Một trong những kiến nghị cụ thể của UBND TP là cần bổ sung vào điều 84 Hiến pháp năm 1992 quy định thẩm quyền của Quốc hội được ban hành luật, nghị quyết cho phép chính quyền các đô thị đặc biệt, chính quyền địa phương cấp tỉnh thành trực thuộc trung ương được mở rộng thẩm quyền thực hiện những chủ trương, chính sách mới hoặc để giải quyết những vấn đề đặc thù của địa phương trong điều kiện hiến pháp hoặc các đạo luật chưa có quy định.
Cũng nằm trong nhóm những kiến nghị này, UBND TP cho rằng hiến pháp cần bổ sung nguyên tắc về phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, trong đó có những quy định cụ thể những vấn đề chỉ trung ương mới có quyền quyết định và những vấn đề cấp chính quyền địa phương có quyền quyết định...
UBND TP dành nhiều kiến nghị cho việc tổ chức HĐND và UBND theo cấp hành chính. Theo đó, đề nghị đổi tên chương IX Hiến pháp 1992 về “HĐND và UBND” thành tên gọi “Tổ chức chính quyền địa phương”. Đồng thời đề nghị đổi tên UBND thành “Ủy ban hành chính” nhằm phản ánh đúng tính chất pháp lý và chức năng cơ bản của cơ quan này.
Đề cập cụ thể nội dung điều 118 Hiến pháp 1992, báo cáo của UBND TP kiến nghị bổ sung nhiều nội dung được cho là quan trọng. Cụ thể: với các đô thị đặc biệt, việc phân chia cấp hành chính sẽ do Quốc hội quyết định. Đối với TP trực thuộc trung ương chỉ thành lập HĐND và ủy ban hành chính của TP; quận, huyện, phường, xã, thị trấn chỉ thành lập ủy ban hành chính, không thành lập HĐND.
Tương tự, đối với các tỉnh chỉ thành lập HĐND và ủy ban hành chính của tỉnh; ở huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh cũng chỉ thành lập ủy ban hành chính, không thành lập HĐND (riêng đối với xã, thị trấn thuộc tỉnh vẫn thành lập HĐND và ủy ban hành chính).
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP - ủng hộ TP thuộc trung ương có một cấp chính quyền hoàn chỉnh: HĐND và ủy ban hành chính. Bà còn đề xuất chủ tịch UBND TP vẫn do HĐND TP bầu, nhưng các phó chủ tịch UBND TP do chủ tịch UBND TP bổ nhiệm. Bà Thảo cho rằng nên có TP trong TP, còn hiện nay tổ chức bộ máy nhiều quận nhưng quản lý bị cắt khúc.
Theo UBND TP, khu vực nông thôn và đô thị có những điểm khác nhau cơ bản về đời sống kinh tế - xã hội nhưng hệ thống pháp luật VN chưa có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. “Chính vì vậy, cơ cấu tổ chức chính quyền hiện nay ở các đô thị lớn chưa phù hợp nên khó khăn trong điều hành, quản lý”.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, nhấn mạnh trong sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này cần bổ sung các quy định nhằm cho phép các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I thẩm quyền được tổ chức bộ máy quản lý hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện và đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của mình.
UBND TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung điều 124 Hiến pháp 1992 theo hướng chủ tịch UBND có thẩm quyền quyết định tất cả vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương, trừ những vấn đề thật sự quan trọng do tập thể UBND quyết định theo luật.
Từ thực tế “chế độ làm việc tập thể của UBND và thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND chưa xác định rõ ràng trong một số lĩnh vực cụ thể” nên theo UBND TP, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của UBND, công tác chỉ đạo, điều hành đôi khi bị chậm, hội họp nhiều, khó xác định trách nhiệm cá nhân. UBND TP đề xuất bổ sung điều 146 Hiến pháp 1992 cơ chế giám sát việc thực hiện hiến pháp nhằm đảm bảo tính hợp hiến và thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, thượng tướng Trần Đại Quang - ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ủy viên Ban chỉ đạo tổng kết Hiến pháp năm 1992 - đề nghị TP.HCM bổ sung vào báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 nội dung tổng kết việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Theo ông, mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội phải nâng cao được sức mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận