Nội dung trên được TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đưa ra tại buổi làm việc về tình hình kinh tế tháng 2, 2 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ tháng 3 do UBND TP.HCM tổ chức sáng 3-3.
Hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng
Phát biểu tại buổi làm việc, TS Trần Du Lịch nhìn nhận thời gian qua TP.HCM đã và đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp bất động sản, các đơn vị sở ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, ông cho rằng các doanh nghiệp cần chứng minh và được tạo niềm tin qua các hành động cụ thể thời gian tới.
"Tôi đề nghị trong công tác điều hành, UBND TP.HCM giao các sở công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ. Điều này nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong tình hình hiện tại, thể hiện kỷ luật công vụ", ông Lịch nói.
Về tình hình kinh tế - xã hội, theo TS Trần Du Lịch, việc hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng phải là mục tiêu then chốt trong năm 2023 của TP. Bởi trong bối cảnh hiện tại, kinh tế của thế giới đã "sáng sủa hơn" so với dự báo cuối năm ngoái.
Có thể thấy vấn đề lớn hiện nay đối với kinh tế của Việt Nam là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng cao. Những vấn đề này sẽ là thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước 6,5% năm 2023.
Tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển
Trong điều kiện lạm phát dưới 4% và lãi suất cao như hiện tại sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển TP.HCM, do đó phải chờ động thái từ Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, TP cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển, cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8-8,5%.
Nhận định những khởi sắc về kinh tế của TP sẽ chưa đến trong nửa đầu năm 2023, ông Lịch cho rằng thời điểm này TP cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp thất thoát.
Để làm được điều đó, UBND TP cần giao Viện Nghiên cứu phát triển, Cục Thống kê, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho TP. Từ đó đề ra các biện pháp để thúc đẩy và tập trung là thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.
Ngoài ra, ông Trần Du Lịch nhìn nhận, nếu trong tháng 5 sắp tới Quốc hội kịp ban hành nghị quyết mới, thay thế nghị quyết 54 thì TP.HCM không chỉ được giải quyết điểm nghẽn về thể chế mà còn tạo sức bật cho cả TP vươn lên.
Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực theo dự báo
Theo báo cáo của UBND TP, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội TP đạt nhiều kết quả tích cực.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,7%; doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319.000 lượt.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,6%); khối lượng vận tải hành khách tăng 57,7%.
TP cũng thu hút được khoảng 369,1 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng 5,95%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.
Mặc dù tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng giảm mạnh về số đăng ký so với cùng kỳ (giảm 42,7%). Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1%, số lao động được giải quyết việc làm giảm 1,32%.
Đặc biệt, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022 khiến áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3 năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận