Tập đoàn Samsung Việt Nam cho biết sẽ mở rộng đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7-2023 tại Thái Nguyên - Ảnh: VGP
Ngày 5-8, tại buổi tiếp ông Roh Tae-Moon, tổng giám đốc Tập đoàn Samsung điện tử (Hàn Quốc) đang thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ một số thông tin cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và đối ngoại của Việt Nam.
Nhấn mạnh tinh thần hợp tác "chân thành, tin cậy, hiệu quả", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Samsung nói riêng.
Trong đó, sẽ xem xét nghiêm túc và tích cực giải quyết các kiến nghị của Samsung, vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng mong muốn Samsung tiếp tục góp ý về thể chế, cơ chế, chính sách và mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh, coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế, thiết thực kỷ niệm dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022), đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn, một trong ba mảng hoạt động thế mạnh của tập đoàn, cùng với hai mảng thiết bị di động và điện tử gia dụng đã hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, góp phần khép kín "chuỗi sản xuất" trong lĩnh vực điện, điện tử tại Việt Nam; nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2022.
Đồng thời, Samsung tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Từ đó, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng sản xuất trong nước; tăng cường đào tạo và sử dụng nhân lực người Việt Nam cho các vị trí cấp cao.
Trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới đang có xu hướng tái cơ cấu đầu tư và tái định vị lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, Thủ tướng đề nghị Samsung hỗ trợ và là cây cầu đưa các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung đến Việt Nam đầu tư trong thời gian tới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bày tỏ sự cảm ơn Chính phủ và các cơ quan Việt Nam đã hỗ trợ Samsung, tổng giám đốc Tập đoàn Samsung điện tử cho biết 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt mức 34,3 tỉ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỉ USD, đầu tư thêm 3,3 tỉ USD và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tập đoàn đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7-2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên. Dự kiến khánh thành trung tâm R&D tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, không chỉ là trung tâm cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á.
Ông cho biết Samsung dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh; đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam.
Đồng thời bày tỏ đề nghị phía Việt Nam tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; giới thiệu về thế mạnh và các hoạt động của Hàn Quốc trong việc vận động đăng cai Triển lãm thế giới EXPO 2030.
Được biết, Triển lãm Expo 2030 là cơ hội mở ra tầm nhìn mới về một tương lai với công nghệ tiên tiến chưa từng có từ trước đến nay. Thông qua việc tổ chức đăng cai Triển lãm thế giới Busan 2030, với khẩu hiệu "Chuyển đổi thế giới của chúng ta, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn", Hàn Quốc mong muốn sẽ đưa ra tầm nhìn chung nhằm giải quyết một số thách thức mà toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phân hóa công nghệ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận