữ liệu dùng chung và nền tảng liên thông tích hợp (HCM LSGP) đã kết nối 41 đơn vị và gần 1 triệu lượt yêu cầu xử lý mỗi ngày.
Vẫn bộn bề, chưa liên thông
Tuy nhiên bà Trinh cũng nhìn nhận nếu so với Singapore, những con số này còn rất khiêm tốn. Một số điểm còn hạn chế như tính liên thông, kết hợp, tích hợp dữ liệu trong kho. Ngoài ra còn là khả năng tận dụng được dữ liệu từ các đơn vị khác hay việc đóng góp dữ liệu của chính đơn vị mình về kho dữ liệu dùng chung của TP.
Bà Trinh cũng nhấn mạnh để phát triển chuyển đổi số với TP.HCM hiện nay, quan trọng là trong việc tạo lập cơ sở dữ liệu đủ lớn để tạo hạ tầng số. Cụ thể, cần nhanh chóng để biến những kế hoạch trở thành những hành động cụ thể, mà việc đầu tiên là phát triển hạ tầng số.
"Muốn phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, điều cần thiết là phải có nền tảng số, đặc biệt là nền tảng dữ liệu" - bà Trinh nói.
Cũng cho rằng TP.HCM rất năng động trong phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số, trong ba năm đã ban hành hai chương trình lớn liên quan đến phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số nhưng ông Nguyễn Kỳ Phùng - phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức - thẳng thắn nói: "Chuyển đổi số quan trọng nhất là kho dữ liệu.
Trong thời gian qua, TP.HCM rất cố gắng để hoàn thiện, lấp đầy kho dữ liệu dùng chung. Nhưng theo đánh giá của cá nhân tôi thì việc lấp đầy kho dữ liệu dùng chung của chúng ta từ địa phương làm tương đối chậm, thiếu liên thông, chưa bám sát đến thời điểm nào thì chúng ta hoàn thành, việc chia sẻ thông tin chậm"...
Biến thô thành "vàng"
Trình bày tại hội thảo, TS Huỳnh Nhật Nam - ĐH Fulbright Việt Nam - cho rằng chuyển đổi số cần nhiều yếu tố như công nghệ, phần cứng, dữ liệu nhưng để đi đúng hướng và có tác động hiệu quả thì cần đi từ các bài toán cụ thể.
Từ các đầu bài sát sườn, TP có thể xác định mình còn thiếu những dữ liệu gì, ở mức độ như thế nào, khi đó mới đi thu thập dữ liệu. Nếu cầm đèn chạy trước ôtô, cào dữ liệu cho nhiều nhưng phần lớn dữ liệu đó không giúp giải quyết một vấn đề cụ thể nào thì dữ liệu ấy vô ích.
Và khi làm được, giải quyết được những bài toán cụ thể bằng dữ liệu, ra kết quả ban đầu sẽ giúp hình thành thêm nhiều câu hỏi để giải quyết thêm nhiều bài toán khác.
Đồng tình với việc dữ liệu cần xử lý, cần phải lọc mới có kết quả tốt, ông Trương Quốc Hùng - tổng giám đốc VinBrain thuộc Tập đoàn Vingroup - khẳng định: "Dữ liệu lớn là chưa đủ mà phải lọc được dữ liệu vàng mới thành nguồn tài nguyên tốt để khai thác".
Kể câu chuyện về việc Vingroup đã tạo ra trợ lý ảo trong chẩn đoán, điều trị COVID-19, ông Hùng cho rằng quá trình thu thập dữ liệu cần qua giai đoạn thô, làm sạch và dán nhãn dữ liệu, sau sàng lọc mới tạo ra được dữ liệu vàng.
"Muốn có dữ liệu sạch trước hết quy trình thu thập phải chuẩn. Kế đó, cần phải có phương thức sàng lọc để biến cái thô thành sạch" - ông Hùng nói.
Khẳng định những điều này, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nói: "Thế giới hiện nay nhắc nhiều đến khái niệm dữ liệu là tài nguyên. Thứ tài nguyên này rất đặc biệt, khác với dầu mỏ, khác với các nguồn tài nguyên khác vì tài nguyên khác càng khai thác càng mất đi, còn tài nguyên dữ liệu càng khai thác càng giàu lên.
Bởi vì từ dữ liệu chúng ta sẽ nâng cấp và càng nâng cấp dữ liệu càng giá trị hơn dữ liệu ban đầu. Lúc đó chúng ta thực sự có trong tay dữ liệu lớn và có dữ liệu lớn thì chúng ta có những dự báo tương lai tương đối chính xác".
Ông Dương Anh Đức đề nghị Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM nhanh chóng thúc đẩy việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của TP, trong đó có phần dữ liệu mở để cho tất cả mọi người khai thác và biến nó thành tài sản quý giá của toàn bộ người dân TP.HCM.
* Ông Phan Văn Mãi (chủ tịch UBND TP.HCM):
Chuyển đổi số để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM
Đại dịch COVID-19 bộc lộ 3 vấn đề lớn đối với TP.HCM. Thứ nhất là quản trị TP trong tình hình mới. Thứ hai là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị TP. Thứ ba là từ đổi mới công tác quản trị tìm ra động lực mới cho tăng trưởng của TP trong tương lai.
Đây là 3 vấn đề mà TP đã nhận ra và thấy cần phải tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Trong bối cảnh đó, TP xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Chuyển đổi số là mệnh lệnh
Góp ý cho chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho rằng: "COVID-19 chính là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Chuyển đổi số chính là mệnh lệnh chứ không phải kiểu bổ sung mang tính thú vị nữa.
Với TP.HCM, đây là thời điểm thích hợp, cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số, giúp TP.HCM đi đầu trong kỷ nguyên số hiện nay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận