21/11/2014 12:16 GMT+7

Đề nghị chỉ hai mức: “Tín nhiệm” và “không tín nhiệm”

TT - Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, quy định ba mức thì chưa cần tiến hành lấy phiếu chúng ta đã mặc định trước kết quả: tất cả các chức danh đều được tín nhiệm!

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga - Ảnh: Việt Dũng

Chiều 20-11, chỉ 2/10 đại biểu Quốc hội phát biểu đồng tình với dự thảo sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là nên giữ ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) và mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần.

Đó là các ông Phạm Trường Dân (Quảng Nam) và Danh Út (Kiên Giang). Các ý kiến còn lại ủng hộ hai mức.

“Đông đảo cử tri đề nghị...”

Có ba đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng lên tiếng là phó trưởng đoàn Chu Sơn Hà, chủ tịch Hội Nông dân Trịnh Thế Khiết và PGS.TS Bùi Thị An.

Điều đặc biệt là cả ba đại biểu đều khẳng định kiến nghị: chỉ nên có hai mức đánh giá tín nhiệm (tín nhiệm, không tín nhiệm) đối với các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.

Ông Chu Sơn Hà cũng bày tỏ băn khoăn trước việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không công bố kết quả lấy phiếu thăm dò các đại biểu Quốc hội về một số nội dung thuộc phạm vi sửa đổi nghị quyết này tại kỳ họp trước.

“Cá nhân tôi và đông đảo cử tri ủng hộ hai mức: tín nhiệm, không tín nhiệm để kết quả rõ ràng hơn” - đại biểu Võ Thị Dung, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, bày tỏ.

Bà Dung và bà An đồng tình cao với phân tích trước đó của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên).

“Quy định ba mức thì chưa cần tiến hành lấy phiếu chúng ta đã mặc định trước kết quả: tất cả chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa hay thấp mà thôi.

Cử tri đặt câu hỏi: Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống.

Vậy dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?” - bà Nga nói.

Bà Nga phân tích thêm: việc không quy định mức không tín nhiệm vô hình trung hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó và qua đó đã hạn chế luôn cả quyền này của cử tri.

Quá an toàn cho người được lấy phiếu

Liên quan đến thời điểm và số lần lấy phiếu, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng: Dự thảo quy định lấy phiếu vào kỳ họp cuối của năm thứ ba là chưa hợp lý. Cuối năm thứ ba (tức sau gần 30 tháng kể từ khi được bầu hoặc phê chuẩn) là quá muộn, làm giảm hiệu quả của giám sát.

Luật hóa việc lấy phiếu tín nhiệm

Với 86,92% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) vào sáng 20-11. 

Và như vậy việc lấy phiếu tín nhiệm đã chính thức được luật hóa, ghi nhận thẩm quyền của Quốc hội trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; là bước chuẩn bị cho việc thực hiện quyền bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp.

Một nội dung khác là luật cũng quy định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người và số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35%.

VIỄN SỰ

Bà cũng cho rằng cử tri sẽ khó chấp nhận việc sau khoảng một năm rưỡi (tức gần 1/3 nhiệm kỳ) mà người đứng đầu chỉ mới làm quen với công việc; sau một năm rưỡi mà việc chỉ đạo, điều hành, nhất là đối với những vấn đề nóng, bức xúc trong đời sống dân sinh chưa có kết quả trên thực tế.

Và cử tri cũng không thể chấp nhận với chừng ấy thời gian mà đại biểu chưa đủ khả năng, chưa đủ điều kiện để làm tốt được công tác giám sát, đánh giá.

“Việc lấy phiếu nếu chỉ tiến hành một lần cũng không công bằng với những người có số phiếu tín nhiệm không cao mà sau đó đã nỗ lực phấn đấu trong công việc vì họ mãi mãi bị mang tiếng là phiếu tín nhiệm thấp.

Sự rèn luyện, sửa chữa rồi mà lại không cho cơ hội để được ghi nhận thì vừa không đạt mục đích của lấy phiếu, vừa không công bằng và chưa thể hiện được tính nhân văn trong đánh giá cán bộ”. Bà Nga đề nghị “lấy phiếu hai lần của nhiệm kỳ”.

“Các lãnh đạo mà có tầm, có tâm sẽ coi việc lấy phiếu tín nhiệm là để đánh giá kết quả công tác, từ đó nỗ lực vươn lên, chứ không nặng nề gì” - đại biểu Bùi Thị An nói và cho rằng lấy phiếu hai lần một nhiệm kỳ là hợp lý.

“Rất nhiều cử tri đề nghị lấy phiếu tín nhiệm hai lần một nhiệm kỳ” - đại biểu Chu Sơn Hà, Trịnh Thế Khiết cũng đồng ý.

“Cử tri nói rằng Quốc hội đã quá vội vã sửa nghị quyết 35, phải chăng là do Quốc hội quá lo cho sự an toàn của những người được lấy phiếu?” - bà Võ Thị Dung băn khoăn.

Trong khi đó, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng nêu: “Cử tri đặt ra câu hỏi tại sao phải sửa nghị quyết khi mới lấy phiếu một lần mà lần đó lại được dư luận, đại biểu đánh giá cao? Hay vì những tác dụng phụ khó kiểm soát?”.

Ông Tường cũng cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai rất thuyết phục, có tác dụng và hiệu quả cao. Từ đó, ông đề nghị Quốc hội chưa nên sửa đổi nghị quyết hiện hành, đến nhiệm kỳ sau để có thêm thực tiễn chứng minh.

Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết này vào phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 (chiều 28-11). Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

LÊ KIÊN 

Thông qua Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội thông qua sáng 20-11, từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động quy được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy được tính thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%.

VIỄN SỰ

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên